Sunday, July 28, 2013

Khuyến khích đẻ?

>> Đà Nẵng: Ô nhiễm môi trường, dân cầu cứu chính quyền TP
>> Bắt quả tang nhà hàng tổ chức cho nhân viên múa sexy
>> 92% lao động nông thôn chưa được đào tạo để xuất khẩu lao động
>> Tên lửa đạn đạo: Mỹ số 1, Nga số 2, Trung Quốc... “còn xa lắm”
>> Đừng để cải cách hành chính mất lửa


Đã có một thời khắp cả nước đâu đâu "cái loa phường" cũng vang lên cái điệp khúc vừa vui vừa ngậm ngùi:

"Sồn sồn là đầy nhà, sồn sồn là như heo, cơm đâu cho chúng nó ăn, áo đâu cho chúng nó mặc..."

Với điệp khúc này, người sáng tác thông qua chương trình tuyên truyền "kế hoạch hóa gia đình" mang đến thông điệp cảnh báo thói quen "đông con, nhiều cái" của người Việt và hiện trạng cái nghèo, cái đói đang đeo đẳng, trở thành gánh nặng thường trực của mỗi gia đình, kìm hãm sự phát triển của xã hội, của đất nước. Ngày xưa, nhờ tuyên truyền quyết liệt như vậy đã đem đến những thành công nhất định, và phụ nữ Việt Nam bây chừ hầu như chỉ dám đẻ từ 1-2 con, trừ "một bộ phận không nhỏ"...

Dạo này, lại thấy báo hình, báo giấy, báo mạng thi nhau xa gần truyền tín hiệu cảnh báo về tình trạng dân số Việt Nam đang có nguy cơ già đi dẫn đến mất cân bằng xã hội, ảnh hưởng đến đời sống, thiếu lực lượng sản xuất lao động chủ đạo .., trong khi đó quỹ lương hưu đang cạn kiệt dần.

Cảnh báo là một điều quá tốt, và với mức độ báo động ngày càng tăng dần như hiện nay thì trước sau gì việc cho ra đời chính sách "khuyến khích đẻ" là những dự đoán có cơ sở, có thể trở thành hiện thực. Nhưng điều quan trọng nhất là phải đảm bảo ổn định được đời sống của người dân, "khuyến khích đẻ" phải song hành với cải thiện, nâng cao mức sống của mọi gia đình, miền núi xuống đồng bằng, thành thị tới nông thôn... Thực tế đôi khi khác xa với con số, và còn đó, nhiều bất cập, lắm khó khăn.

Quan niệm muôn đời "con cái là lộc", chưa cần xét đến tầm vĩ mô của nhà nước, mỗi gia đình - tế bào nhỏ của xã hội, mỗi cặp vợ chồng trẻ đã tự hoạch định cho mình sẽ sinh bao nhiêu "công chúa, hoàng tử" tùy thuộc vào hoàn cảnh năng lực, điều kiện khả năng tài chính của chính họ. Hơn thế, với tình trạng hiếm muộn, vô sinh ngày càng nhiều như hiện nay thì "con cái" quý hơn "vàng, kim cương" là điều dễ hiểu, không quá lời lộng ngôn chút nào. Bây chừ, lại được nhà nước quan tâm, can thiệp, điều chỉnh, quả thật là điều diễm phúc cho trăm họ, cho muôn dân xã tắc... Chính sách càng đúng đắn, hợp lý bao nhiêu thì dân tộc càng cường thịnh, tổ quốc càng phồn vinh bấy nhiêu.

