Monday, May 13, 2013

Chúng ta đã hết lòng với dân chưa?

>> Hàn Quốc xin lỗi vì quan chức 'sàm sỡ'
>> Bệnh ấu trĩ dân chủ
>> Cuối năm sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng (mèo vẫn hoàn mèo)
>> Hãy biết điều với sức mạnh của tiền bạc
>> Bác bỏ phương án đưa ông Nguyễn Bá Thanh vào BCT, tôi nhìn nhận đó là bước phát triển đáng mừng. (đọc lời bình của Bọ Lập mới thấy đểu .., chứ không phải ông Thanh biết "đội xã tắc lên đầu" hả Quê Choa)


Năm 2000, trước thực trạng khiếu kiện đông người tại các địa phương, Chính phủ đã có sáu đoàn công tác về tận những điểm nóng. Ít ai biết trước đó đã có một cuộc “tiền trạm” của Quốc hội và Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn và bà Nguyễn Thị Hoài Thu dẫn đầu với điểm nóng đầu tiên là Long An.

CHUYỆN "CÔ THÌN, CÔ TỴ" TIẾP DÂN

51 hộ dân ở khu vực Mũi Tàu, phường 2, thị xã Tân An bức xúc việc chính quyền đã thông báo rộng rãi về việc bồi thường mỗi mét vuông đất giá 600 ngàn đồng nhưng sau đó chỉ hỗ trợ di dời 250 ngàn đồng.

Ông già Dương Văn Nguyên nói rằng đất ông có hoạ đồ nhà và chứng từ thổ trạch từ mấy chục năm, đóng thuế đất đầy đủ nhưng bị kết luận là chiếm đất đường ray xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho cũ nên không đền. Một phần đất khác của ông không được cấp “sổ đỏ” dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Vì vậy nhà đã nghèo, giờ càng túng vì không có “sổ đỏ” để thế chấp vay vốn. Mỗi lần đến Sở Địa chính hỏi thì cô Thìn, cô Tỵ nào đấy ở Sở cứ hẹn nay hẹn mai.

Giám đốc Sở Địa chính nói đây là lần đầu tiên ông biết chuyện này. Bà Hoài Thu “vặn” luôn: “Quy định giám đốc Sở mỗi tháng phải tiếp dân một lần, anh có thực hiện không? Nếu anh tiếp dân thì sao giờ anh mới nghe chuyện này? Hoặc anh đã bỏ tiếp dân, hoặc anh quá quan liêu! Công việc ở Sở quá tải hay cô Thìn, cô Tỵ nào đó muốn cái gì?”.

Phó Thủ tướng quay sang ông giám đốc, quyết luôn: Không thể bắt dân chờ nữa. Ngay trong chiều nay phải cấp xong cho trường hợp này. Nếu anh không làm xong thì yêu cầu chủ tịch tỉnh kiểm tra luôn cả anh”.

Ông già Dương Văn Nguyên nói rằng việc hỗ trợ di dời 250 ngàn đồng/m2 là không thoả đáng. Phó ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cho rằng họ đã vận dụng Nghị định 90, đền bù vậy là đúng vì những hộ này chưa có “sổ đỏ”.

Cả Phó Thủ tướng và bà Hoài Thu đều không đồng tình. Phó Thủ tướng cho rằng vận dụng như thế là sai. Bởi Nghị định 90 quy định những người chưa có “sổ đỏ” nhưng đã sử dụng đất ổn định, lâu dài, đủ điều kiện được cấp “sổ đỏ” thì phải bồi thường như với những người có “sổ đỏ”, chỉ trừ đi nghĩa vụ tài chính. Ở đây, người dân đã sử dụng đất liên tục từ năm 1953 nên họ xứng đáng được hưởng bồi thường.

Bà Hoài Thu: “Dân chưa được cấp “sổ đỏ” là do lỗi của các anh. rồi các anh lại viện cớ chưa có “sổ đỏ” nên không bồi thường. Vậy là sao?”. Hết buổi làm việc, khi Phó Thủ tướng và bà Hoài Thu chào mọi người thì vẫn có một cụ già tóc bạc đứng dậy, giơ tay xin phát biểu. Ông lập tức bị một người khác nắm áo: “Thôi ông ơi, sướng quá trời rồi còn đòi hỏi gì nữa?”.

Ông già cười ngượng nghịu: “Tui có đòi thêm gì đâu. Chỉ muốn nói lời tri ân với cô Hoài Thu và Phó Thủ tướng thôi mà!”.

BỨC VĂN THƯ TRƯỚC NGÀY XỬ BẮN

Phiên toà sơ thẩm tuyên án tử hình Lê Bá Mai về tội giết người, hiếp dâm. Nạn nhân là một em bé ở xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Lời khai nhân chứng đầy mâu thuẫn và có biểu hiện được mớm cung, cơ quan điều tra vi phạm tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, không đối chất, không nhận dạng nạn nhân, vi phạm thẩm quyền trong một số thủ tục. Mai kêu oan rằng bị nhục hình, bị cán bộ điều tra đánh đập.

