Thursday, November 28, 2013

Những đột phá trên smartphone thiết thực nhất năm 2013.

Ba ý tưởng thiết kế smartphone ấn tượng và có ý nghĩa thực tế sâu sắc nhất trong năm 2013 đã được trang web PhoneArena đề cử, 2 trong số đó gọi tên của Apple.
Thời điểm cuối năm đang cận kề, và thường đây là lúc để người ta cùng ngồi lại với nhau, đưa ra những đánh giá, nhìn nhận, thống kê một cách tổng quan về cả chặng đường đã đi qua trong năm.
Thị trường smartphone trong năm 2013 giống như một bãi chiến trường khốc liệt, nơi mà những Apple, Samsung, LG, Sony hay HTC… đang cạnh tranh một cách quyết liệt nhất để giành lấy sự tin tưởng của người tiêu dùng ngày càng khó tính.
Một số cố gắng đạt được mục đích bằng cách thực hiện chiến lược về giá cả, số khác cố gắng đưa vào sản phẩm của mình những phần cứng hàng đầu, những bộ vi xử lý, màn hình hay máy ảnh cao cấp nhất. Có những công ty lại chú trọng tới thiết kế và hình thức của sản phẩm. Những chiến thuật họ lựa chọn ít nhiều mang lại được thành công, nhưng chưa hoàn toàn giành được tình cảm của người hâm mộ.
Đối với người đam mê điện thoại thông minh, đôi khi giá cả, thiết kế và thông số kỹ thuật không đủ để gây ấn tượng thực sự, họ cần những ý tưởng độc đáo mang tính cách mạng, không phải theo một lối mòn xưa cũ. Ba ý tưởng trong danh sách mà PhoneArena đưa ra phần nào đã đạt được tiêu chí như vậy, và để lại dấu ấn lớn trong năm.
Coprocessors – Bộ đồng xử lý .
Mỗi smartphone cao cấp bao giờ cũng đi kèm với một chip hệ thống bên trong, một con chip mà người ta gọi là SoC (System on Chip) – khá phức tạp với bộ xử lý ứng dụng chính kèm theo một bộ xử lý đồ họa, âm thanh, đa phương tiện, và bộ xử lý dữ liệu hình ảnh từ máy ảnh, tất cả trong một.
Điều này được thực hiện nhằm mục đích tiết kiệm không gian, tiết kiệm năng lượng và tăng hiệu suất hoạt động cho máy, cũng chính là lý do mà ta thấy chiếc smartphone của mình nóng ran mỗi khi chạy nhiều chương trình.
Để giảm tải cho CPU chính, Motorola và Apple đã làm điều tưởng như đi ngược lại xu hướng thiết kế hiện nay, nhưng thực tế không phải như vậy. Họ đưa vào những coprocessor dành cho các công việc chuyên biệt mà không tích hợp trong SoC của mình.
Cụ thể, hệ thống xử lý của Motorola X đi kèm với một vài coprocessor, một trong số đó có trách nhiệm xử lý ngôn ngữ, lời nói theo thời gian thực, còn coprocessor M7 bên cạnh chip A7 của iPhone 5s có nhiệm vụ theo dõi dữ liệu từ các cảm biến của điện thoại nhằm giảm tải cho việc xử lý của CPU chính. Kết quả là Moto X cho phép nghelệnh bằng giọng nói liên tục trong khi M7 biến iPhone thành một thiết bị có khả năng theo dõi chính xác hoạt động thể chất của con người, thậm chí có thể biết khi nào người dùng đang lái xe, đi bộ, chạy hoặc ngủ.
Có thể yên tâm rằng các tính năng hoạt động một cách liên tục và không gây ra ảnh hưởng bất lợi nào tới pin hay tuổi thọ của thiết bị. Một số coprocessor tiên tiến trong tương lai hứa hẹnsẽ mang lại nhiều điều thú vị hơn cho chiếc smartphone.
Cảm biến vân tay.
Chúng ta đều biết rằng iPhone 5s không phải là thiết bị đầu tiên áp dụng công nghệ cảm biến vân tay. Tuy nhiên nó là chiếc smartphone đầu tiên tích hợp công nghệ này vào bên trong và theo cách hợp lý nhất, không gây ra phiền toái cho người sử dụng.
Hệ thống máy quét nằm ngay trên nút Home là một điểm cộng lớn cho Apple, rất tiện lợi và hợp lý. Máy quét này cũng hoạt động chính xác ngay cả khi ngón tay người dùng đặt ở một góc.
Bảo mật bằng dấu vân tay cho khả năng đồng bộ cực cao, nếu chức năng mở khóa điện thoại là chưa đủ, cảm biến vân tay trên iPhone 5s còn cho phép mua hàng trên App Store với dấu vân tay thay cho mật khẩu, và thời điểm khai tử cho những dòng mật khẩu phức tạp không còn xa nữa.
“Self – Healing” : Khả năng tự chữa lành.
Nghe giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng, hay phim về dị nhân Wolverine với khả năng tự lành vết thương và không bao giờ chết vậy. Thực tế đây không phải là điều gì quá mới mẻ, ít nhất là trên LG G Flex.
Không ít người vẫn vô tình bỏ quên chiếc điên thoại yêu quý cùng với chùm chìa khóa vào trong túi quần, kết quả của việc này thật là tai hại. Tuy nhiên, chiếc smartphone mới ra mắt gần đây – LG G Flex có thể khắc phục điều này, nắp lưng của nó có khả năng tựphục hồi khi bị xước nhẹ chỉ trong vài phút, giống như một màn ảo thuật. Đây không phải là công nghệ quá mới, nhưng LG chính là công ty đầu tiên tận dụng lợi thế này.
Với sự phát triển nhanh của công nghệ, hy vọng có một ngày những vết lõm lớn trên điện thoại cũng có thể “tự chữa lành” cho mình.
Năm 2013 ghi dấu nhiều bước tiến của các nhà sản xuất điện thoại thông minh, tuy nhiên dấu ấn để lại trong lòng người tiêu dùng không thật sự nhiều. Hy vọng các nhà sản xuất sẽ mang tới nhiều công nghệ và ý tưởng sáng tạo hơn nữa.

No comments:

Post a Comment