>> Căng thẳng vùng phòng không Trung Quốc: Phó tổng thống Mỹ đến châu Á
>> 'Chiêu trò' mới của Trung Quốc tại biển Đông: Đòi sở hữu xác tàu đắm
>> Học sinh Việt Nam xếp hạng cao hơn Anh, Mỹ (nhân tiện mời bà con xem lại bài >>> này!)
(Lật lại hồ sơ)
Thời Chiến tranh lạnh, Mỹ-Trung xem nhau như mặt trăng với mặt trời. Năm 1954, tại Hội nghị hòa đàm Geneva, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles đã thẳng thừng từ chối bắt tay người đồng cấp Chu Ân Lai và thậm chí ra lệnh tất cả thành viên Mỹ phó hội Geneva phải “phớt lờ mọi lúc về sự có mặt và tồn tại của phái đoàn Trung Quốc”. Cùng với chính sách cô lập Trung Quốc về mặt ngoại giao, Mỹ cũng thiết lập một mạng lưới đồng minh và căn cứ quân sự ở Đông Nam Á. Từ năm 1950, Washington cũng áp đặt lệnh cấm vận toàn diện đối với Trung Quốc…
Có lẽ Trung Quốc chẳng bao giờ có cơ hội “ngóc đầu” được nếu không xảy ra hai yếu tố thời cuộc, khiến chính sách Washington đối với Bắc Kinh thay đổi 180o. Thứ nhất, đó là sự đe dọa của Liên Xô, và thứ hai là cuộc chiến Việt Nam. Trong bối cảnh bế tắc của cuộc chiến Việt Nam và đồng thời cần một đối trọng để cân bằng quyền lực với Liên Xô, Mỹ bắt đầu móc nối Trung Quốc. Đến đầu thập niên 1970, Kissinger đã áp dụng một chính sách tiếp cận Trung Quốc hoàn toàn khác. Mục tiêu của Mỹ không còn làm suy yếu mà ngược lại phải làm cho Trung Quốc mạnh! Cụ thể là việc hỗ trợ cho lực lượng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) bằng nhiều loại vũ khí hiện đại, đủ sức để Trung Quốc đương đầu nếu nước này xảy ra chiến tranh với Liên Xô, dù Quốc hội Mỹ tỏ ý lo ngại. Trong số thiết bị-phương tiện viện trợ cho Trung Quốc lúc đó, có hệ thống bắt tín hiệu truyền hình vệ tinh, 10 chiếc Boeing 707 và hai máy tính tốc độ cao. Đến năm 1975, Kissinger (lúc này là ngoại trưởng) còn kêu gọi xóa một số hạn chế xuất khẩu được áp dụng thời Chiến tranh lạnh, trong đó có việc bán động cơ phản lực Rolls-Royce (Anh sản xuất) cho Trung Quốc. Song song, Mỹ và Trung Quốc cũng thiết lập các chương trình tập trận, huấn luyện quân sự và thậm chí soạn thảo kịch bản tác chiến (đánh Liên Xô)…
Trong thực tế, đã có vài tín hiệu cho thấy Liên Xô sẵn sàng dập Trung Quốc, không phải đánh bằng một chiến dịch quân sự thông thường mà là đập cho nát ngướu! Hè 1969, khi xung đột biên giới Trung Quốc và Liên Xô căng thẳng, tại một bữa ăn trưa ở nhà hàng “Beef and Bird” ở trung tâm Washington, một viên chức ngoại giao cấp trung Liên Xô đã nói với người đồng cấp Mỹ rằng Moscow đã lên kế hoạch “cực kỳ nghiêm túc” việc tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân Trung Quốc.
