Friday, November 1, 2013

Về ẩn dụ “hổ” và tham nhũng

>> Quảng Bình: “Ém” hàng cứu trợ bán lại cho dân 130.000đ/suất
>> Vinashin bị khai tử, chuyển thành SBIC
>> “Không đổi mới thể chế, khó tạo dựng niềm tin”


Nguyễn Khắc Mai

Trên diễn đàn Quốc hội, mấy ngày vừa qua đã vang lên những nghị luận, lên án, tìm nguyên nhân tham nhũng và chống tham nhũng. Đã từng có ý kiến ví tham nhũng như hổ. Ẩn dụ ví tham nhũng như cọp dữ, có gây được ấn tượng, cái to lớn, dữ dằn, làm người ta hình dung tầm vóc quan trọng của tham nhũng và vấn đề chống tham nhũng. Ông nghị ấy nói, lâu nay đánh tham nhũng như đánh ruồi. Một vị khác, trước khi đi họp, gặp mặt cử tri, đã nói tham nhũng như ghẻ ngứa, rất khó chịu.

Nói chung, người ta cố tìm những thao tác ngôn từ để gây ấn tượng. Tầm cỡ lãnh đạo quốc gia, mà chỉ nghĩ được tham nhũng như ghẻ ngứa, ở thập kỷ thứ hai của Thế kỷ 21, thì mô hình tư duy quả nhiên là quá đơn giản, nó nói lên cái tầm cảm giác, tức là bậc thấp nhất của tri thức, chưa đạt tới tầm khái quát, có ý nghĩ về triết lý và tư tưởng. Lãnh đạo quốc gia chỉ mong chờ ở cảm tính may ra chỉ phù hợp với xã hội đơn giản, thủ công nghiệp.!

Nay xin nói về ẩn dụ “hổ”. Nói tham nhũng như hổ có ba điều lạc hậu.

Một là loài hổ hiện nay là loài quý, hiếm, phải chăm lo, bảo vệ. Nó đã trở thành tên tuổi trong sách đỏ  của thế giới.

Hai là trong tâm thức của người Việt  xưa, do sợ hãi, mà coi nó như một lực lượng siêu nhiên phải thờ phụng. Nếu ví tham nhũng như hổ hóa ra chỉ còn cách thờ phụng nó hay sao.

Thứ ba là, người ta đã liên hệ hổ với tham nhũng đã hơn hai ngàn năm nay. Khổng  tử từng kể câu chuyện “Hà chính”, như sau: Một người đàn bà đến dựng nhà ở bìa rừng nhiều hổ báo. Có người hỏi, sao lại đến ở một nơi nguy hiểm như vậy. Bà trả lời“thà ở với hổ báo còn hơn ở với hà chính.” Khổng tử kết luận “hà chính mãnh ư hổ”, nghĩa là hà chính còn bạo ngược hơn cả hổ báo”. (xem thiên Đàn cung sách Lễ ký).

Những ví von, ẩn dụ như vậy, chỉ làm người có chút lương tri, hiểu biết phải nhếch mép, đau lòng. Tham nhũng xưa gắn với chế độ phong kiến. Thường khi những minh quân nỗi dậy, dựa vào dân, nổi can qua trị tham nhũng. Rồi sau một hồi, con, cháu suy đồi, lại tham nhũng, lại phải đứng lên lật đỗ. Ở thời đại mới, trong chủ nghĩa tư bản, người ta tìm ra giải pháp hữu hiệu (nhất hiện nay) trong việc xây dựng một chế độ chính trị dân chủ, tam quyền phân lập, Nhà nước đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của nhân dân, của xã hội. Thế mà tham nhũng vẫn còn xảy ra. Có điều dù Tổng thống, dù Thủ tướng hay bất kỳ ai, trước sau đều bị luật pháp và nhân dân vạch trần và trị tội, báo chí ta vẫn thường đưa những tin như vậy.

Nhà nước ta và đảng cầm quyền hiện nay hãy "đi tới tận cùng ngôn cú" – nghĩa là trong lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đường lối, chính sách, tư duy…hãy đi cho đến tận cùng. Đừng suy nghĩ nửa vời, đừng tư duy hời hợt. Đặc biệt là không đánh tráo khái niệm, để lừa dối ru ngủ mình và đánh lừa người khác.

Chỉ có một con đường cải cách thể chế chính trị, xóa bỏ chuyên quyền, độc đoán, trao quyền thật sự cho Dân, thật lòng tôn trọng Dân quyền… Còn như làm những việc ấy thế nào, ngay lịch sử hiện đại của nước ta cũng từng có kinh nghiệm. Vấn đề là như C.Mác nói, có sám hối thành tâm hay không. Bởi nếu sám hối thành tâm thì có cơ cứu rỗi.

Hãy quyết tâm và quyết chiến để xóa bỏ “hư hỏng cũ kỹ” như CT Hồ Chí Minh từng di chúc, may ra có thể tạo dựng được Đảng cầm quyền và Nhà nước trong sạch, hữu hiệu, thật sự vì Nước, vì Dân./.

(Ông già ở Ô Đồng Lầm)

Nguồn: DĐDSXH


Xem thêm:
- Lão dại cái chỗ mô?
- Ông là quan to, tôi tin ông!
- Phải ghi rõ “kinh tế nhà nước không bao gồm doanh nghiệp nhà nước”

No comments:

Post a Comment