Tuesday, February 11, 2014

Giáo dục trong xoay sở

>> Những gánh hàng rong ở Huế
>> Cha đẻ Flappy Bird sẽ bị truy thu khoảng 10 tỷ đồng tiền thuế?
>> Trung Quốc ép Việt Nam không được tưởng niệm Chiến tranh biên giới 1979?
>> Giấc mơ của các cụ ông
>> Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh y án tử hình Trần Dụ Châu?


Nền giáo dục có trách nhiệm đào tạo ra những con người có ích cho xã hội. Nhưng thực thi như thế nào khi không biết phải khởi đầu từ cái gì, ai sẽ làm gì và làm như thế nào trong một cái xã hội “xoay”, tôi gọi chữ xoay với đầy đủ tất cả các nghĩa của nó: xoay tròn, xoay vòng, xoay dọc, xoay ngang, xoay tới, xoay lui, xoay chuyển, xoay trở, …và cuối cùng là mọi người trong xã hội đang cùng nhau “xoay sở”.

Một con người khi bước vào xã hội cần những điều gì, và xã hội cần những gì ở con người đó, theo tôi có 3 điều, mà tôi muốn ví giống như trong học võ vậy: một là võ công (kỹ năng, kỹ thuật, chuyên môn), hai là khí công (khả năng tự lý luận, có thể tự nhận thức, tự nghiên cứu), ba là nhân cách (đạo đức, lý tưởng, mục tiêu).

Tất nhiên ai cũng biết đến 3 điều này, nhưng hiện tại hình như quan điểm tư tưởng văn hóa đang đi theo chiều ngược: dạy võ công trước hoặc...chỉ dạy thứ này, còn những điều khác thì giao phó cho…xã hội bên ngoài đảm nhiệm, mà xã hội bây giờ thì phải nói: tốt xấu bất minh, thị phi lẫn lộn, giữa lời nói chủ quan và hiện thực khách quan không đồng điệu khiến những đầu óc học trò non trẻ mất định hướng, mất niềm tin và mất cả lý tưởng cuộc đời, các em sẽ bị xã hội làm vấy bẩn tâm hồn trong trắng mà các Thầy Cô đã dầy công dạy dỗ, có tài mà vô đức thì hậu quả càng tệ hại, càng khó sửa chữa, sai lầm tiếp nối sai lầm.

Nhưng nếu ta làm theo chiều xuôi lại như những thế kỷ trước: dạy nhân cách trước, thì…cũng không thể được, bởi học trò cũng sẽ không tin vào những lời bay bổng có cánh và giáo điều, khi thực tế xung quanh và trên các phương tiện truyền thông đang phản ánh một xã hội hoàn toàn trái ngược với lời Thầy Cô trong nhà trường.

Tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh một con quay (bông vụ) đang xoay tròn trong một cái hộp vuông vức, vừa nhỏ bé, vừa chật chội và tối thui. Khi bản thân con quay không còn lực xoay, nó sẽ ngừng quay và ngã. Khi đưa nó ra khỏi cái hộp, đôi khi nó còn...ngừng quay nhanh hơn trước, bởi bị tác động của không khí và gió chuyển động bên ngoài. Như vậy cái hộp có 2 mặt: mặt lợi là cản gió bên ngoài giúp con quay quay lâu hơn chút xíu, mặt hại là nó không cho con quay di chuyển ra bên ngoài và đôi khi sự va chạm với thành hộp cũng khiến nó giảm vòng quay. Bài toán được giải quyết từ cái nhìn khi đứng trong cái hộp hay chúng ta đứng hẳn ra bên ngoài để giải quyết ? Chúng ta nới rộng cái hộp, uốn cong cái hộp hoặc gọt nhỏ bớt con quay để tạo thêm chỗ trống ? Hay chúng ta tìm cách tạo nội lực, tạo động cơ cho con quay...tự quay, để nó dù có ra khỏi cái hộp vẫn có thể hiên ngang mà quay vòng với vũ trụ ?

Vậy nên chăng, tôi đề nghị chúng ta xuất phát từ…khâu “khí công”: giáo dục cho học sinh-sinh viên khả năng tự lý luận, tự nhận thức và tự nghiên cứu các hiện tượng khách quan, chủ quan trong xã hội. Với một tấm gương tốt ngoài đời các em biết nhận diện để noi theo và học hỏi, với những cảnh chướng tai gai mắt hoặc xấu xa trong xã hội các em biết phân tích hiện tượng-bản chất-động cơ của họ tại sao lại như vậy, các em tự tin nhìn thẳng vào vấn đề và dám phát biểu ý kiến của mình khi có cơ hội và được xã hội khuyến khích, theo đó các Thầy Cô tiếp tục điều chỉnh, hướng dẫn thông qua các cuộc tranh luận cởi mở trên các diễn đàn.

Cũng đã đến lúc chúng ta không còn áp đặt được các em: món ăn nào ngon món ăn nào dở, cũng như không thể nấu sẵn thức ăn cho các em ăn theo khẩu vị của chúng ta, mà chỉ nên trao cho các em những quyển sách dạy nấu ăn các kiểu, các em tự nấu món các em thích, các em tự thưởng thức và tự khen chê món ăn do mình nấu ra, các em cũng phải biết dũng cảm tiếp nhận các lời nhận xét tốt xấu của bạn bè, của xã hội và…tự điều chỉnh lại cách nấu ăn của mình, tự điều chỉnh tỷ lệ các nguyên vật liệu, tự điều chỉnh củi lửa và cả cách trưng bày món ăn ra đĩa,…

Không những các em tự tin và ngẩng cao đầu khi đón nhận những lời khen cho một món ăn ngon do các em nấu ra, đồng thời các em cũng sẽ dũng cảm đón nhận những lời chê do các món ăn chưa hợp khẩu vị của xã hội, bởi các em biết chắc mình còn rất nhiều cơ hội để chỉnh sửa, còn rất nhiều Thầy Cô để học hỏi và bàn luận trên tinh thần tôn trọng nhân cách, tôn trọng ý kiến và những suy nghĩ khác biệt, và nhất là tôn trọng sự lựa chọn của các em

Ai cũng nói xã hội cần những con người, trong khi đào tạo ra những rô bốt.

Ai cũng nói cần những người tài năng, trong khi chỉ muốn tiếp nhận những kẻ chỉ biết vâng lời.

Ai cũng nói cần những con người đạo đức, nhưng chẳng ai muốn nghe những lời hay lẻ phải.

Ai cũng nói cần những con người ngay thẳng, trong khi cuộc sống luôn biến mọi người biết cách và luôn tìm cách xoay sở mọi thứ.

Ai cũng cũng muốn cuộc sống ngày mai sẽ tốt đẹp hơn hôm qua, trong khi bản thân mỗi người không muốn nhìn nhận những gì sai lầm đã mắc phải, không muốn bỏ đi cái nửa vời đang có và cũng chưa sẵn sàng đón nhận những điều hay mới mẻ sắp đến.

Tại bản thân chúng ta cứ chậm chạp, yếu đuối và bảo thủ như thế mãi.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tôi...

Nguồn: FB Nghĩa Nghêu Ngao



Xem thêm:
- Lý sự của những con đĩ
- Đó là đa nguyên đấy các cụ ạ!
- Chợ đời nhốn nháo nói leo

No comments:

Post a Comment