Vài tuần sau tại Teheran, một tùy viên không quân Liên Xô cũng nói với một sĩ quan Mỹ rằng Liên Xô “sẽ không ngần ngại dùng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt Trung Quốc” nếu Trung Quốc tiếp tục quấy rối biên giới Liên Xô. Năm 1973, một lần nữa, Liên Xô lại đề cập khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân Trung Quốc. Phản ứng, Kissinger – trong chuyến kinh lý Bắc Kinh cuối năm 1973 – nói với Chu Ân Lai rằng trong trường hợp Moscow tuyên chiến với Trung Quốc, Mỹ “có thể giúp đỡ bằng cách hỗ trợ thiết bị và các dịch vụ khác” (nhưng không nêu cụ thể là những gì), đồng thời giúp Trung Quốc giảm thiểu khả năng thiệt hại bằng cách cung cấp thông tin tình báo cảnh báo sớm. Điều này chỉ có thể thực hiện một khi thiết lập đường dây nóng “giữa các vệ tinh của chúng ta để chúng tôi có thể thông báo cho các bạn chỉ trong vài phút”…
Trong chuyến công du Bắc Kinh tháng 1-1980, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Harold Brown đề xuất loạt trao đổi giữa các viên chức quốc phòng cấp cao hai nước, ở một mức độ “chưa từng có trước nay”. Tổng thống Jimmy Carter tuyên bố ông sẽ chuẩn y các giấy phép xuất khẩu cho những mặt hàng liên quan kỹ thuật kép (dùng cho dân sự lẫn quân sự), và lần đầu tiên cũng chuẩn y phi vụ bán các hệ thống quân sự không giết người, như radar, vận tải cơ, trực thăng và phần cứng viễn thông. Tuy nhiên, Carter vẫn còn đủ tỉnh táo và thận trọng không đồng ý bán vũ khí tấn công, bất chấp sự bày tỏ quan tâm từ Bắc Kinh...
Năm 1983, Bộ trưởng quốc phòng Caspar Weinberger tuyên bố, trong số những bước đi mới được thiết kế nhằm tăng cường quan hệ quân sự song phương Mỹ-Trung, Washington sẵn sàng bán những hệ thống “vũ khí phòng ngự” cho Bắc Kinh. Và trong nửa sau thập niên 1980, Washington cũng đồng ý bán cho Trung Quốc ngư lôi, radar chiến thuật, thiết bị máy móc để sản xuất vỏ đại bác và hệ thống điện tử cho thiết bị đánh chặn của chiến đấu cơ. Giới chức Mỹ thậm chí còn bày tỏ việc sẵn lòng thảo luận việc bán hệ thống tên lửa chống tăng, hệ thống dò âm chống tàu ngầm, động cơ turbine khí cho tàu chiến và hệ thống tên lửa không đối không.
Sau chuyến công du Trung Quốc của Weinberger năm 1983, loạt trao đổi qua lại giữa giới chức dân sự lẫn quân sự ở mọi cấp bậc của hai nước liên tục diễn ra. Không chỉ dự tính tổ chức các cuộc phối hợp tập trận hải quân giữa hai quân đội, Mỹ còn đề xuất ý kiến triển khai máy bay chiến thuật đến những căn cứ gần Vladovostok; phát triển “những hệ thống phòng không và cảnh báo sớm”, xin được phép tiếp liệu cho vận tải cơ Mỹ mang hàng hóa cung cấp cho lực lượng “kháng chiến quân” Afghanistan trong cuộc chiến chống Liên Xô…
Giữa thập niên 1980, Liên Xô hỗn loạn nội bộ. Nhận định rằng Moscow không còn là kẻ thù và là mối đe dọa an ninh lớn đối với mình, Bắc Kinh bắt đầu muốn cải thiện quan hệ với Moscow để tận dụng quan hệ quân sự lẫn kinh tế. Việc tái nhận thức trong chiến lược quan hệ với Liên Xô khiến Bắc Kinh “tế nhị” đẩy quan hệ với Mỹ xuống tầm… thấp hơn. Thế là thay vì hăm hở sắm vũ khí Mỹ, Trung Quốc đã bỏ qua (cơ hội ngàn vàng này) và chỉ mua vài thứ tượng trưng. Những kế hoạch hợp tác quân sự song phương cũng bị bỏ xó…
Năm 1989 đã xảy ra hai sự kiện kinh thiên động địa khiến Mỹ bắt đầu giảm dần, dù rất chậm, mối quan hệ với Trung Quốc. Thứ nhất đó là sự kiện Thiên An Môn vào tháng 6 và tiếp đó là sự kiện bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11. Cả hai sự kiện đều mang lại những ảnh hưởng sâu sắc đối với chính sách đối ngoại của Mỹ lẫn Trung Quốc. Vài tháng sau vụ Thiên An Môn, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Lawrence Eagleburger đệ trình Quốc hội một danh sách những phạm vi “sống còn” mà Mỹ cần tiếp tục thực hiện trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Eagleburger giải trình rằng, dù Liên Xô sụp đổ, nhưng những “giá trị chiến lược” với Bắc Kinh vẫn không thể vì thế mà từ bỏ.