Hiểu được người dân là một chuyện, giúp đỡ tạo thuận lợi cho người dân lại là một chuyện khác, thực lòng mà nói có nhiều khuyến khích mà người dân chưa thể nào vui nổi. Khuyến khích người dân chơi chứng khoán thì cổ phiếu lại đang đi tìm đáy, thông tin cập nhật niêm yết trên sàn nhiều khi mù mờ, thiếu công khai minh bạch; khuyến khích dân nghèo mua nhà thì người dân đã nghèo lấy tiền đâu mà mua, nếu có vay ngân hàng thì đến biết bao giờ mới trả được lời lẫn vốn; khuyến khích người dân đánh bắt xa bờ nhưng lại thiếu lực lượng và công cụ hổ trợ, đã thế tàu lạ, tàu nước ngoài ngang ngược quấy rối, nhũng nhiễu, đập phá, cướp bóc... tạo tâm lý bất an, lo lắng. Mở rộng một vài ví dụ nho nhỏ để đi vào câu chuyện chính, việc ra đời một chính sách là chuyện quốc gia đại sự, chuyện phải làm và thường xuyên làm của một nhà nước, một chính thể. Thế nhưng thực tế gần đây, cụ thể là 6 tháng đầu năm, có những chủ trương mà một số quan chức chính phủ cũng phải thốt lên rằng "ở trên mây, ngồi trong phòng lạnh", có những chính sách chưa kịp hoặc mới ra đời đã bị "chết yểu", bị dư luận, báo chí phản đối ca thán, phản biện là thiếu sức sống, thiếu thực tiễn. Trong khi đó, nhà nước có hẳn một ban bệ đầy đủ tri túc để "thẩm định" lại những quyết sách trước khi chúng kịp đến với truyền thông, với người dân?

Trước đây, chúng ta thực hiện tốt chính sách "kế hoạch hóa gia đình", đồng thời với việc cải tổ, sửa chữa khắc phục những sai lầm trong kinh tế chính trị khiến bộ mặt đất nước có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng phải khách quan nhìn nhận hiện nay rằng, vấn đề quan trí, dân trí vẫn còn đó quá nhiều điều phải lo lắng, phải suy tính bàn bạc và thực tế đất nước là khó khăn, là nghèo, là lạc hậu. Xin nhắc đi nhắc lại điều đã đề cập ở trên, tuy chỉ là dự đoán, việc "khuyến khích đẻ" phải dựa trên mức sống của người dân, phải song hành cùng với sự "nâng cấp, nâng cao" điều kiện tiền lương, bảo hiểm, y tế, môi trường, việc làm, giáo dục, chăm sóc trẻ em và người già, bình quyền nam nữ, văn hóa, an ninh quốc phòng .v.v.

Dân số già dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động sản xuất là dấu hiệu "cấp cứu" chung của toàn thế giới, của những nước giàu có, phát triển và bây chừ... là Việt Nam, một nước đang phát triển và phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp. Mọi chỉ tiêu đều có sẵn, mọi con số dự tính chiến lược đều có thông số trên khắp báo đài, nhưng để thực hiện được điều đó không là điều không dễ, và đôi khi là không tưởng...

Chưa cần đến nhãn quan của những nhà lãnh đạo vĩ mô, những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, chỉ với cặp mắt quan sát của chúng ta, những người dân bình thường trực diện với cuộc sống đời thường, vẫn còn đó những ngột ngạt ưu tư... Kinh tế khó khăn, tình trạng thất nghiệp tăng và tăng nhanh trong thời gian gần đây, giá cả mọi thứ đều đắt đỏ. Ở thành phố, vào những nhà hàng, quán ăn, quán nhậu đâu đó vẫn còn thấy những trẻ em bưng ly, dọn đồ ăn, rửa chén... Sáng ra nuốt vội ly cà phê gặp cảnh người già ăn xin, bán vé số, những người lớn bế trẻ con bán kẹo singum, những đứa trẻ lang thang đánh giày, bải rác... để rồi làm giàu cho bọn "chăn dắt" lười biếng, lưu manh và hung bạo. Dòng  người qua lại trong sự bất an, ăn trộm, ăn cướp, tệ nạn xã hội tăng nhanh, manh động hơn, tàn ác hơn, chuyên nghiệp hơn .., và đáng buồn là trong thành phần này tỉ lệ trẻ dưới vị thành niên, thanh thiếu niên chiếm một vị trí không nhỏ. Khi người công chức "rên" đồng lương chết đói thì công nhân trong các xí nghiệp, nhà máy, khu chế xuất cũng khổ sở long đong với cơm rau hàng ngày, chỉ mong sao nó đảm bảo tối thiểu được "an toàn thực phẩm" để có sức khỏe cho những ngày lao động tiếp theo...

