Sunday, December 29, 2013

Để minh oan cho con

>> Hạnh phúc và thu nhập
>> Sẽ đến lúc đón Tết cổ truyền theo dương lịch
>> 400 khách xếp hàng chờ mua 'suất ăn Tập Cận Bình'
>> Không ít quan chức dùng cách xấu nhất để bưng bít thông tin
>> Đại án Dương Chí Dũng: Đâu là "gót chân Asin" trong công tác cán bộ?


(Cuối năm 2013,
 đăng lại câu chuyện án oan cảm động này!
)

Người mẹ ấy đã:
- Làm việc 15 giờ mỗi ngày, suốt trong 12 năm liền không nghĩ ngày nào.
- Ngủ không quá 3 giờ, không được ăn 2 bữa mỗi ngày.
- Cuối cùng, để có 5.000 đôla treo giải thưởng cho bất cứ ai minh oan nổi cho con bà.

Người mẹ ấy là bà Minnie Rolls, trú ở Brooklyn, Mỹ. Bà vốn là người gốc Áo di cư. Năm 18 tuổi, bà có một mối tình. Không ngờ người tình của bà là một tên lừa lọc. Mối tình bất hạnh đó đã để lại cho bà một đứa con trai. Bà đặt tên nó là Till - tên của ông nội bà. Phải nuôi con một mình, để đủ sống và chăm sóc, bà phải làm nghề lau chùi, cọ rửa thuê, phải quỳ lạy nhiều nên móng tay bị mòn vẹt, còn đầu gối đã thành chai.

Nhưng để nuôi dạy con nên người, bà đã không tiếc gì hết. Bà tưởng con bà đã tránh được những va vấp oan nghiệt, không như bà. Không ngờ oan trái con bà phải chịu lại đau gấp vạn lần hơn.

Một viên cảnh sát bị giết và con bà bị kết án tù chung thân vì tội giết người!

Bà không tin con bà phạm tội. Lương tâm người mẹ mách bảo bà như vậy.

Hôm ấy là ngày một tháng chạp năm 1932. Chính Till đã bảo bà:
- Con đang xúc than chuyển vào nhà. Cả ngày con không đi đâu hết. Ngay cả cửa hàng, nơi xảy ra án mạng cũng như người bị giết là ai, con cũng đều không biết.

Minnie tin con mình nói thật. Nhưng biết làm sao bây giờ? Không có bằng chứng ngoại phạm để bảo vệ cho Till. Không ai dám lên tiếng.

Và người mẹ rất yêu và tin con mình ấy chỉ còn một cách duy nhất là lao vào công việc làm thuê, cóp nhặt dành dụm từng đồng để có thể minh oan cho con. Đã thế, vào tù, con trai bà còn để lại cho bà một người vợ trẻ và một đứa con thơ bà phải chăm sóc.

Minnie đã làm việc gấp, gấp ba lần so với trước. Mỗi đêm bà không được ngủ quá 3 giờ. Mỗi ngày không được ăn 2 bữa. Từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng, bà quét dọn, rửa, kỳ cọ toàn bộ các phòng, hành lang ở tầng 40 của cao ốc phố 56 Nữu Ước (phía đông). Còn từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, thì quét dọn, lau chùi, cọ rửa các hộp đêm ở Đại lộ 42. Hàng tuần, Minnie đến ngân hàng gửi tiết kiệm 9/10 số tiền kiếm được trong tuần.

Mười hai năm đã trôi qua như vậy. Và bà đã dành ra được 5.000 đôla.

Ngày 20 tháng 10, trong mục rao vặt của tờ Thời báo Chicago có đăng mấy dòng như sau:

"Xin thưởng 5.000 đôla cho ai giúp phát hiện kẻ đã giết người cảnh sát hôm 6 tháng 12 năm 1932. Xin báo về số điện thoại 522-44-16"

Cũng từ ngày đó, Minnie xin nghĩ việc ở nhà trực điện thoại để chờ một sự hồi âm may mắn.

Cũng ngày đó, nữ ký giả trẻ Elisabeth Falsh đọc những dòng chữ nói trên tờ Thời báo Chicago. Cô nhắc máy gọi theo số điện thoại được chỉ dẫn. Một giọng phụ nữ có tuổi, run run trả lời:

- Tôi là Minnie Rolls đây...

Khổ cho bà, từ hôm đăng báo, bà đã nhận được bao nhiêu cú điện thoại không kể ngày đêm của đủ loại người: kẻ lừa đảo, kẻ săn tin, cả thám tử tư và kẻ làm nhân chúng giả. Bây giờ bà chỉ còn có một mình. Con dâu bà đã bỏ bà đi bước nữa. Kể ra cũng không nên trách cô ấy. Đẹp và còn trẻ. Cô ấy chịu sao nổi cái án tù chung thân của chồng. Chịu sao nổi cái cảnh thỉnh thoảng đến thăm chồng, nhìn chồng và nói chuyện với chồng vài phút trong tù.

Chỉ một mình, để tránh không rơi vào bẫy, bà chỉ còn một cách là không cho ai biết địa chỉ của mình, không trực tiếp gặp ai và cũng không cho ai gặp mình. Còn món tiền lớn? Bà gửi ngân hàng.

Vì vậy, ai gọi điện thoại đòi gặp bà cũng chỉ trả lời:

- Xin lỗi, tôi không muốn mất thì giờ của tôi. Nếu ông (bà) có bằng chứng chính xác, cứ viết và gửi thẳng cho ông chưởng lý. Ai đúng sẽ nhận được phần thưởng.

