Wednesday, February 5, 2014

Bạn tâm đắc với phiên bản Android nào nhất?

Hiện phiên bản Android Jelly Bean đang thống lĩnh thị trường di động toàn cầu với thị phần hơn 60%. Vậy hiện tại, bạn đang trải nghiệm nền tảng Android nào?

Nguồn gốc của Android
Android là một hệ điều hành dựa trên nền tảng Linux được thiết kế dành cho các thiết bị di động có màn hình cảm ứng như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ban đầu, Android được phát triển bởi Tổng công ty Android, với sự hỗ trợ tài chính từ Google và sau này được chính Google mua lại vào năm 2005.
Thị phần Android ngày càng lớn mạnh
Thị phần Android ngày càng lớn mạnh
Android ra mắt vào năm 2007 cùng với tuyên bố thành lập Liên minh thiết bị cầm tay mở: một hiệp hội gồm các công ty phần cứng, phần mềm, và viễn thông với mục tiêu đẩy mạnh các tiêu chuẩn mở cho các thiết bị di động. Chiếc điện thoại đầu tiên chạy Android được bán vào tháng 10 năm 2008.
Android có mã nguồn mở và Google phát hành mã nguồn theo Giấy phép Apache. Chính mã nguồn mở cùng với một giấy phép không có nhiều ràng buộc đã cho phép các nhà phát triển thiết bị, mạng di động và các lập trình viên nhiệt huyết được điều chỉnh và phân phối Android một cách tự do.
Ngoài ra, Android còn có một cộng đồng lập trình viên đông đảo chuyên viết các ứng dụng để mở rộng chức năng của thiết bị, bằng một loại ngôn ngữ lập trình Java có sửa đổi. Vào tháng 10 năm 2012, có khoảng 700.000 ứng dụng trên Android, và số lượt tải ứng dụng từ Google Play, cửa hàng ứng dụng chính của Android, ước tính khoảng 25 tỷ lượt.
Những yếu tố này đã giúp Android trở thành nền tảng điện thoại thông minh phổ biến nhất thế giới, vượt qua Symbian vào quý 4 năm 2010, và được các công ty công nghệ lựa chọn khi họ cần một hệ điều hành không nặng nề, có khả năng tinh chỉnh, và giá rẻ chạy trên các thiết bị công nghệ cao thay vì tạo dựng từ đầu.
Kết quả, mặc dù được thiết kế để chạy trên điện thoại và máy tính bảng, Android đã xuất hiện trên TV, máy chơi game và các thiết bị điện tử khác. Bản chất mở của Android cũng khích lệ một đội ngũ đông đảo lập trình viên và những người đam mê sử dụng mã nguồn mở để tạo ra những dự án do cộng đồng quản lý. Những dự án này bổ sung các tính năng cao cấp cho những người dùng thích tìm tòi hoặc đưa Android vào các thiết bị ban đầu chạy hệ điều hành khác.
Nền tảng Android lấn sân sang các thiết bị ngoại vi khác
Tham vọng của Android không chỉ dừng lại ở smartphone và tablet
Tham vọng của Android không chỉ dừng lại ở smartphone và tablet
Bản chất mở và cho phép thay đổi của Android giúp nó xuất hiện trên các thiết bị điện tử khác, như: laptop, netbook, smartbook, TV thông minh (Google TV), máy ảnh (Nikon Coolpix S800c và Galaxy Camera). Hơn thế nữa, hệ điều hành Android còn được ứng dụng trong kính mắt thông minh (Project Glass), đồng hồ đeo tay, tai nghe, đầu CD và DVD cho xe hơi, gương soi, máy nghe nhạc bỏ túi, điện thoại để bàn và VoIP.
Ouya, một máy trò chơi điện tử chạy Android, đã trở thành một trong những chiến dịch khởi động thành công nhất, gây quỹ được 8,5 triệu đô la Mỹ để phát triển, tiếp sau đó là các máy trò chơi điện tử dựa trên Android như Project Shield của NVIDIA.
Vào năm 2011, Google đã trình diễn "Android@Home", một công nghệ tự động hóa gia đình, sử dụng Android để điều khiển nhiều thiết bị gia dụng như công tắc điện, ổ cắm và thiết bị điều khiển nhiệt độ trong nhà. Chiếc đèn mẫu được quảng cáo là có thể được điều khiển từ điện thoại hoặc máy tính bảng Android, nhưng trưởng nhóm Android Andy Rubin vẫn cẩn trọng cho rằng "tắt mở bóng đèn không phải là việc gì mới," ám chỉ nhiều dịch vụ tự động hóa gia đình đã gặp thất bại trước đây.
Ông nói rằng Google có suy nghĩ tham vọng hơn và dự định của công ty là sử dụng vị trí của mình như một nhà cung cấp dịch vụ đám mây để mang sản phẩm Google đến gia đình của khách hàng.
Danh sách các nền tảng Android tính đến thời điểm hiện tại:
