Thursday, October 10, 2013

Tủ lệch...

>> Thời bao cấp
>> Ai không thích “tam quyền phân lập”?
>> Những ý nghĩa của việc tướng Giáp qua đời
>>>>> Chống tham nhũng: Đã làm thì... làm luôn!
>> Nước cờ cao khi Triều Tiên đưa tên lửa sát Trung Quốc


Tiêu Phong

Thực ra, trước nay tôi không viết về chính trị, tôi chỉ nêu lên những suy nghĩ của mình về các hiện tượng xã hội, thông qua nó để bày tỏ ý kiến của mình. Khi bản Tuyên bố 258 này ra đời do một số blogger khởi xướng, đã có một người chị bảo tôi đại ý là tôi nên tham gia vào việc đó. Nhưng tôi đã trả lời chị là tôi không có ý định đó. 

Đến khi một số người khác lại bày tỏ ý kiến trái ngược với nhóm 258, cũng kêu gọi nhiều lắm, tôi cũng chỉ đọc mà không có bình luận.

Chính trị, vốn là một lĩnh vực đa dạng và nếu nói đến nó, rất cần sự thận trọng. Bởi, phải có sự đọc hiểu, sự nghiên cứu nhất định về triết học uyên nguyên cũng như sự tầm đọc của nhiều tài liệu, mới nên nói đến nó. Tôi thích đọc nhưng tôi cũng chỉ tự cho mình thuộc hạng kính nhi viễn chi với chính trị nghiêm túc mà thôi.

Có một người bạn, người đã bàn luận với tôi về câu chuyện 258 trên. Bạn tôi hy vọng tôi cũng sẽ có thái độ coi những người soạn thảo 258 là chống đối Nhà nước. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi tôn trọng những người muốn nói lên chính kiến của mình, ít nhất về mặt hiện tượng. Bài viết này dù sao, cũng chỉ ở khuôn khổ một entry, nên sự diễn giải hết các suy nghĩ nhận thức, tôi e sẽ là quá dài. Vì vậy, có lẽ sẽ không thích hợp với nhiều người. Nhưng dù sao, yêu thích, quan tâm hay không, có lẽ chả quan hệ gì.

Tôi muốn nói, tôi chả đứng về phe nào trong 2 phe đang gây rùm beng trên các trang blog kia về câu chuyện 258. Cái điều luật đó, xét về bản chất là cần thiết cho điều chỉnh các hành vi xã hội. Nó giống như hạt gạo vậy. Thành cơm ngon hay không là do tay người nấu. Sống, chín, khê, nhão hay trên sống dưới khê, bốn bề nhão nhoét của 1 nồi cơm, không phải lỗi hạt gạo.

Tôi nêu quan điểm, coi những người ra Tuyên bố 258 là chống phá Nhà nước thì thật là không chính xác. Họ đang yêu cầu một sự thay đổi của thể chế, một sự thay đổi theo hướng tích cực. Bạn tôi nói đại ý, những người đó làm sao lãnh đạo xã hội được, làm sao đưa xã hội này tiến đến dân chủ được... Tôi đồng ý. Tôi cũng chả tin điều đó lắm, vì tôi cũng nghi ngờ năng lực của họ. Cũng giống như, đến giờ, tôi cũng nghi ngờ rằng, bản thân tôi có thể nấu cơm ngon hơn không, dù tôi biết nấu cơm bếp dầu từ năm học lớp 6.

Tất nhiên, tôi tin cái Tuyên bố kia cũng chả xi nhê gì đến thể chế này đâu, ít nhất là trong 1 thập niên tới. Vì cái điều 258 đấy nó chả có lỗi lầm gì cả. Vấn đề là cách mà người ta sử dụng nó. Cách họ sử dụng nó gây nên những bức xúc về quyền con người trong vấn đề tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Ở đây tôi không bàn sâu về các thứ tự do kia, bởi nó về bản chất, cũng có thể đặt thành một tiểu luận được.

Bạn tôi cho rằng, họ bị các thế lực thù địch lợi dụng để ra cái Tuyên bố đó, để chống phá Nhà nước, phá vỡ sự yên ổn của xã hội vốn đang bấp bênh bởi sự tác động xấu của khủng hoảng kinh tế. Tôi cũng chả loại trừ, bởi rất có thể như vậy. Nhưng nếu nhìn nó ở khía cạnh tích cực, ở góc độ họ muốn thể chế tự điều chỉnh tư duy qua những hành động của họ, thì có lẽ sẽ dễ nhìn nhận hơn.

Tôi nói rằng sự đấu tranh của họ với những bất cập thể chế không thể động chạm đến được một tư duy bảo thủ, thì họ đánh thẳng vào một điều khoản cụ thể vậy. Vụ việc anh Vươn - Tiên Lãng, và giờ vụ  anh Viết - Thái Bình là vậy. Họ chả thù hằn gì với các cá nhân mà họ nổ súng, nên họ đành nhắm vào một đối tượng cụ thể để thức tỉnh một thể chế tư duy. Cần hiểu vấn đề qua một trải nghiệm thực tế. Vậy nên, thái độ trung lập khách quan là cần thiết trong một bối cảnh xã hội như hiện tại.

