Tuesday, November 26, 2013

Khi công lý đến muộn, công lý sẽ bị chối từ

>> Xin đừng để có một “Nguyễn Thanh Chấn” ở Thủ đô
>> Cơ quan Thi hành án đã “lấp liếm” sự thật vụ án 194 phố Huế
>> Vụ án 194 phố Huế: Đang xôn xao những câu hỏi lớn trong dân
>> Trần Đăng Khoa bàn về án oan
>>>>> Nghi án Phan Thị Bích Hằng 'hối lộ' 400 triệu?


Phair Zios

Khi công lý đến muộn, công lý sẽ bị chối từ. Đó là mệnh đề nổi tiếng của mục sư Martin Luther King. Tuy nhiên, nỗi oan khuất 10 năm trời của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) cho thấy công lý không chỉ lỡ chuyến mà còn không có cơ hội để "bị chối từ".

Thay vào đó, công lý chỉ may mắn có cơ hội "trình diễn" khi kẻ thủ ác Lý Quý Chung đầu thú. Và ngay cả khi Lý Quý Chung đầu thú cũng hé lộ những ngắt nghéo của vụ việc. Bởi nhiều người đặt câu hỏi vì sao Lý Quý Chung chỉ chịu ra đầu thú với điều kiện không bị đưa về trại giam của Công an Bắc Giang. Vì vậy, người ta đã thấy Lý Quý Chung ở trong trại giam T171 của Bộ Quốc phòng. Hẳn, Lý Quý Chung hiểu hơn ai hết nỗi oan của ông Chấn và cũng là hiểu hơn ai hết Công an tỉnh Bắc Giang (Tỉnh mà người dân gọi chệch đi là "Bắc lên rồi rang"). Dư luận cho rằng, Chung sợ rằng mình sẽ bị thủ tiêu, bịt đầu mối nếu nằm trong tay của CA Bắc Giang. Suy luận này có logic, bởi nếu Chung chết, ông Chấn không có cơ hội được minh oan và người ta sẽ khép vụ án lại, ông Chấn tiếp tục ngồi tù, và chẳng có ai đòi hỏi làm rõ việc CA Bắc Giang có bức cung, nhục hình hay không?

"Chuốc chi cho lắm oán thù
Rồi dàn, rồi xếp, sao cho vuông tròn"

Trở lại với nỗi oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, bản thân ông Chấn, gia đình và dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng làm rõ có hay không việc nhục hình, bức cung với ông Chấn. Và trả lời trước Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (dân gian thường gọi chệch là Càng Cao Càng Tối) Trương Hòa Bình cho rằng có hay không cũng phải điều tra, tỷ mỉ và cẩn trọng. Trước đó, nhất loạt các điều tra viên vụ án ông Chấn năm xưa đều tường trình mình không bức cung, nhục hình nghi phạm.

Câu hỏi có bức cung, nhục hình hay không thực sự vẫn phải chờ đợi kết quả điều tra của Bộ Công an. Và tất nhiên, dư luận vẫn chỉ là dư luận.

Tuy nhiên có một thực tế xã hội khác đang diễn ra ngày càng gay gắt và khốc liệt. Đó là người dân đã mất đi niềm tin vào cơ quan công quyền, người ta đã mất đi niềm tin vào công lý. Vì vậy, thay vì chờ đợi sự phán xét công bằng của luật pháp, người dân đã tự xử.

Bắt được kẻ trộm chó, người dân giết người, đốt xe, rồi cả làng kéo ra nhận tội. Người nhà tử vong trong bệnh viện, quây bệnh viện, đập phá, truy lùng bác sĩ, bắt xe cảnh sát đưa quan tài đi diễu phố. Nghi rằng người nhà chết oan ức, đưa quan tài diễu phố. Không tin vào công an, bắt trói công an đem về giữ ở nhà văn hóa thôn...

Đỉnh điểm của việc người dân mất niềm tin vào công lý là sự kiện  11/9, ông Đặng Ngọc Viết cho rằng bồi thường thu hồi đất rẻ mạt, sai lệch, mang súng lên Ủy ban Nhân dân TP Thái Bình giết cán bộ của Trung tâm phát triển quỹ đất. Xong việc. Ông Viết về quỳ dưới chân tượng Phật Quan âm bồ tát tự tử. Trước đó, ông Viết đã chuẩn bị sẵn di ảnh cho mình. Sự việc chẳng khác gì trong phim kiếm hiệp, của xã hội mà luật phát được định đoạt lưỡi kiếm, đường gươm, của lấy mạng đền mạng, lấy máu trả bằng máu.

Vụ án giết cán bộ ở Thái Bình khép lại. Nhưng nó cũng là minh chứng rõ ràng cho mệnh đề "Khi công lý đến muộn, công lý sẽ bị chối từ". Và cứ thế, Công Lý tiếp tục làm diễn viên hài.

Tuy nhiên những người gây nên oan sai, oán tội hôm nay hẳn chưa thấm một điều khi oán khí vẫn còn ngất trời thì bất kể ai cũng sẽ gặp cảnh oan trái. Không phải đời này thì sẽ là đời sau. Bởi Oan oan tương báo. Oan đền, oán trả.

Trời xanh nào có thân sơ
Làm lành, thời sẽ thưởng cho an lành

Nguồn: Phair Zios


Xem thêm:
- Cổng chùa thiện ác
- Khôn khéo ngụy biện lấn át thiện tâm
- Sự thịnh vượng hoang đường

No comments:

Post a Comment