Monday, February 10, 2014

Bài học nào về ứng xử qua câu chuyện của ông Dũng Taylo?

>> Ôi số liệu!
>> Người đàn ông mọc đuôi được tôn là vị thần
>> Tây Ban Nha hối thúc Interpol bắt ông Giang Trạch Dân
>> Bất động dự án ven biển
>> Nên hay không xét xử lưu động?


Hà Hiển

Trang “Một Thế Giới” mới đăng câu chuyện của ông Dũng Taylo với tiêu đề  “Khi người Việt dạy cho “Tây” một bài học về văn hóa ứng xử” kể về câu chuyện tranh cãi giữa tác giả bài viết và một ông “Tây” trên một chuyến bay với phần thắng thuộc về ông Dũng. (*)

Không biết cái tiêu đề này là do ông Dũng Taylo đặt hay do biên tập viên của “Một Thế Giới” đặt. Nếu “Tây” họ đọc câu này thì họ sẽ nghĩ sao?

Từ một câu chuyện về ứng xử giữa 2 nhân vật cụ thể, một người “Ta” là ông Dũng và một người “Tây” là ông Michael nọ, nếu đúng như lời ông Dũng kể,  liệu có nên khái quát hoá thành một kết luận có tính kì thị không kém rằng người Việt đã dạy cho “Tây”  một bài học?. Các chữ “người Việt”, và “Tây”, là những danh từ chung để chỉ các cộng đồng người chứ không chỉ một cá nhân cụ thể, rõ ràng là không thích hợp để làm tiêu đề cho bài viết về cuộc tranh cãi của 2 cá nhân trong câu chuyện của ông Dũng. Tôi tin không phải người Việt nào cũng cắn hạt dưa nơi công cộng, nhất là khi biết người bên cạnh cảm thấy khó chịu, và cũng không phải tất cả mọi ông Tây đều nói câu “Stupid Asian Culture” để phản ứng lại cái hành vi  “cắn hạt dưa” dù đúng là không vi phạm pháp luật nhưng không phải là hoàn toàn không có vấn đề gì về văn hoá (tôi tránh dùng từ “stupid”) của ông Dũng.

Tuy nhiên,  đã để đến nuớc bị một “thằng Tây” nói vào mặt là “stupid” thì cách phản ứng của ông Dũng Taylo trong câu chuyện (nếu đúng như ông kể) là rất đáng khen ngợi. Nhưng mặc dù đánh giá cao hành động này (kể từ khi bị “thằng Tây” mắng), tôi lại không đánh giá cao việc kể lại nó như một chiến công về “người Việt” đã dạy bài học này bài học kia cho “Tây”. Kể cả cái ông Michael nọ nếu biết ông Dũng đưa câu chuyện này công khai ra bàn dân thiên hạ để hạ nhục mình thì liệu ông ta có hiểu nhầm về văn hoá của người Việt nói riêng và người châu Á nói chung và liệu ông ta sẽ còn giữ lại sự tâm phục khẩu phục đối với ông Dũng như trong câu chuyện mà ông Dũng đã kể?

Có người bảo dân Châu Á “thù dai, nhớ lâu”,không như “bọn Tây” đã đấm ngã đối thủ thì thôi, thằng thắng cũng không thừa thắng đấm đá  tiếp kẻ đã ngã (trong trường hợp này là cho lên báo chí),  còn thằng đã thua thì cũng tự đứng lên, chấp nhận thua cuộc (như cái gã Michael đã chấp nhận xin lỗi), không cay cú thừa cơ thằng đã thắng mình quay đi rồi nhặt đá ném vào đầu nó để trả thù  :) . Mặc dù chứng kiến cảnh đó khá nhiều ở người Việt nhưng tôi cũng chẳng dám khái quát nó thành “văn hoá Việt”.

Văn hoá từ ngàn xưa của người Việt không phải như thế. Người Việt ở mọi thế hệ vẫn coi trọng sự cao thượng và vẫn thường nhắc nhau câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, dù cũng phải thừa nhận một điều rằng cho đến thời nay thì những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc cũng đã bị phai nhạt đi rất nhiều…

(*) Nhấn vào ĐÂY  để đọc câu chuyện của ông Dũng Taylo


Xem thêm:
- Khuyến khích đẻ?
- Vỉa hè và người bán hàng rong
- Ngột ngạt tâm linh, văn minh & văn hóa

No comments:

Post a Comment