Friday, July 5, 2013

Bệnh vĩ mô mà đi trị vi mô!

>> Cuốn theo chiều... giá
>> Trâu, bò đi... lùi
>> Leo dây và nhảy dù
>> Tiếp tục đề xuất dân phúc quyết Hiến pháp
>>>>> Nợ công Việt Nam đang trên 826 USD/người dân



(VHNA) - Một dự thảo luật quy định, sẽ phạt 100.000 đến 200.000 đồng với người có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng.

Một số hành vi cũng bị phạt 100.000 đồng đến 200.000 đồng gồm: Tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung, ăn mặc hở hang…

Mới nhìn thì dự thảo luật này sẽ đánh trúng bệnh của xã hội. Phạt để dân tình không «làm bậy» và cộng đồng sẽ sống cùng nhau có văn hóa hơn, văn minh hơn…

Thế nhưng văn hóa là gì? Theo nghĩa rộng, đó là tất cả những cách, thích hợp nhất, mà cộng đồng đã sáng chế ra để sống trong một bối cảnh nào đó.

Một cách chung chung, có vội vã thật nhưng để ngắn gọn, ta có thể giải thích:

Tiểu tiện ở nơi công cộng vì ta thiếu nhà vệ sinh chung.
Chạy len lỏi trên đường vì đường chật xe đông.
Lừa dối người khác vì mục đích tối thượng của mỗi người hiện là «cơm áo gạo tiền».
Mua bán bằng cấp vì xã hội chỉ tôn trọng người có học vị.
Chửi nhau vì xã hội hóa các đô thị nhanh quá, dân đô thị thành vô danh giữa người này với người khác, hết tình người…
Ăn mặc hở hang ở nơi đông người vì dồn dập các phương tiện truyền thông hàng ngày cứ đưa những hình ảnh nóng bỏng gợi cảm của người nổi tiếng – cứ như là mẫu mực rồi, cứ như là bình thường đấy.

Và đó chỉ là vài thí dụ cụ thể.
Như thế thì trách gì dân tình được?

Phạt hay chế tài?

Bất cứ xã hội học gia nào cũng sẽ nói rằng phạt không có hiệu quả đâu. Có luật thì sẽ có người lách luật. Cái cần là làm sao cho văn hóa … «lành mạnh», cho dân tự ý thức.

Tức là phải làm việc:

. chống văn hóa đi lạc hướng (tôi nhìn về phía trách nhiệm của giới truyền thông chuyên bán báo lá cải và buôn chuyện người nổi tiếng ăn mặc hở hang),

. tạo những gương mẫu mực từ trên xuống dưới (từ những minh quân, những cán bộ biết làm công bộc có ý thức trách nhiệm, chăm lo tiện nghi, hạ tầng cho dân chúng… tới người thường dân biết tu thân tề gia, cư xử tế nhị…),

. đề cao những giá trị đạo đức nhân bản (trung thực, tình người, tương trợ…) – đề cao thật chứ không phải đề cao màu mè hình thức.

Nhiều người than là văn hóa trong nước hiện xuống cấp.

Nhưng không xuống cấp sao được khi tra bất cứ báo nào trên mạng ta chỉ thấy đa số các bài là những tin cướp của, giết người, hãm hiếp, chết vì tai nạn lao thông, hay là những nhà cửa, trang phục của người nổi tiếng với những giá bạc triệu bạc tỉ … Báo chí như thế chỉ phản ảnh các hiện tượng của thiểu số trong khi đa số thầm lặng thì hoàn toàn vắng bóng (họ …thầm lặng mà!).

Vài xã hội học gia hi vọng là đa số thầm lặng còn giữ được những giá trị của xã hội mà không bị ảnh hưởng của những hiện tượng «lao xao». Ta bám víu vào hi vọng đó để mong tái lập những hành vi văn hóa thích hợp cho một xã hội tiến bộ.

Thay vì tích cực vun trồng những hình thức văn hóa «ổn» hơn, ở đây ta chỉ nhắm tới các «vi phạm» (mà ai định nghĩa các vi phạm? theo chuẩn mực nào? hành vi xã hội là những thói quen không do luật qui định rõ ràngvà lại phạt bằng tiền.

Tức là lại dùng cái lô-gích của thực dụng, của tiền bạc. Văn hóa mà đặt trọng trên tiền bạc thì trách sao các thiếu nam thiếu nữ, người già người trẻ, từ dân tới quan… cứ chạy theo tiền, bất kể các giá trị đạo đức khác.

Ta phải sớm tìm cách chấn chỉnh thói quen xã hội, tái lập bậc thang giá trị, chú tâm đến dạy con trong nhà, giáo dục trẻ ở trường… để mỗi một và tất cả sống tử tế.

Chứ để đợi đến lúc «vi phạm» … thuần phong mỹ tục mới phạt thì muộn rồi. Đó là một cách làm phần ngọn trong lúc rể đã bám sâu trong lòng đất, khó tuyệt căn lắm…

Bệnh vĩ mô mà đi trị vi mô thì bao giờ mới xong?

Nguyễn Huỳnh Mai

Xem thêm:
- Khôn như thượng thư văn hóa
- Hạnh phúc trong tay ta đang nợ hoa kết trái...
- Đảng đâu rồi?

No comments:

Post a Comment