Có một nhà báo viết trên ViêtNamnet một câu vè: "Mong ông công tác dài lâu/ Để ông xây tiếp vài cầu cho dân" để ca ngợi một ông Chủ tịch TP. Từ đó, tôi hiểu rằng, nhà báo cũng có dăm bảy nhà báo. Có lẻ, tôi còn nhỏ tuổi, nhưng tôi cam đoan chắc rằng, từ khi tôi sinh ra đến nay đã hơn 30, đã đi khắp hang cùng ngỏ tận của thành phố biển này, chưa nghe ai đọc câu vè này cả, cái tôi được nghe là: "Trời cũng Thanh, Đất cũng Thanh"
Nhìn lại quá khứ, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang .., là một trong những thành phố lớn trước giải phóng, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ, dân trí tương đối tốt. Sau giải phóng, Đà Nẵng là một thành phố trực thuộc tỉnh QN-ĐN, chính vì thế, muốn phát triển nó, phải song song với sự phát triển của Quảng Nam, đó là sự suy nghỉ trăn trở của nhiều vị lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ, khó khăn của các huyện miền núi luôn đè nặng lên vai. Ngày 01/01/1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc TƯ, tách ra một Quảng Nam khốn khó để chuyển mình thay đổi . Không phủ nhận vai trò ông Thanh, nhưng so với các tỉnh lân cận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, ông ta may mắn hơn các lãnh đạo của các tỉnh đó nhiều . Với số dân dưới một triệu, đa số sống ở thành thị, có nền tảng tri thức, vốn ngân sách như nhau, địa hình nước non đẹp, sự thuận lợi này không phải ai cũng có được.
Thế là, Đà Nẵng chuyển mình bằng việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị ... Cái dể cho họ thấy nhất là hình thức bên ngoài, cái thất thoát cao nhất là xây dựng cơ bản, thật cao thủ. Cầu sông Hàn không thể so sánh với Tràng Tiền về cái đẹp, cũng không thể so sánh với Mỹ Thuận về độ hoành tránh và hiện đại, nhưng nó là biểu tượng của Đà Nẵng bởi một giai thoại khác. Khi vừa khánh thành xong, có 2 nhân vật nổi tiếng phải ra Hà Nội, ông Giám đốc một công ty xây dựng (tầm cở quốc tế duy nhất lúc đấy ở VN) bị di lý để điều tra và ông Giám đốc công an chuyển công tác lên Bộ. Phiên toà đã được xử, trong các tội của ông Giám đốc xây dựng kia, có tội hối lộ, nhưng nhân vật nhận hối lộ không 'xuất hiện' . Có lẻ, nhân vật ấy là "ma quỷ" nên thoát được "lưới trời" . Hy vọng, cái chết trước không đau đớn bằng cái chết sau.
Dẹp yên "phiến loạn", gặp thời quả bong bóng thị trường đất đai, địa ốc ... Đà Nẵng tập trung lên sơ đồ quy hoạch, con đường, điện, nước .., thế là những nền nhà hình chữ nhật hình thành nên với giá ngày sau cao hơn ngày trước . Người dân đang trong hẻm trở thành mặt tiền, họ "thờ sống" người chỉ đạo. Người dân được đền bù, giải toả thì có một số tiền mặt trong tay, họ sắm sửa, ăn nhậu ...Cái điều cơ bản là "chuyển đổi nghề nghiệp" thì họ lại mạo hiểm đánh đố với chính bản thân mình và bởi chính những đồng tiền nhỏ nhoi trước mắt, họ mơ hồ sự thất nghiệp trong tương lai. Rồi, luật đất đai chưa được rõ ràng, chính sách chưa được minh bạch, một số kẻ cơ hội phất lên, người thiệt thòi thì kiện tụng, kiện địa phương không được thì ra trung ương, khiếu kiện kéo dài.
Hai ông trong Bộ chính trị thời ấy là Trương Quang Được và Phan Diễn từng làm bí thư Đà Nẵng.
Theo đà bong bóng địa ốc, đất đai, người dân rủng rỉnh tiền bạc, cán bộ rủng rỉnh tiền bạc, nhậu trở nên nổi tiếng ở Đà Nẵng. Quán nhậu mọc khắp nơi, đủ mọi kiểu . Có người nói, Đà Nẵng nhậu nhất nước, người đứng đầu TP phản bác là chưa tổ chức thi sao biết là nhất. Gớm! thấy đã khiếp rồi, ai dám thi, mà tâm lí người đời, chẳng ai đầu tư thời gian chế tạo một cái đồng hồ rồi đem thi thố với đồng hồ Thụy Sĩ.
Chỉnh trang đô thị, cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng phát triển du lịch, dịch vụ. Công viên nước được xây dựng, rùm beng được mấy ngày, bây giờ vắng hoe, báo lổ. Sài Gòn làm công viên nước vì người dân họ muốn tắm biển phải xuống Vũng Tàu, Phan Thiết, đã thế dân họ đông, cách đầu tư quy mô và chuyên nghiệp. Đằng này, chỉ cần thấy người dân ĐN trong những buổi chiều hè ở biển là đủ hiểu. Ngồi trên cáp treo ngắm Bà Nà, bé tẻo tẻo, khu du lịch công doanh thì điều hiu, khu du lịch tư doanh thì loè loẹt, màu mè, nghe đâu đã chuyển sang chủ khác, mong ông chủ mới có cái gì đó hay ho hơn.
Trên Bà Nà, phát hiện một tượng Phật thật to, xuống Hoà Minh, thấy một tượng Phật rất to, lên Sơn Trà lại một tượng Phật quá to, du chơi Non Nước cũng một tượng Phật to. Phật khuyên đừng sân si, sao người ta lại tạo Ngài mỗi lúc mỗi to. Ông trưởng Hội Mỹ Thuật Đà Nẵng, ông học chuyên ngành Tạo hình, sao ông không có đề xuất gì để Đà Nẵng có một Tượng xứng tầm.
