Saturday, July 13, 2013

Mệ Tư

>> Biểu tình dữ dội, Trung Quốc phải hủy dự án hạt nhân (Về vấn đề này, công nhận "bạn" rất tiến bộ!)
>> WB: Lạm phát có thể lên đến 8,2%
>> Muốn “chết” cũng không xong
>> Gửi con... du học!


(Tản văn)

Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay...

Ở cái xứ Huế trầm tư cổ kính này, có cái gì đó mà lúc nào nó về cũng có cảm giác buồn buồn khó tả...

Chợ Cống, cái chợ nhỏ ven sông Hương thơ mộng này, ai đã từng sống và buôn bán lâu năm cùng đều biết đến mệ Tư, bà ngoại của nó. Chỉ cần đến chợ rồi hỏi tên mệ, người ta tận tình hướng dẫn và nhiều khi vô tư ham vui nắm tay cùng khách kéo tới nơi luôn...

Mệ Tư bán hàng xén, trong ngôi nhà họp hẹp nhỏ bé ven sông, trên một miếng đất được thuê lại từ một người địa phương ở gần đó. Cũng chẳng có gì lạ, như đa số người dân Huế khác, cảnh sống thật đơn sơ, thật nghèo, êm đềm. Chiến tranh rồi hòa bình, mệ vẫn một mình tần tảo nuôi bầy con, đàn cháu... lớn khôn.

Sau ngày Giải phóng, chính quyền đến trao cho mệ một tấm bằng liệt sĩ, vậy là chồng mệ đã hy sinh, tức là ông ngoại của nó. Ông ngoại của nó hy sinh trong một chuyến đi công tác từ Bắc vào Nam, tại chiến trường Tây Nguyên, bằng liệt sỹ của chồng ngoại đã nhận trên tay, nhưng xác ôn thì người ta không tìm thấy, mộ ôn bây chừ không ai xác định được. Mệ Tư im lặng nuốt nổi đau vào lòng...

Người ta nói rằng thời gian sẽ hàn gắn mọi vết thương, nó thấy mệ thường im lặng, vẫn cứ âm thầm chịu thương chịu khó nuôi con, chăm cháu... Có người khuyên mệ nhờ đến cơ quan công quyền, nhờ đến báo đài đăng tin để tìm mộ ôn, mệ sốt sắng tìm đến... nhưng thời gian trôi đi vô vọng. Rồi có người mách mệ đi xem bói, cầu hồn, lên đồng, tìm đến nhà ngoại cảm .., như bao bà mẹ Việt Nam bình thường khác, trong lòng ngoại lại dấy lên niềm tin hy vọng .., thế rồi mọi cố gắng đều bằng không.

Mấy anh công an phường Xuân Phú đối diện trước quán, mỗi lần qua mua thuốc lá đều "trêu đùa" hỏi mệ:
- Ôn mô rồi mệ?
Ngoại móm mém vừa cười vừa bán hàng vừa đáp lời:
- Hầu nó bắt đi rồi! (ở Huế gọi vợ bé là hầu)
Mọi người xung quanh cười vui vẻ...

"Mẹ già như chuối chín cây...", lúc hấp hối mệ không nói gì, chỉ nhìn mãi lên bàn thờ ôn... Mệ qua đời tuổi 83, con cháu nội ngoại về đông đủ.

Sau quan tài mệ, những người Phật tử treo một dòng chữ "Tây Phương Cực Lạc". Nhưng lúc đó nó lại suy nghĩ khác, chắc mệ không đi đến cái nơi hàn lâm triết lý cao siêu đó đâu, bên kia suối vàng mệ sẽ tiếp tục đi tìm ôn, nếu tìm được ôn, việc đầu tiên mệ sẽ "mắng":
- Ông tệ lắm, đến cái cốt cũng không mang về được cho con cháu mộ phần nhan khói...
Rồi sau đó mệ sẽ khóc, khóc thật nhiều, khóc hết nước mắt cho thỏa nổi niềm... dương gian.

Mệ Tư mất đã gần 10 năm, mộ mệ an nghỉ trong khuôn viên một ngôi chùa nhỏ. Nhiều khi một mình đốt thuốc vu vơ chuyện gia đình, chuyện đời, nó thường nghĩ đến ngoại như một điểm tựa của nghị lực và đức hy sinh chịu đựng, một nổi đau, một nhân chứng thầm lặng của chiến tranh và hòa bình, của lịch sử... Ngoại chưa từng kể gì về bản thân mình.

Lúc còn sống, ngày 27/7 hàng năm, mệ thường ngồi thật lâu, thật im lặng nơi buồng thờ .., và hình như cũng sắp đến ngày đó rồi còn gì?

Và... không biết đến bao giờ mệ mới tìm được ôn?

MP

P/s: Đất nước đã từng có những năm tháng chiến tranh ác liệt đau thương tang tóc, mỗi người dân Việt Nam hiện nay đều ít nhiều còn đó những nổi đau, nổi buồn của riêng mình. Thế nhưng, cứ vẫn mãi mê muội, cực đoan, duy ý chí, suy diễn, nghi ngờ lẫn nhau, không >>> tin tưởng, không có niềm tin thì biết đến khi nào đất nước mới phát triển, mới phồn thịnh. Nếu vẫn cứ mãi như thế, thì những con >>> "mọt đười ươi" sống trong bóng tối sẽ tiếp tục đắc chí cười, tiếp tục phá hoại và tiếp tục gây tội ác... "Chúng sẽ chết dần chết mòn dưới ánh sáng ...".

Tất cả, ai rồi cũng có con, có cháu. Khi chúng lớn lên có tri thức, chắc chắn, không sớm thì muộn, chúng cũng biết ai là người nói dối! Đừng để chúng nó phải im lặng, đừng để chúng nó phải buồn...


Xem thêm:

- Lời mẹ dặn
- Bài thơ đôi dép
- 2 đô la và 1 giờ

No comments:

Post a Comment