Elisabeth Falsh cũng được bà trả lời như vậy. Cô hơi bực mình:

- Làm như bà thì làm sao hy vọng thành công? Làm sao tìm ra tên thủ phạm giết người bằng mục rao vặt thường chỉ dành cho việc tuyển người làm?

Minnie đã trả lời Elisabeth là bà làm như thế là dựa trên tâm lý thích được tiền của người làm chứng đã đích thực chứng kiến, chứ hoàn toàn không dựa vào sự hối hận của kẻ sát nhân để lôi sự thật ra ánh sáng.

Mặc cho Elisabeth nài nỉ, bà vẫn kiên quyết từ chối. Bà nói:

- Khi người ta kết án con tôi, mặc dù con tôi vô tội, báo chí chẳng nói gì. Mọi người đều im hơi lặng tiếng. Một cảnh sát bị giết và một người vô tội vào tù. Tôi cũng không biết gì hơn. Nếu muốn biết rõ, mời cô đến gặp cảnh sát, họ sẽ kể lại cho cô nghe. Còn tôi? Tôi phải trực điện thoại. Và còn phải đi làm. Một giờ không lao động, tôi mất 1/2 đôla. Tôi đã phải làm kiệt sức 12 năm để có 5.000 đôla để minh oan cho con tôi. Cô hãy tính xem, thì sẽ rõ.

Hồ sơ lưu  trữ về vụ Till Rolls kể lại như sau:

Ngày 6-12-1932: một nhân viên cảnh sát vào quán giải khát để uống bia giữa lúc có hai tên đàn ông lạ mặt đang tấn công cửa hàng để cướp két bạc. Người cảnh sát đã can thiệp. Hai tên này đã bắn chết anh ta rồi trốn mất. Bà chủ quán khai đã nhận ra một trong hai người là Till. Bà là người duy nhất đã nhận ra Till. Còn Till thì một mực khai rằng, hôm đó vào lúc xảy ra vụ án, anh đang chuyển than vào nhà vì vợ anh sắp sửa đến nhà hộ sinh để đẻ. Con anh cần được sưởi ấm trong mùa rét này.

Buổi tối, có một người đàn ông đến gõ cửa nhà anh, nhưng anh nhìn không thật rõ mặt. Người này nói với anh:

- Họ đang lùng bắt tôi. Tôi van ông hãy cho tôi trốn tạm.

Till đã kể lại sự việc đó cho hàng xóm và sau đó, cho mẹ anh và vợ anh.

Nhưng cảnh sát thì nói: "Đó là tên tòng phạm của anh". Còn bà chủ quán thì nói: "Chính Till là thủ phạm".

Tất cả những điều thu lượm được chỉ có thế và không có việc gì khác được tiến hành để làm rõ thêm vụ việc.

Vị thẩm phán thụ lý vụ việc này là người duy nhất tin rằng việc xét xử của tòa án là sai lầm, nhưng chẳng may ông đã qua đời trước khi đưa vụ này ra xem xét để xử lại. Tiền thuê luật sư bào chữa rất tốn kém. Till thoát được án tử hình, chỉ vì không đủ chứng cứ buôc tội anh: ngay bà chủ quán cũng không thể khẳng định là Till đã bắn.

Nhiều tháng trời ròng rã, Elisabeth và tờ báo của cô đã bỏ ra nhiều công sức để tìm thêm chứng cớ mới, gặp lại các thành viên của hội đồng xét xử vụ này.

Minnie vẫn tiếp tục vác chổi và dẻ lau đi làm đều đều, vì bà không muốn và không thể tiêu lạm vào số tiền 5.000 đôla để dành làm giải thưởng. Rồi bà lại đăng lại lần thứ hai trong mục rao vặt của báo chí phần thưởng dành cho ai minh oan nổi cho con trai bà.

Elisabeth vẫn kiên trì tìm kiếm. Cô đã gặp lại những người hàng xóm. Tất cả đều xác nhận: Till đã chuyển than suốt cả buổi chiều.

Elisabeth cũng gặp lại mụ chủ quán giải khát. Cuối cùng mụ này đành thú nhận với Elisabeth:

- Cảnh sát đã khuyên tôi cứ khai bừa là đã nhận ra Till. Till hao hao giống tên sát nhân, tuy tầm vóc hơi bé hơn... và lại khi đó, tôi cũng không rõ lắm.

Và ngày 16 tháng 9 năm 1945, Ủy ban ân xá đã trả lại tự do cho Till.

Khi bước ra khỏi tòa án, sau khi được tha bổng, Till nhìn thấy mẹ gày guộc, nước mắt đầm đìa, cầm một bọc trong tay. Minnie đến gặp Elisabeth trao cho cô bọc đó và nói:

- Đây là 5.000 đôla phần thưởng dành cho cô.

Elisabeth phải thuyết phục mãi mới từ chối được món tiền 5.000 đôla tiền thưởng, công lao động của người mẹ ròng rã 12 năm liền mỗi ngày 15 giờ để có thể minh oan cho con mình.

Hôm sau, một tờ báo đăng trên những hàng chữ đậm:

Sáu lăm ngàn sáu trăm giờ kỳ cọ để "rửa sạch" cho con mình khỏi nổi oan sau 12 năm trời tù tội.

HẢI ĐĂNG
(Theo Les Aventares của Pierre Bellemare và Jacques Antoine
- Nhà xuất bản J'ailu-Paris 1990
)


Xem thêm:
- Một ngày cứ thế trôi
- Đồng đôla bất hạnh
- Không nhận thêm một đôla nào...

No comments:

Post a Comment