Mại dâm không còn là chuyện lạ, không còn là "bất quy tắc", nó và những biến thể của nó hiện hữu khắp trang báo hàng ngày, chưa dừng ở "thị trường" nội địa, các cô, các nàng còn xin cấp visa để xâm nhập và chiếm lĩnh những "vùng đất hứa" khác... Hôn nhân chưa hẳn là tình yêu, hôn nhân với mục đích đổi đời để rồi may rủi phó thác thân phận "dâu xứ người" bên những ông chồng Đài Loan, Hàn Quốc... Mỗi lần báo chí đăng chuyện đau lòng của những cô dâu Việt lại là một lần lòng tự tôn dân tộc cảm thấy sát muối trong tim. Những cô gái Việt Nam trong chiếc áo dài thật đẹp, nhưng nhiều lúc còn quá đỗi ngây thơ, đơn giản và dại dột.

Thành thị đã vậy, nông thôn và miền núi lại càng buồn hơn, những đứa trẻ lao động cực nhọc ở lò gạch, mỏ đá là điều thường thấy, chúng đến trường với bao nhiêu điều thiếu thốn, sách vở, áo quần, bữa cơm thiếu thịt, mái trường đơn sơ nghèo nàn rách nát, thời tiết lại mưa nắng thất thường. Người nông dân canh tác, trồng trọt, thu hoạch theo mùa, thời gian còn lại thường ra thành phố lao động, kiếm thêm thu nhập. Đất đai nông nghiệp ngày càng hạn hẹp cùng với sự ra đời ngày càng nhiều những "dự án" cao siêu của chính phủ, và từ đó đã xảy ra nhiều bất cập, những mâu thuẩn đau lòng trong mối quan hệ nhân dân và chính quyền địa phương, hình ảnh những dân oan giữ đất, mất đất từ khắp mọi nơi tìm về Hà Nội khiếu kiện đã trở nên quen thuộc trong mắt người dân Hà thành. Họ và những băng rôn, biểu ngữ, những ánh mắt uất ức thất thần khiến hình ảnh thủ đô thêm phần não nề, bức bối...

Và hình như, những trai thanh, nữ tú nông thôn hiện nay "ngại" việc đồng áng, họ số đông muốn đổi đời từ bài hát "Cô Tấm ngày nay", được và mất chưa có con số thống kê chính xác, nhưng gánh nặng về di dân cơ học và quản lý an ninh trật tự nơi đô thành là bức tranh có thể hình dung ra được.

Vấn đề xuất khẩu lao động lại gặp vấn nạn lao động "chui" và những hạn chế về kỹ năng tay nghề thực hành, ứng dụng. Trong nước, những trường đào tạo dạy nghề lại chưa nhiều, chất lượng chưa cao cộng với tâm lý thích làm thầy hơn thợ thường thấy của người dân Việt. Cái gì cũng nên chừng mực, nhiều người làm thầy quá đâm ra nền giáo dục cứ cải cách đi cải cách lại nhiều lần.

Mới vừa rồi, liên tiếp những trẻ em sơ sinh chết vì tiêm vaccine, đó chỉ là "bề nổi" của câu chuyện chăm sóc y tế cộng đồng, và cũng từ đó báo hiệu những nổi lo...

"Khuyến khích đẻ" chỉ là dự đoán riêng của người viết, và việc "khuyến khích hay kế hoạch" thuộc tầm chiến lượt vĩ mô của nhà nước, ở tầm vi mô, người dân sẽ "liệu cơm gắp mắm"... Hiện tại, tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam đã lên đến hơn một triệu tỉ đồng (cụ thể là 1.052.416 tỉ đồng), chia đều bình quân cho dân số, mỗi người dân là... một con nợ, gia đình càng đông con, gánh nợ càng chồng chất.

Biết rằng, con cái là "lộc trời ban", nhưng người dân cũng thấm thía cái câu "cha mẹ sinh con, trời sinh tánh", chứ ai cũng biết trước những đứa con của mình đều "trung với nước, hiếu với dân" thì họ sẽ đẻ và đẻ thật nhiều.


MP


Xem thêm:
- Nghịch lý con số thất nghiệp
- Khôn khéo ngụy biện lấn át thiện tâm
- Cần xử lý những người ‘ngồi trên mây, làm chính sách’


No comments:

Post a Comment