Dọc theo con đường Sơn Trà Điện Ngọc, toàn là rì- sọt, khách sạn, nhiều khủng khiếp, nhiều đến tận Hội An. Và con đường ven biển ấy không làm sao nhìn thấy biển được, một bức tường vô cảm và phản cảm đã được xây lên, kéo dài qua tỉnh bạn. Các khu du lịch đấy được "sở hữu" vài chục năm trở lên, có nghĩa là người dân không thấy biển trong vài chục năm, và có lẻ... vài chục năm cũng có thể là đời người. Biết bao làng chài đã được đánh đổi cho nó.
Bác taxi tại sân bay Đà Nẵng nói rằng, khách du lịch xuống sân bay thường đón xe đi Huế hay Hội An luôn, họ nói, buổi tối ở Đà Nẵng buồn và tẻ nhạt lắm. Đúng thật, thành phố du lịch gì mà lâu lâu mới thấy một ông Tây, thỉnh thoảng mới xuất hiện một bà Tàu.
Để quản lí trật xã hội, công an thôi chưa đủ, một lực lượng gọi là Thanh niên xung kích, tuyển chọn chủ yếu từ bộ đội nghĩa vụ xuất ngũ, hùng hùng hổ hổ một thời. Bây giờ, chẳng thấy tăm hơi. Nhiều người đến Đà Nẵng ngạc nhiên thấy không có ăn xin, đúng rồi, rác đã vứt qua hàng xóm láng giềng, tuy không thấy rác, nhưng mùi hôi thối thì cùng ngửi chung.
Đã nói đến hôi thối, là nói đến môi trường . Chi không biết bao nhiêu tiền để xử lí nước thải, sao mà biển cứ hôi. Có lẻ, tiền mua hoá chất tốn quá, đóng van . Rồi cái chuyện cây xanh, đường Nguyễn Văn Linh thì nồng nặc hoa sữa, đường Nguyễn Tất Thành thì trơ trọi, xác sơ, đường Lê Lợi thì có thân mà không có lá, trong khi Đà Nẵng thiếu cây xanh trầm trọng, đang tiến hành một dự án hành chục tỉ đồng cho cải tạo cây xanh.
Cuộc họp Hội đồng Nhân dân TP mới đây, chỉ có vài vị phát biểu, còn lại, ngồi im re. Chủ toạ cười thì cười theo, chủ toạ "nhăn" thì cúi mặt. Mà đúng là Đà Nẵng ít "tiêu cực" thật, đến nổi các vị đại biểu nhân dân ngồi lắng nghe chủ toạ nói chuyện về sân gôn gần nữa tiếng. Chủ toạ khoe là có một bộ gậy gôn nhưng không dám chơi, sợ bị "nghiện", thật khôi hài, tất cả các lãnh đạo VN sống chân chính bằng đồng lương thì sao có thể đủ tiền chơi gôn được .Người ta làm sân gôn để kinh doanh, chẳng lẻ xin chơi chùa.
Muốn phát triển mạnh hơn nữa, Đà Nẵng có chính sách thu hút người tài, nhưng "
người tài lại cứ tạt ngang" như một tờ báo đã nhận định. Trước khi cầu tài thì bản thân mình phải cầu thị . Ai đời, một đội bóng đá lại sợ ông chủ tịch hơn là HLV, ai đời, một chủ tịch lại ra sân chỉ đạo đội bóng thay cho HLV. Vị HLV đó chuyển sang làm việc cho Bình Dương và giúp cho đội bóng này 2 cúp vô địch liên tiếp. Tài thì không biết tới đâu, nhưng tuỳ hứng và thiếu chuyên nghiệp thì quá rõ.
Quốc hội vừa họp xong không lâu, báo đài được bắn tin, Đà Nẵng xin bầu Trực tiếp Chủ Tịch thành phố. Hết pháo hoa, đi bộ, rồi đến bầu trực tiếp, hãy giải quyết được mối quan hệ giữa một Chủ tịch dân bầu không Đảng và Thành uỷ rồi hãy phát ngôn. Nhà văn Đào Hiếu gọi đây là "
Bánh vẽ".
Rạp hát Trưng Vương củ bị phá bỏ khi đang ở độ tuổi đôi mươi, rạp Trưng Vương mới với kiến trúc mới không biết hưởng dương bao nhiêu tuổi. Cây cầu Thuận Phước chưa xong, hai cầu khác lại tiếp tục tiến hành.
Còn vài ngày nữa là tết con Trâu, một cuộc đình công của công nhân đã diển ra trên địa bàn TP, họ chưa nhận được tiền lương tháng 13.
Chuyện không hay còn rất nhiều, chuyện hay thì báo, đài đã dành hết. Hậu cầu sông Hàn đang diển biến phức tạp. Bong bóng bất động sản bay rồi đến ngày cũng nổ tung hoặc xì hơi. Đà Nẵng đường xá đã đẹp hơn, đã có cao ốc, siêu thị, có nhiều người sắm xe ô tô, biết ăn ngon mặc đẹp, nhưng nền tảng của sự bất ổn đang được chôn bởi một lớp cát mỏng. Thiên tai, mưa bão sẽ làm lộ ra ngay.
Ngày cuối năm Mậu Tí, nhìn đất nước từ cảm nhận thành phố nhỏ bên sông Hàn.
MPXem thêm:-
Khôn khéo ngụy biện lấn át thiện tâm
- Quá ẩu hay là sự ngây thơ đầy toan tính