Monday, February 3, 2014

Những mùa xuân đoàn viên…

>> Tại sao tôi xin tỵ nạn chính trị?
>> Những người Cộng sản muốn Ukraine không có tổng thống
>> Có bao nhiêu “Dương Chí Dũng” đỉnh cao quyền lực… ngã ngựa?


Tuần VietNamNet - Cuộc chiến khắc nghiệt, mất mát và đau thương này từng ngày từng ngày đã được từng gia đình, từng gia tộc hóa giải, xoa dịu, hàn gắn… bằng những lần sum họp bên nhau trong những ngày giỗ kỵ, lễ tết.

Không biết ở ngoài Bắc như thế nào, nhưng từ vĩ tuyến 17 cho đến mũi Cà Mau, mỗi họ hàng dòng tộc không gần thì xa đều có bà con người ở bên này người ở bên kia cuộc chiến. Năm 1975 thống nhất đất nước, mọi người sum vầy đoàn tụ, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi dòng tộc cùng nhau nỗ lực khắc phục hậu quả một thời đạn bom, nỗ lực hàn gắn những vết thương chiến tranh…

Mỗi cá nhân đều có nguồn cội từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Chính từ gia đình, cái nền tảng cơ bản nhất của xã hội, là nơi thực hiện tốt nhất những… hòa hợp, hòa giải những bất đồng, những mâu thuẫn của các thành viên trong cái tổ ấm ấy.

Nhân rộng ra là bà con, họ hàng, gia tộc. Cuộc chiến khắc nghiệt, mất mát và đau thương này từng ngày từng ngày đã được từng gia đình, từng gia tộc hóa giải, xoa dịu, hàn gắn… bằng những lần sum họp bên nhau trong những ngày giỗ kỵ, lễ tết.

Họ cùng nhau thắp hương khấn vái bàn thờ ông bà tổ tiên, ôm choàng nhau tay bắt mặt mừng, xưng hô với nhau bằng anh em. Bên chén trà ly rượu bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa, truyền thống đạo lý của những người đi trước, những người đã khuất, để rồi từ đó, họ đoàn kết lại đồng lòng giúp đỡ xây dựng gia đình mình, gia tộc mình vững bước đi lên.

Chiến tranh đã đi qua được gần 40 năm, những gia đình, những gia tộc nhỏ bé của dân tộc Việt Nam đã âm thầm làm rất tốt công việc hòa hợp, hòa giải này.

Có điều, chiến tranh đã đi qua được gần 40 năm, nhưng những người làm truyền hình, làm báo chí hôm nay đôi khi vẫn còn “hừng hực” cái tinh thần của thời chiến, vẫn còn hừng hực cái ngôn ngữ của một thời khói lửa tang thương… Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng phát biểu: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi được nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn, vết thương dân tộc như vậy cần được giữ lành, thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Đây là cái tâm nhân ái và tầm nhìn viễn kiến của một nhà lãnh đạo tài ba xuất chúng.

Mới đây, đọc trên báo Thanh Niên, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên tư lệnh quân khu 4, cho rằng “cần thiết phải tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính VNCH chống ngoại xâm”. Đây là một nhận định hết sức chuẩn mực, nhân văn và vô cùng minh triết.

Đất nước ta vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước. Bài ca kết đoàn luôn luôn cần thiết và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay cho nội lực, bài học về “sức mạnh của bó đũa” vẫn còn đó, không thể nào xao nhãng, lãng quên.

Chủ trương đúng đắn của nhà nước là hòa hợp, hòa giải dân tộc, cùng hướng đến những điều tốt đẹp, cùng hướng đến tương lai. Làm được những điều kỳ diệu đôi khi bắt đầu từ những việc tưởng chừng như rất đơn giản.

Hãy bắt đầu từ những ngôn ngữ nhẹ nhàng đúng mực nghĩa tình, hãy gọi nhau bằng “anh em”, cùng  thắp nén hương lên bàn thờ dân tộc, bàn thờ Tổ quốc thiêng liêng mà nguyện cầu những điều chân thành nhất, đạo lý nhất. Có sự tin tưởng thật sự của người dân là có tất cả.

Đất nước đang vào Xuân, hy vọng từ chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc của nhà nước, từ tầm nhìn của cố lãnh đạo Võ Văn Kiệt, từ nhận định của trung tướng Nguyễn Quốc Thước… và những người tiến bộ khác, chúng ta sẽ thực sự thấy được có được những mùa xuân an lành đoàn viên.

Hy vọng lắm thay, mong lắm thay!

MP


Xem thêm:
- Hồn Tết...
- Táo quân 2014: Món ăn sống sượng và... nhạt!
- Táo quân, Ngọc Hoàng và 'chỉ số nụ cười'

No comments:

Post a Comment