Sunday, June 23, 2013

Đàn ong trên đầu ngọn khói

>> Giử Thủ tướng Ba Dũng (Hôm 19/6 có người trong đoàn anh Tư Sang từ Trung Quốc điện cho tôi bảo đã có danh sách 20 blogger có thể bị bắt. Tôi nói vui: Bắt hết nhân dân đi, xem họ sống với ai.)
>> Báo Tuổi Trẻ xin lỗi quân đội (Báo Tuổi Trẻ nói "chân thành cáo lỗi Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cùng toàn thể bạn đọc".) vì entry >>> này! -->
>> Đà Nẵng không gây thất thu hơn 3.400 tỉ đồng (Trả lời thắc mắc của cử tri, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết người có hai lần phiếu tín nhiệm thấp thì lúc đó mới xem xét bỏ phiếu tín nhiệm hay không tín nhiệm. “Chờ đến khi đó thì cán bộ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm cũng vừa hết nhiệm kỳ rồi” - ông nói.)


Hết nổi ban đỏ rồi lại viêm phổi, mùa này bọn trẻ bệnh nhiều quá. Bệnh viện 600 giường chật cứng người lớn và trẻ em, những tiếng khóc thét, la ré cùng những khuôn mặt hốc hác, thất thần, lo lắng. Tết Đoan Ngọ đã qua, tưởng khí trời sẽ dễ chịu hơn, ai dè vẫn ngột ngạt, độc địa, sâu bọ vẫn đàn đàn lớp lớp đục khoét chồi xanh, mầm sống...

Miền Trung đang nắng gắt, đang nóng gắt, mọi người hạn chế ra đường lúc giữa trưa nếu như không tìm ra được một lý do thật chính đáng. Trong khi đó, ngoài Bắc bộ, cơn bão số 2 đổ bộ tiếp quản đất liền, có nơi ghi nhận được những cột sóng cao gần chục mét, nước tràn mạnh vào lục lọi, truy tìm khắp Đồ Sơn, Quất Lâm và đã phần nào giải thích được thắc mắc của giới báo chí bấy lâu nay rằng "không phát hiện ra gái mại dâm", chỉ thấy nhà nhà, người người tinh thần lên giây cót để khắc phục thiên tai, bão dữ.

Thiên tai cướp đi mạng người là chuyện thường, thế nhưng mạng chó đổi mạng người cũng vẫn là chuyện thường trên khắp trang tin truyền thông. Cứ mãi lí lẽ mơ hồ mệt mỏi bế tắc, dân nghiện dồi chó chỉ quyến luyến mắm tôm, vừa dân gian vừa truyền thống, hơi sức đâu mà quan tâm đến nhân nghĩa với lưu manh. Trộm chó là phạm pháp, giết người là phạm pháp, nhưng mắm tôm chỉ để ăn, để thịt chó nhúng vào mà khoái khẩu, ai lại đem mắm tôm bôi phết tèm lem trước nhà người khác, bốc mùi khó chịu, làm mất vệ sinh môi trường. Không biết việc sử dụng mắm tôm như thế có vi phạm pháp luật hay không, nhưng trong nhãn quan bình thường của một người dân, thì đó là việc làm của bọn côn đồ hạ cấp. Đọc trên mạng thấy hoài mấy cảnh ấy mà buồn, tự hỏi sao nước mình lạ thế?

Dân gian là vậy, cuộc sống hiện đại cần kết hợp truyền thống và tân thời. Keo con Voi là một sản phẩm như vậy, khả năng kết dính nhanh chóng, tiện lợi, góp phần tích cực cho đời sống xã hội, giúp ích cho mọi người, mọi nhà. Nhìn chung, mọi phát minh đa phần đều xuất phát từ ý thức hữu quan tiện dụng, từ cái thiện trong lành tâm huyết của người sáng chế, như mắm tôm để ăn, như keo con Voi để dán... Thế nhưng, vào tay cái xấu, tư tưởng xấu, nó lập tức trở thành công cụ đắc lực của cái xấu. Con nít nếu lấy keo con Voi nhỏ vào ổ khóa ngay lập tức sẽ bị người lớn đánh đít, quát mắng, khuyên răn. Còn người lớn mà làm như vậy thì thôi, hết biết?!

Trộm, cướp, xã hội đen, côn đồ, lưu manh... ám ảnh hàng ngày, tràn ngập khắp báo chí truyền thông chính thống cả nước. Người dân đã ớn, ớn đến tận cổ những thông tin ăn khách kiểu đó rồi. Khoác trên mình một công việc cao cả, có tất cả mọi công cụ trong tay, tính chính danh được thường trực trên lời nói và hành động. Vậy sự thiếu chính danh hạ cấp ấy dành cho ai, với một mục đích gì? Thành tích? Chức vụ? Thừa lệnh? hay một sự hoang mang lo lắng vô hình nào đó?

Trong những trực diện của cuộc sống, họ luôn tự hào khoe khoang cái lý tưởng của mình. Cũng chẳng quá đáng nếu ai đó hỏi lại "lý tưởng của bạn là gì, từ đâu mà ra?", sẽ có khối người trong họ ú a ú ớ, căng thẳng rồi đâm ra cáu gắt trong câu trả lời. Hiểu bạn hiểu nó, trong cái nghĩa vụ và trách nhiệm, trong cái tình hình trắng đen mờ ảo này, trong sự cạnh tranh khốc liệt của các phe nhóm, bạn và nó chỉ nên quan sát, im lặng lắng nghe, cũng cần thật thà những điều có thể tâm sự được...