Khuôn khổ bài viết này, quả thực không đủ để diễn tả những điều muốn nói. Bởi trong cuộc nói chuyện, tôi có đề cập đến khái niệm xã hội dân sự. Tôi không chắc bạn tôi hiểu khái niệm này một cách sâu sắc. Vì vậy, tóm lược như trên về cuộc nói chuyện, để dẫn đến 1 diễn giải có thể dễ hiểu nhất về khái niệm xã hội dân sự.

Xã hội dân sự được các nước phương Tây nghiên cứu về khái niệm từ rất sớm. Ngay từ năm 1835-1840, một nhà học giả Pháp đã nghiên cứu về nó và viết thành cuốn Nền dân chủ Hoa Kỳ. Sau đó là cuốn Chế độ cũ và cuộc cách mạng, viết năm 1856. Những cuốn này, bật lên là sự nghiên cứu khảo sát về sự bình đẳng giữa xã hội, con người và nhà nước trong sự chuyển mình của các nước phương Tây. Vậy nói đến xã hội dân sự, lại phải nói qua vài nét sơ lược về thể chế nhà nước và hình thành xã hội.

Thế chế nhà nước thì thường là đặt dưới sự cai trị của pháp quyền. Tức là pháp bất vị thân. Với pháp luật, ai cũng như ai, hội đoàn tổ chức nào cũng vậy cả, bình đẳng. Và để tránh cho quyền lực tập trung vào một nhóm, 1 cá nhân, người ta đặt ra cơ chế kiểm soát lẫn nhau. Nero, bạo chúa đốt thành La mã đã trở thành ví dụ cho việc phải kiểm soát quyền lực cá nhân. Đế chế La mã cổ đại sau lập ra Hội đồng nguyên lão, tức là các vị nguyên lão này sẽ là 1 tập thể kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Đây có thể gọi là nền móng cho thể chế tam quyền phân lập sau này mà các nước phương Tây áp dụng.

Tam quyền phân lập chia rõ vị trí, phạm vi và cách thức sử dụng, kiềm chế quyền lực nhà nước. Tam quyền là đại diện của 3 đơn vị nhà nước, bao gồm: Lập pháp (Quốc hội); Hành pháp (Chính phủ); Tư pháp (Tòa án - Viện kiểm sát). Với cơ chế tam quyền phân lập như vậy, quyền lực được chia đều và rõ ràng, không đơn vị nào lấn át hay chi phối được đơn vị nào. Quyền lực sẽ được Hiến pháp hiến định cụ thể cho từng đơn vị. Quốc hội bao giờ cũng là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền phê duyệt các chủ trương, chính sách...do chính phủ đệ trình. Tùy nước, họ có thể đặt ra Thượng viện và hạ viện trong Quốc hội. Tổng thống, người điều hành chính phủ, tức là thay mặt nhà nước, có quyền phủ quyết lớn, thậm chí giải tán Quốc hội để người dân bầu lên 1 Quốc hội khác, nhưng cũng đồng thời chịu sự chi phối bãi nhiệm của Quốc hội, thông qua hệ thống Tư pháp. Bất kỳ chi tiêu chính phủ, bao gồm duyệt chi ngân sách các khoản, đều chịu sự kiểm soát của Quốc hội và phải được phê duyệt bởi Thượng hoặc Hạ viện, tùy theo lĩnh vực... Tóm lược vậy để thấy cơ chế ràng buộc lẫn nhau trong kiểm soát quyền lực nhà nước của phương Tây.

Và điều đó nói lên tính Pháp quyền. Nó là sự bình đẳng với mọi cá nhân và tổ chức thuộc xã hội, bất kể là chính trị hay phi chính trị. Bởi nó được xây dựng nên bởi người dân qua các cuộc bầu cử trực tiếp và có những đường lối tranh cử rõ ràng của từng ứng cử viên, từ Hạ đến Thượng viện để vào Quốc hội, sau đó là Tổng thống hoặc Thủ tướng.

Các nhà khoa học xã hội từ lâu đã cho rằng, con người sống trong 1 xã hội lưỡng cực là kinh tế - chính trị, chuyên biệt rõ ràng với 1 bên là nhà nước và 1 bên là thị trường. Đây chính là 2 thành tố chính và quan trọng trong đời sống xã hội, đã được nghiên cứu rất nhiều bởi đủ các lý thuyết gia, các nhà nghiên cứu hay khoa học xã hội. Và tổng kết gọn về khái niệm xã hội dân sự, thì các yếu tố chủ chốt như sau:

Sự hạn định của chính phủ, phổ thông đầu phiếu, tính pháp trị (rule of law), tự do lập hội, tự do ngôn luận, nền kinh tế thị trường mở, các tổ chức thiện nguyện để giúp đỡ người nghèo, trẻ em, người khuyết hay bệnh tật... Điều quan trọng, các tổ chức, hội đoàn được thành lập là vì tự thân nhu cầu và do chính người dân thành lập, không phải do nhà nước lập nên. Các tổ chức, hội đoàn dân lập này cấu thành một xã hội hoạt động thay vì cấu trúc xã hội được dựng lên trên cơ sở quyền lực nhà nước hay những đơn vị thương mại.

