Thursday, November 14, 2013

Sao lại có chuyện tính toán thiệt hơn khi giúp đỡ kẻ hoạn nạn?!

>> Hải quân Nga sẽ nhận tàu modul đầu tiên vào năm 2020
>> Scandal gây chấn động chính trường Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (cũ)
>> "Các quan chức EU đã giết chết Gaddafi và gây ra chuyện rắc rối này"
>>>>> Từ khó chết đến bị... bức tử
>> Tất nhiên là phải chối…?!

Sao lại có chuyện tính toán thiệt hơn khi giúp đỡ kẻ hoạn nạn?! Với Nhật, cái lối hành xử quái đản đó không là phong cách của họ. Ngay sau khi cơn bão tàn khốc Haiyan trôi qua, Tokyo đã nhanh chóng cử nhân viên thiện nguyện cùng binh lính đến trợ giúp Philippines, chưa kể 10 triệu USD. Trong trận sóng thần 2004, khoảng 1.000 lính và nhân viên thiện nguyện Nhật cũng đến Aceh… Đó là cách ứng xử mà người tử tế, biết điều và có lý trí, được mặc nhiên, phải làm. Và làm theo cái cách mà nhiều người khác phải biết hổ thẹn.

Trong thực tế, về xây dựng “quyền lực mềm”, Nhật Bản đang tỏ ra rất mềm dẻo và thông minh. Suy thoái kinh tế vẫn không ngăn những đồng vốn ODA của Nhật đổ vào nhiều quốc gia và ảnh hưởng văn hóa Nhật đối với thế giới ngày càng được cảm nhận rõ. Nhật đang là nước đổ vốn mạnh vào châu Phi, với cam kết 3,2 ngàn tỉ yen (40 tỉ USD) trong đó có 17 tỉ USD cho các chương trình ODA, tính đến giữa năm 2013. Trong chuyến công du Myanmar vào tháng 5-2013, Thủ tướng Shinzo Abe đã hứa cho nước này vay mới khoảng 500 triệu USD và xóa khoản nợ 1,74 tỉ USD (năm 2012, Nhật đã xóa khoản nợ 3,4 tỉ USD cho Myanmar). 

Với màu áo lực lượng gìn giữ hòa bình, người Nhật đã có mặt ở Afghanistan (như từng có mặt ở Iraq trước đó) cũng như hiện diện nhiều điểm nóng khác. Làm việc cùng Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Nhật đã đầu tư 92 triệu USD để giúp 21 quốc gia châu Phi tìm giải pháp cho vấn đề thay đổi khí hậu (một phần trong khuôn khổ dự án có ngân sách 10 tỉ USD). Và khi nạn hải tặc Somalia hoành hành, Nhật cũng thảo luận việc cho phép tuần dương nước mình được hộ tống tàu dầu và tàu buôn. Tất cả cho thấy sự thay đổi quan điểm của Nhật trước chuyển dịch thay đổi của thế giới, khi họ lột xác từ hình ảnh nhà quân phiệt Thế chiến thứ hai trở thành nhà buôn, nhà ngoại giao, nhà từ thiện… với tầm ảnh hưởng toàn cầu. Nói ở một góc độ hẹp, Nhật đã trở thành một cường quốc có sức ảnh hưởng lãnh đạo thế giới, theo một cách mềm dẻo, trên tinh thần lấy “nhu” làm nền tảng. 

Yasushi Watanabe – đồng biên tập quyển mới ấn hành Soft Power Superpowers – không giấu được tự hào khi nói công chúng Nhật hiện có cảm giác cần phải thể hiện sự đáp trả kể từ khi đất nước họ được giúp để tái thiết sau chiến tranh cách đây hơn 60 năm. Lý tưởng này trở thành động lực giúp tuyển mộ nhân viên mới cho Tổ chức tình nguyện viên hải ngoại Nhật Bản (JOCV) mà từ năm 1965 đến nay đã phái hơn 30.000 người đến làm công tác từ thiện tại hơn 70 quốc gia. Hiện tại, người ta có thể thấy nhiều tình nguyện viên Nhật là phái nữ hoặc thậm chí người già, những người muốn sống có ích khi ở tuổi nghỉ hưu. 

Trong cuộc thăm dò BBC thực hiện toàn cầu năm nay (BBC, 23-5-2013), Nhật được xếp hạng tư thế giới về hình ảnh tích cực (sau Đức, Canada và Anh; Trung Quốc xếp thứ 9). Hình ảnh tích cực này thể hiện rõ ở cái nhìn cùng sự xuất hiện thân thiện mà người Nhật mang lại với nhiều quốc gia thế giới và họ cũng được đón nhận với tình cảm tương ứng. 

Và ít người để ý rằng Nhật viện trợ cho cả Trung Quốc! Theo báo cáo OECD năm 2011 (nguồn số liệu mới nhất), Nhật đã hỗ trợ phát triển cho Trung Quốc gần 800 triệu USD. Năm 2000, theo tờ Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc), viện trợ kinh tế của Nhật cho Trung Quốc thời điểm đó đã lên đến con số kỷ lục 1,98 tỉ USD! (Foreign Policy 12-7-2013)… 

Vài số liệu, một số sự kiện, không muốn so sánh nhưng rồi cuối cùng ý nghĩ so sánh cũng xuất hiện, giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Càng thấy rằng có một độ chênh rất lớn, trước hết về văn hóa ứng xử, giữa hai bên. Một bên đang xây dựng thành công hình ảnh một người biết điều, biết phép tắc ngoại giao, biết cách thức ăn ở; và một bên, đang tự biến mình thành kẻ lố bịch thô lậu, một kẻ hàm hồ lấc cấc và bụng dạ ti tiện nhỏ nhen! Để theo kịp Nhật về mọi phương diện, Trung Quốc còn phải học dài dài. Thử đọc lại xem Khổng Tử đã dạy gì?

……
Đây là bản update từ sự kiện Philippines, rút một phần từ bản đầy đủ hơn đã đăng trên Năng Lượng Mới cuối tháng 9-2013.

Nguồn: FB Mạnh Kim


Xem thêm:
- Cơn bão tâm linh
- Lời lộng ngôn đã được hóa giải
- Chùm ảnh sụt lún bởi thiên tai và thiên tài

No comments:

Post a Comment