>> Xử phạt 7 công an điều tra trong vụ án oan 10 năm
>> Mỹ Yên: Tiếng lòng giữa hai bờ đối nghịch
>>>>>> Hành trình phá án (Sai lầm khủng khiếp nằm ở đoạn này "Nhưng lúc này, Cục Điều tra lại không hề biết có một thông tin rất quan trọng là từ tháng 6, gia đình cũng đã gửi một lá đơn tương tự lên Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đã gửi về Công an Bắc Giang yêu cầu xác minh lại, làm rõ và báo cáo Thủ tướng. Công an Bắc Giang cũng đã cử một tổ điều tra đi xác minh vụ án này.")
(NLĐO) - Tôi nghĩ không có gì quá đáng nếu dành tội danh “giết người” cho những kẻ đã đẩy ông Nguyễn Thanh Chấn vào tù suốt 10 năm ròng rã. Ông không chết về thể chất là một may mắn nhưng chắc chắn đã chết lần chết mòn niềm tin vì những oan khuất mình phải gánh.
Mấy ngày nay, trên báo chí tràn ngập hình ảnh ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, ngụ Bắc Giang) được tha về sau 10 năm đi tù. Được giải nỗi oan, được tự do nhưng trên khuôn mặt người đàn ông ngũ tuần chỉ là những nét khắc khổ, đau đớn. Chưa có tấm hình nào tôi thấy ông cười, ông chỉ khóc và gia đình ông cũng khóc.
Tôi tin chắc rằng trong những giọt nước mắt đó, nỗi vui thì ít mà nỗi tủi thân, uất nghẹn thì nhiều. Làm sao có thể vui mừng phấn khởi được khi để có được tự do này, ông và gia đình phải trả giá bằng thời gian, công sức, nước mắt và cả máu. Làm sao vui được khi ngày trở về, vợ ông thì đau yếu, con cái thất học, gia cảnh tiêu điều.
Rồi đây, Nhà nước sẽ có bồi thường bằng tiền cho gia đình ông để bù lại những mất mát. Nhưng số tiền đó có lấy lại được tuổi trẻ, sức khỏe và quan trọng nhất là niềm tin của ông Chấn và gia đình vào cơ quan công quyền, nơi có những người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ông vào tù?
Ông cũng không quên được cảm giác hụt hẫng, tuyệt vọng khi ở cả hai phiên tòa, lời kêu oan, tố cáo bị bức cung của mình bị những người cần cân nảy mực phớt lờ.
Ức chế, tuyệt vọng, ông từng có 2 lần tự tử trong tù. Những ngày tăm tối đó, chắc ông khó mà quên…
Dù vậy, dư luận vẫn cho rằng ông Chấn thế là còn may. May vì trong những ngày lấy cung, sức chịu đựng của ông có hạn nên đành nhận bừa tội giết người; may là ông có người cha liệt sĩ nên không bị tuyên án tử hình; may là 2 lần tự tử đều không thành…
Nhưng đời người có bao nhiêu đâu mà có đến 10 năm ở tù. Bước ngoặc khủng khiếp đó khác nào đẩy người ta vào con đường chết. Vì vậy, theo tôi, không có gì quá đáng khi nói rằng những cán bộ công an, VKSND, tòa án thụ lý vụ ông Chấn đã trực tiếp hoặc gián tiếp mang tội “giết người”. Nạn nhân của các cán bộ đó không chỉ có ông Chấn mà cả gia đình ông.
Điều đáng nói, ông Chấn không chỉ là nạn nhân duy nhất. Trên báo chí thỉnh thoảng lại đưa tin 1 người dân chết trong trại tạm giam. Công an thì đưa ra lý do là họ bệnh hoặc tự tử nhưng gia đình thì khẳng định người thân đã bị công an đánh đập dẫn đến tử vong vì những vết thương còn lưu lại trên cơ thể là bằng chứng. Điển hình là trường hợp anh Nguyễn Công Nhựt ở Bình Dương, chị Trần Thị Hải Yến ở Phú Yên.
Có không ít những vụ dùng nhục hình bị phơi bày ra ánh sáng, cán bộ công an phải ra tòa lãnh án nhưng rất nhẹ. Như trường hợp Lang Thành Dũng, nguyên cán bộ cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) lấy lời khai bằng cách đánh người dân bầm dập đến nhập viện nhưng chỉ lãnh 9 tháng tù treo. Thậm chí, bức cung đến chết người nhưng Lê Khắc Sáu, nguyên cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP. Phan Rang -Tháp Chàm (Ninh Thuận) chỉ bị 5 năm tù giam.
Tôi nghiên cứu được biết tội Dùng nhục hình, theo quy định của Luật Hình sự, chỉ bị phạt tù cao nhất là 12 năm. Còn đối với những tội danh như Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, Tội ra bản án trái pháp luật thì mức phạt tù cao nhất là 15 năm.
Tại sao người dân khi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì bị phạt tù nặng, thậm chí tử hình còn mức án dành cho hành vi này của cán bộ lại nhẹ hơn?
Với trường hợp của ông Chấn, nếu Nhà nước làm tới nơi tới chốn, tìm đúng người, đúng tội đã gây ra thảm cảnh cho gia đình ông thì mức án mà họ nhận lãnh chắc chắn không thể bằng những gì mà họ đã gây ra.
Đó là chưa kể, nếu so sánh về hậu quả hành vi thì chắc chắn những sai sót của các cán bộ không chỉ gây hậu quả xấu cho cá nhân ông Chấn mà còn làm xói mòn niềm tin của dân vào các cơ quan công quyền.
Trả lời phỏng vấn trên Báo Người Lao Động ngày 6-11, TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, khẳng định điểm chung các vụ án oan sai là do bức cung, mớm cung. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Biểu, pháp luật hình sự phải có sửa đổi theo hướng bản cung chỉ được coi là hợp pháp khi có luật sư tham gia và có băng ghi âm buổi hỏi cung.
Tuy nhiên, theo tôi như thế vẫn chưa đủ, với tình trạng án oan, người dân bị dùng nhục hình xảy ra nhan nhản như hiện nay thì phải tăng nặng hình phạt, xem tội Bức cung, Dùng nhục hình ngang hoặc nặng hơn tội Cố ý gây thương tích, Giết người.
Bởi lẽ, chúng tôi, những người dân đang ngày ngày làm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước để trả lương cho công an, kiểm sát viên, thẩm phán làm nhiệm vụ giữ trật tự an toàn xã hội, mà lại dùng quyền lực của dân giao để đánh dân, đẩy dân vào tù oan, thậm chí tước đoạt cả mạng sống của dân là điều không thể chấp nhận được.
Xem thêm:
- Những bậc thầy về ngôn ngữ
- Vụ án Nguyễn Thanh Chấn – Hai việc cần làm ngay bây giờ!
- Với cách "làm án" kiểu này, ai cũng có thể là "ông Chấn dự bị"
No comments:
Post a Comment