Hegel, một triết gia vĩ đại người Đức, đã đề cập đến vấn đề xã hội dân sự mà tôi đã đọc đâu đó với sự phân biệt về nhà nước và xã hội, đã bàn đến ý chí tự nhiên và ý chí này chỉ có thể được hình thành bằng quyền tư hữu và tương quan trong xã hội phức tạp, các khế ước, cam kết đạo đức, đời sống gia đình, nền kinh tế, hệ thống pháp lý và 1 xã hội có tổ chức. Nhắc lại, phạm vi đề cập rất dài, tôi không lạm bàn quá nhiều về các định nghĩa khái niệm này nữa. Chỉ xin nhắc thêm rằng, trong 1 xã hội dân sự, các tổ chức phi chính trị cũng là thành tố sinh tử cho nền dân chủ. Dân chủ thành công là nhờ những liên kết, khế ước ngang hàng trong xã hội dân sự. Lòng tin và những giá trị chung xây đắp nên vốn xã hội, là kết quả của các thành tố xã hội gắn kết với nhau, chia sẻ và cảm thông, nâng cao nhận thức giữa tương quan mọi thành phần và quyền lợi trong xã hội.

Sự tương quan chặt chẽ của hệ thống xã hội dân sự là sự tác động đa chiều của kinh tế thị trường, xã hội (dân sự), chính trị (nhà nước). Điều này khỏi cần phủ nhận. Tại hệ thống nhà nước của XHCN, chỉ có một lọai nhà nước, đó là nhà nước chuyên chính vô sản. Tôi không giải nghĩa từ chuyên chính, mời các bạn nếu không hiểu xin tra từ điển. Liên quan đến lưỡng cực đã nói ở trên, điều này loại bỏ luôn thị trường là cực thứ hai trong lưỡng cực kinh tế - chính trị, điều mà đã thành sự phổ biến ở các nước dân chủ.

Với đà phát triển, người ta cũng đã thừa nhận khái niệm pháp quyền, nhưng buồn cười là khái niệm đó gắn luôn với XHCN. Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây chẳng qua là 1 sự tránh né, đánh tráo khái niệm để giữ nguyên tính chuyên chính, củng cố quyền lực bất khả chia sẻ mà thôi, mà trong những văn kiện đã ra đến đời sống văn học, đời sống văn nghệ 1 thời, sáng tác mà không có tính Đảng là hỏng. Thậm chí ở nhà tôi, bầu tổ trưởng tổ phó, tính tham quyền ăn sâu vào máu đến nỗi có bà còn tự ứng cử mình vào cương vị tổ phó, vì bà ấy là đảng viên. Bà ấy bảo, tổ dân phố cũng phải có tính đảng, mà hiện tại tổ này lãnh đạo tổ không ai là đảng viên cả !!!

Tiếp nối tính pháp quyền XHCN là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Và để dân chủ, để rộng đường dân chúng hiểu rằng Nhà nước pháp quyền XHCN là NN do dân làm chủ, nên các nhà lý luận của Hội đồng lý luận TW nghĩ ra thêm cái đuôi ''của dân, do dân và vì dân''. Đến đây, xin các bạn đọc lại chỗ in nghiêng về quyền tư hữu của Hegel tôi đã đề cập ở trên, và bài "Của ai" tôi đã viết tại blog này, có đề cập đến khái niệm Sở hữu toàn dân về đất đai. Thực ra, sự từ bỏ quyền lực là không dễ. Quyền lực có một sức thu hút đến không thể cưỡng nổi. Hơn nửa thế kỷ nắm quyền, bảo rằng một ngày rời bỏ nó, chỉ với những sự kêu gọi của Tuyên bố 258, với sự kêu gọi thành lập đảng đối lập của ông Lê Hiếu Đằng, của án tù Phương Uyên - Nguyên Kha, của Cù Huy Hà Vũ hay của rất nhiều những người khác, thì là không thể. Vậy thì cách đặt vấn đề là, thay đổi thể chế hay thay đổi tư duy lãnh đạo ???

Nếu thay đổi tư duy lãnh đạo, thì tôi nghĩ, những ý kiến phản biện của các nhóm trí thức, các blogger kia không phải là không có ý nghĩa.

Xin tạm kết tại entry này. Mỗi người đọc sẽ có suy nghĩ cho riêng mình. Riêng tôi, nếu các bạn dư luận viên có tình cờ ghé vào đây, thì xin đừng như thế này nhé (hình minh họa ở bên cạnh)

 Vì nó phản cảm lắm. Mình tự tôn trọng mình thôi.

P/s: Do khuôn khổ, còn nhiều vấn đề chưa thể diễn giải rõ ràng và hết ý. Tiêu mỗ xin được lượng thứ.

Nguồn: Tiêu Phong

No comments:

Post a Comment