Phiên bản AndroidTên mãNgày trình làng
1.5Cupcake30/04/2009
1.6Donut15/9/2009
2.0 – 2.1Eclair26/10/2009
2.2Froyo20/5/2010
2.3 – 2.3.2Gingerbread6/12/2010
2.3.3 – 2.3.7Gingerbread9/2/2011
3.1Honeycomb10/5/2011
3.2Honeycomb15/7/2011
4.0.xIce Cream Sandwich16/12/2011
4.1.xJelly Bean9/7/2012
4.2.xJelly Bean13/11/2012
4.3Jelly Bean25/7/2013
4.4KitKat10/2013
Độ bá đạo của Android hiện nay, cũng như bạn từng mong ngóng bản cập nhật trong bao lâu?
Không còn gì gọi là bí mật nữa, đối với nền tảng Android KitKat mới nhất của Google. Mặc dù, các bản ROM Stock v4.4.x đã và đang gửi gắm đến tay người dùng. Nhưng dường như, thị phần của kẻ mới nổi này cho đến thời điểm hiện tai, không mấy ấn tượng cho lắm, kể từ khi được trình làng vào tháng 10 năm ngoái.
Bạn tâm đắc nhất phiên bản Android nào?
Bạn tâm đắc nhất phiên bản Android nào?
Mới đây, Google đã cập nhật bảng thống kê Developers Dashboard vào hôm thứ Ba vừa qua, trong đó cung cấp dữ liệu về số lượng tương đối của các thiết bị chạy một phiên bản Android nhất định. Những số liệu mới nhất cho thấy Android 4.4 KitKatchỉ chiếm thị phần 1,8%, sau khi các thiết bị chạy nền tảng này được phát hành vào tháng 10/2013.
Sau khi công bố nền tảng Android mới nói chung và Android KitKat nói riêng, thì chỉ ít lâu sau Google sẽ gửi mã nguồn đến các OEMs để các nhà sản xuất thiết bị nhanh chóng tinh chỉnh và phối hợp hoàn hảo với giao diện riêng của mỗi hãng.
Nhưng lúc nào, người dùng cũng phải chờ đợi nhiều tháng liền mới có thể trải nghiệm được nền tảng mới, ít nhất là từ năm 2013 đến nay. HTC luôn hăng hái ở khoảng nâng cấp này, họ luôn vạch sẵn kế hoạch chi tiết từng bước một cho việc phát hành các gói cập nhật phần mềm Android: đánh giá (evaluation), phát triển (development), hội nhập (integration), chứng nhận (certification) và cuối cùng là nhanh chóng chuyển tải đến khách hàng.
HTC đã bắt đầu tung Android 4.4 KitKat cho một số thiết bị, trong khi Samsung, nhà sản xuất thiết bị Android lớn nhất hành tinh, đã không trình bày chi tiết kế hoạch phát hành KitKat như hãng điện tử xứ Đài, mà vẫn còn loay hoay phổ cập Android 4.3 cho các thiết bị của mình.
Android Jelly Bean thống lĩnh thị trường di động toàn cầu với thị phần hơn 60%
Android Jelly Bean thống lĩnh thị trường di động toàn cầu với thị phần hơn 60%
Theo giới thạo tin cho biết, Samsung sẽ tổ chức một buổi họp báo tại triển lãm MWC 2014, vào cuối tháng này ở Barcelona, Tây Ban Nha. Để giới thiệu phiên bản Android KitKat song hành cùng giao diện hoàn toàn mới cho các thiết bị của hãng, thay vì TouchWiz UI đình đám hiện nay. Tuy nhiên, cũng vì giao diện mới này, mà Google không mấy hài lòng với Samsung.
Quay lại với những số liệu thống kê vào hôm thứ Ba vừa qua, các thiết bị đang chạy Android 4.0.x Ice Cream Sandwich nắm giữ 16.1% thị phần, 35,5% chạy Android 4.1.x, 16.3% chạy Android 4.2.x, các phiên bản tiền nhiệm trước Android 4.0 chiếm 21,4% và Android 4.3 chỉ ở mức 8,9% mà thôi.
So với việc phân phối OS của Apple, thì Android của Google còn thua xa. Được biết, iOS 7 được tìm thấy trên 80% các thiết bị iOS, với 17% người dùng iOS 6 và 3% trên các phiên bản cũ hơn. Vào tháng Giêng năm 2012, Ông Eric Schmidt - Chủ tịch Google cho biết, thật ra thì Android không thực sự bị phân mảnh, nhưng thay vì tranh cãi rằng có một "sự khác biệt" giữa các thiết bị.
Thì khách hàng luôn có thể tùy chọn bất kỳ một thiết bị Android từ hãng sản xuất uy tín mà họ xem trọng, không giống như iPhone hay iPad của Apple. "Sự khác biệt là tích cực, phân mảnh là tiêu cực", Schmidt nói trong CNET Next Big Thing SuperSession tại CES 2012.
"Sự khác biệt ở đây có nghĩa, bạn được quyền lựa chọn bất kỳ thiết bị nào mà bạn cảm thấy ưng ý và những công ty sản xuất điện thoại, họ sẽ cạnh tranh về quan điểm của họ ở sự đổi mới, mà họ sẽ cố gắng thuyết phục bạn rằng họ là tốt hơn so với người khác."

No comments:

Post a Comment