Chính sách này xuất hiện ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ Bill Clinton. Năm 1994, Chính phủ Mỹ tuyên bố Washington sẽ theo đuổi chính sách “hợp tác toàn diện” với Trung Quốc – như Tổng thống Bill Clinton trình bày: “Chúng tôi sẽ có nhiều mối liên hệ hơn. Chúng tôi sẽ giao thương nhiều hơn. Chúng tôi sẽ hợp tác quốc tế nhiều hơn”.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000, George W. Bush chỉ trích nội các tiền nhiệm đã “dung túng” và “nuông chiều” Trung Quốc thái quá. Với Bush, Trung Quốc không thể là “đối tác chiến lược” mà phải là “đối thủ chiến lược”. Cuối cùng, dưới áp lực của giới doanh nghiệp và tài phiệt Mỹ, Bush cũng buộc phải áp dụng chính sách đối với Trung Quốc chẳng khác thời Bill Clinton bao nhiêu…Tuy nhiên, trong lĩnh vực quân sự, những gì được thiết lập trước năm 1989 đã không bao giờ được tái lập. Mỹ bắt đầu nhận ra rằng, Trung Quốc đang từng bước trở thành một mối họa đối với an ninh và quyền lợi Mỹ. Sự nhận thức này diễn ra rất chậm. Trước năm 1996, giới chức quân sự Mỹ vẫn còn chưa quan tâm sự phát triển quân sự Trung Quốc. Họ chỉ nghĩ Trung Quốc đang mải mê lo làm giàu, thế thôi.
Tất cả chỉ thay đổi vào năm 1996, khi Đài Loan tổ chức cuộc bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên. Trung Quốc đã gây sức ép Đài Bắc bằng cách triển khai dàn tên lửa chĩa thẳng về Đài Loan. Lần đầu tiên trong hơn 30 năm, Mỹ mới nhận ra một hiểm họa chiến tranh thật sự tại châu Á. Lập tức sau đó, tình báo Mỹ bắt đầu theo dõi hoạt động quân sự Trung Quốc. Trước sự kiện 1996, CIA gần như chẳng đếm xỉa đến Trung Quốc. Trong báo cáo các mối đe dọa toàn cầu vào tháng 2-1996, giám đốc CIA John Deutch trình bày ngắn gọn: “Chúng ta vẫn biết rất ít về giới lãnh đạo tương lai Trung Quốc cũng như kế hoạch của họ”. Một năm sau, sau vụ khủng hoảng Đài Loan, người kế nhiệm Deutch, George Tenet, bắt đầu la làng: “Những hành động và tuyên bố của Trung Quốc cho thấy họ quyết tâm thể hiện mình như một sức mạnh đỉnh cao ở Đông Á”. Đến năm 1998, Tenet tin chắc rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc “có một mục tiêu rõ ràng: biến nước họ thành một sức mạnh chủ yếu ở Đông Á cũng như là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới ngang hàng Mỹ vào giữa thế kỷ 21”.
……..
(Trích dịch từ: “A Contest for Supremacy: China, America, and the Struggle for Mastery in Asia”; Aaron L. Friedberg; NXB W. W. Nortin & Company; 2012)
P/s: Đây là phần rút gọn của một hồ sơ nhiều kỳ đăng cách đây một năm với bút danh Ngọc Trí.
Nguồn: FB Manh Kim
Xem thêm:
- Đường dây nóng
- Putin, hãy đúng giờ vào lần sau!
- Sao lại có chuyện tính toán thiệt hơn khi giúp đỡ kẻ hoạn nạn?!
No comments:
Post a Comment