Monday, January 27, 2014

Hơn vạn ngày đã cũ...

>> Ngồi tù vẫn điều đàn em giết người thuê
>> Tòa bỏ lọt một tội khác của Dương Tự Trọng?
>> Giọt nước mắt của những người tiên phong
>> Ai bảo hài Xuân Hinh chán?
>> Vietnam jails former banker to life for $200m fraud


1. Cứ đến dịp đáo niên, có ai rỗi rãi ngồi cộng trừ nhân chia, coi mình đã sống được bao nhiêu ngày? Ví dụ như tôi, cứ tính một năm là 365 ngày, tính đến tết này là được gần 13.000 ngày. Và trong mười mấy ngàn ngày đã cũ xì đó, có bao nhiêu lần bạn tự hỏi sao ta lại có mặt trên đời, kiểu câu hỏi mà con nít bây giờ hay dùng là: mục đích bạn đến trái đất này? Hồi nhỏ, khi dùng một tấm gương để phản chiếu lại hình ảnh của mình trong một tấm gương lót tủ buýt phê, tôi luôn có cảm giác sợ hãi, vì hình ảnh phản chiếu không có điểm dừng, nó tiếp tục ánh xạ mãi mãi. Kiểu mà những người làm truyền hình có thể hình dung khi họ trực tiếp lên sóng hình ảnh cái monitor đang chiếu những gì mà họ đang trực tiếp. Đó là sự vô cực. Nó khiến tôi liên tưởng đến sự vô định. Năm 8 tuổi, tôi có đọc một cuốn kinh của nội, đại loại nói về sự luân hồi của nghiệp, nó cứ diễn tiến mãi như vòng xoắn trôn ko thấy kết điểm, nếu như người ta không tự thoát ra. Từ đó, tôi luôn có cảm giác sợ hãi sự vô định của cuộc đời. Nhứt là sau khi, một thằng nhóc cùng tuổi trong xóm bị chết đuối.

2. Hồi nhỏ, ở Đà Nẵng, nhà tôi to nhứt xóm. Tuy nhiên, sau giải phóng, cái nhà chỉ còn vẻ hào nhoáng bên ngoài, 4 tầng lầu khi trời mưa đều bị dột. Buồn cười nhứt là năm tôi học lớp 1, là năm 1984, cũng là năm mà ký ức của tôi có vẻ như tồn tại một cách rạch ròi và rõ ràng. Năm đó, tôi nhớ bà nội nuôi heo trong hồ bơi trên sân thượng. Tôi có hỏi, sao phải nuôi trên này, nội nói, nuôi trên thượng thì công an, thuế vụ sẽ không biết, và đó là món tiền tiết kiệm mà nội để dành làm đám cưới cho chú út. Phải nói, mùa mưa bão, nhà tôi tuy có thấm dột, nhưng vẫn là căn nhà an toàn nhứt xóm để trú bão và cả những nỗi sợ vô hình bên ngoài nhà. Sau này, năm 1992, nhà được bán lại cho công ty Bitis. Năm 2001, tôi về Đà Nẵng,  dân trong xóm kể, nhân viên Bitis ngủ trên phòng họp ở tầng 3 (vốn là phòng thờ),  thấy có ông già râu tóc bạc phơ, đầu bịt khăn đỏ, cầm gậy đuổi đánh.Thăm nội, kể nội nghe, nội nói đó là ông cố, ông rất khó chịu khi có người lạ ngủ nơi tôn nghiêm nhứt của nhà. Vậy đó, nhưng tôi nhớ, khi còn ở nhà cũ, thỉnh thoảng lúc buồn, hay lười học, tôi thường hay trốn lên phòng thờ, nằm dưới mấy cái bàn, ngủ ro ro, mặc cho bà nội tụng kinh lúc sáng, chiều.

3. Vài câu chuyện trong cuốn Ngọn Nến Bên Kia Gương, của cô Minh Ngọc (bạn mẹ tôi), mẹ bảo, rất nhiều sự kiện cô Ngọc lấy từ gia đình mình để hư cấu. Bên ngoại, nhiều chuyện không tưởng đã xảy ra. Gần giải phóng, thì ông ngoại dắt cả bầu đoàn thê tử bỏ Sài Gòn ra Huế sống. Mẹ đang học Văn khoa trong này cũng chuyển  ra Huế học. Rồi thì giải phóng vào, một cuộc bể dâu đến vô cùng. Từ đó tuổi thơ tôi, khi hè về, khi tết nhứt đến là gắn liền với đèo Hải Vân, với đoàn tàu chợ chạy hơn 100km mà mất nguyên một ngày. Tôi nhớ nhiều lần, sáng sớm ở Đà Nẵng lên tàu, thì đến 11h, 12h đêm mới tới Huế. Ở Huế, những ngày giáp tết, dì tôi ít khi cho vô Thành chơi, dì nói thời điểm đó ma nhiều. Nhưng tôi không tin. Và có một năm, vào những đêm 29, 30 tết,  tôi trốn dì, đi vô Thành, hương cắm đầy đường, thời đó điện cúp luân phiên, nên đi trong thành mà cứ như đi ở nghĩa địa. Và đã sợ. Ở Huế, rất nhiều nhà chung ngày giỗ vào dịp tết, có nhiều nhà lén mở nhạc Trịnh, bài "Hát trên những xác người"... Huế rất cổ kính, Huế cũng bi ai và hoang liêu cả lòng người những năm 80 của thế kỷ trước.

4. Vào Sài Gòn, gần 20 năm, thỉnh thoảng không nguôi cảm giác nhớ Đà Nẵng, nhớ Cầu Hai, nhớ Huế. Thế nhưng, từ sau dịp bà nội, rồi bà ngoại mất, tôi về đó,  nhưng chẳng còn cảm giác nhớ thương. Đôi lần, ngồi ở Đà Nẵng, tôi tự hỏi, mình sẽ làm gì để sống nếu quay về đây. Vài ba ngày là chồn chân, chỉ muốn về Saigon, để cắn đít thằng con mới nói bập bẹ. Có một điều tôi luôn day dứt, những năm nội còn sống, tết nào y một, điện thoại, về đi con, tao cho tiền mua vé tàu. Và cũng y một, năm nào cũng thế, tết, chẳng bao giờ về Đà Nẵng. Đó có thể là một điều rất sai trong vạn điều sai lầm mà tôi mắc phải. Nghĩ tới, mắt vẫn luôn cay.

5. Nói cho cùng, sống trên đời, đôi khi tình thương là thứ mà không tiền bạc nào mua nổi. Vì nếu tình thương mua được bằng tiền thì nó là sự phục vụ chứ ko phải là tình thương. Tình thương là vô điều kiện giữa những người cùng huyết thống, và giữa những người không cùng huyết thống. Ai may mắn, thì sống cuộc đời viên mãn trong tình thương mến. Cũng coi đó là mục đích để sống, để xây dựng, để kiếm tìm trong một cuộc đời vốn bản chất là vô nghĩa. Tự ta thôi.

Cuối năm, hoài niệm cũng chỉ để tĩnh tâm. Đôi khi, cười chỉ là cách để chúng ta bước qua thời gian, đi tới những khoảng vô định và miền vô cực phía trước.

Vững lòng !

Nguồn: FB Tuệ Hoan


Xem thêm:
- Câu chuyện lãnh tụ
- Vỉa hè và người bán hàng rong
- Đừng lôi tổ quốc gói gọn trong một cái giường

No comments:

Post a Comment