"Cho đó là thật tức là không thật!", đấy là điều khi còn sống ông luôn xoa đầu thì thầm với nó. Với kinh nghiệm của một "cây cao bóng cả", ông cười giản dị: "Đừng ngạc nhiên, đừng tưởng tượng quá, đơn giản chỉ là bất chấp thủ đoạn, nhưng điều quan trọng nhất là phải có cái tâm". Vì thế, nó suy nghĩ mãi về cái "tâm" ông thường nói để đánh giá mọi động thái tin tức ấy, trong một môi trường chấp nhận sống chung với những khuôn mặt có cái mồm "nói vậy mà không phải vậy". Có những vở kịch phụ thuộc quá nhiều vào người nhắc lời sau màn trướng...

Ngày xưa, trẻ thơ thường được người lớn đồn thổi, kể cho nghe về sự hung tợn khi đàn ong vỡ tổ, những ai phá phách chọc vào tổ khiến bầy ong nổi giận, bay ra đuổi chích sưng húp mặt mày tay chân, có khi nguy kịch dẫn đến tử vong. Thế nhưng lớn lên, trưởng thành rồi thì chúng sẽ phì cười, cái nguy hiểm của bầy ong vỡ tổ kia có thấm tháp gì đâu so với con người và cái "trí khôn cao ngạo" của họ. Đàn ong trên thế giới ngày càng bị tận diệt và lánh xa loài người. Với mục đích lấy mật để uống, lấy nhộng để ăn .., bọn con người chỉ cần mồi lửa hun khói, thế là bọn con ong phải tháo chạy xa bay, "bỏ nhà bỏ cửa", "tan đàn xẻ nghé", nhiều khi bỏ mạng chết tức chết tưởi...

Đốt điếu thuốc lá nhìn qua nhánh cây bên đường, cách đây 10 ngày vẫn còn thấy một tổ ong sống động, thanh bình, nhộn nhịp tìm hoa hút mật cho đời. Ong chúa, ong đực, ong thợ, ong non, ong già... vui vầy hạnh phúc trong tổ ấm riêng, dung dị của mình. Dưới tán cây có tổ ong kia là một ngôi nhà ba tầng hành nghề buôn bán, chủ nhân thờ Phật, mỗi tháng chay tụng cúng bái hai lần. Không hiểu vì lí do gì mà đêm rằm gần đây nhất, chủ nhà muốn cầu xin điều gì mà đốt vàng mã nhiều quá, lửa cháy thật to, khói bốc cao ngụn ngụt trắng mờ cả ngọn cây trước nhà. Sáng hôm sau, đàn ong bỏ đi đâu hết chỉ còn lại cái tổ trống không, trơ trọi...

Có cố hết sức lục lọi tìm trong giáo lý Phật thì cũng chẳng thể nào tìm ra được điều Ngài dạy khi cúng bái phải đốt vàng mã, quăng gạo muối ra đường... Thế nhưng, trải qua sự biến thiên của thời gian, quá trình giao lưu với nhiều nền văn hóa, người đời lại tam sao thất bản, tưởng tượng, thêm bớt, suy diễn, nhào nặn... Quan niệm gốc trên tinh thần từ bi của đạo Phật, việc cúng bái cùng với những thói quen lai căng ấy choàng vào cái tham, sân, si. Qua nén hương, họ mong thánh thần, người âm phụ hộ độ trì sức khỏe dồi dào, mua may bán đắt, tiền tài tấn tới, công thành danh toại, bền vững dài lâu. Nhưng cái cảnh đàn ong tan tác, vỡ tỗ, mất nhà kia ngẫm suy mãi cũng khiến nó chạnh lòng.

Dân tình, thể trạng non sông hiện nay như đàn ong trên đầu ngọn khói. Có ai đó nói rằng: "Càng lắng nghe những thông tin đa chiều, càng tiến gần hơn đến sự thật". Thế nhưng, cái làn khói đa mục đích cực đoan, hung hăng, độc đoán và bao trùm tầng tầng lớp lớp kia khiến đàn ong nhỏ bé hoảng loạn, mất phương hướng, trốn chạy, lánh xa, ẩn nấp. Trong cơn mây mưa mịt mù chó mèo lập dị, họ đã quên mất một điều, người người, nhà nhà thất nghiệp, kinh tế, văn hóa xã hội be bét, thượng tầng tham ô, tranh dành, mất đoàn kết, đấu đá... liệu có đủ sức nuôi dưỡng làn khói vô hình đáng sợ ấy không? Và duy trì được bao nhiêu lâu nữa?

Thực tế, ong chưa bao giờ vô cớ khi đốt, khi chích con người! Nếu chúng đã đốt, chúng đã chích thì không thể nào kiểm soát nổi...

MP

Xem thêm:
- Thấy được gì qua những giọt nước mắt
- Thằng Đờ đó đây
- Hiệu ứng nhịn ăn


No comments:

Post a Comment