Mai đáng chết nếu anh ta là thủ phạm. Nhưng không đủ chứng cứ kết tội thì không thể tuyên án như thế. Báo Pháp Luật TP.HCM có bài phân tích và đề cập những băn khoăn. Tuy nhiên sau đó, toà phúc thẩm vẫn tuyên y án tử hình. Mai chỉ kêu oan, không xin khoan hồng. Vì vậy việc xử bắn có thể bị thi hành bất kỳ lúc nào.

Cha của Mai gửi thư thống thiết: “Mai mới 20 tuổi, là con trai duy nhất nhưng nhà quá nghèo phải từ Thanh Hoá vào Bình Phước làm thuê nuôi cha mẹ già. Hàng chục liệt sĩ của gia đình tôi đã hy sinh trong kháng chiến. Nay đất nước đã thái bình. Bản án oan này khiến dòng họ tôi tuyệt tự!”.

Cùng với việc tìm hiểu và viết bài, Báo Pháp Luật TP.HCM đã gửi thư cho Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu. Thêm một lá thư gửi Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Thư viết: “Là những nhà báo, chúng tôi hoàn toàn không thể yên tâm nhìn một con người bị tước đoạt mạng sống với những căn cứ không rõ ràng, đầy mâu thuẫn và quá trình tố tụng có nhiều vi phạm”.

Mười giờ tối, điện thoại toà soạn reo. Số máy Bưu điện hệ 1 trung ương. Đầu dây, nữ thư ký của bà Hoài Thu gọi: “Tôi đã nhận hồ sơ, chị Thu đã đi nước ngoài và giao cho nhóm chuyên viên nghiên cứu. Trước khi lên máy bay, chị đã gửi thư hoả tốc cho Chủ tịch nước”. Sau đó, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thế Vượng gửi công văn đến Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị xem xét. Hai tháng sau, TAND tối cao có văn bản gửi bị cáo cho biết không kháng nghị giám đốc thẩm. Án tử hình được giữ nguyên. Lại thêm những lá thư công tác và công văn được bà Nguyễn Thị Hoài Thu gửi đến các cơ quan chức năng. Tháng 12-2006, VKSND tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm. Kết quả là án tử hình Lê Bá Mai bị huỷ để điều tra lại từ đầu.

Tiếp xúc với phóng viên, bà Hoài Thu xúc động nhưng chỉ nói: “Dù vụ việc không thuộc thẩm quyền của tôi và Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, nhưng tôi nghĩ đã là đại biểu thì phải bảo vệ quyền lợi cho người dân cả nước. Mình là đại biểu, không thể làm ngơ trước số phận của dân. Việc tôi làm là bình thường!”.

HẾT LÒNG VỚI DÂN CHƯA?

Nhiều lần tiếp xúc với bà, bao giờ trong câu chuyện tôi cũng thấy bà đề cập đến những người dân với thái độ trân trọng. Đôi khi bà còn bức xúc vì chuyện này, chuyện kia sao không thấy báo chí lên tiếng.

Tuy nhiên, chưa bao giờ thấy ở bà những hành xử kiểu lấy lòng số đông. Trước mỗi việc, bao giờ bà cũng tỉ mỉ tìm hiểu rõ ràng nguồn cơn, đặt mình vào cả vị trí người dân và người bị giám sát để cân phân hơn thiệt.
Có lần, khi giám sát một trường hợp khiếu kiện ở Hà Nội, bà đã dành ra hàng tháng để xem xét, xuống tận hiện trường gặp dân tìm tư liệu. Sau đó, bà nhận định chính quyền đã làm đúng. Người phụ nữ đứng đơn kiện đã chặn xe bà và gào lên “Bà Thu bao che cho tham nhũng!”. Thế nhưng khi bà hỏi từng câu khúc triết xem bao che chỗ nào, bao che thế nào thì người này không nói được. Bà cười: “Nhà báo thấy không, tôi cũng bị oan đó chớ!”.

Cũng có những việc bà Hoài Thu trăn trở đến tận bây giờ. Đó là chuyện ông Phạm Tấn Học ở Phan Thiết. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, sau đó về sinh sống tại Phan Thiết. Sau 1975, ông có căn nhà cho Sở Y tế mượn rồi vào TP.HCM sinh sống. Khi ông quay về đòi nhà, địa phương đã dựng lên câu chuyện ông Học đi vượt biên bị bắt nên không trả.

Bà Thu đã vào cuộc giám sát, tuy nhiên với những căn cứ vô lý, tỉnh Bình Thuận vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Bà nói rằng tận khi về hưu, nghĩ lại chuyện này bà vẫn còn day dứt, thấy chưa làm tròn trách nhiệm với dân.

Bà nói phàm là con người không ai toàn vẹn nhưng đã là đại biểu của dân thì phải luôn tự chất vấn: “Mình đã hết lòng vì quyền lợi của dân chưa?”. Câu hỏi ấy, trong suốt 31 năm làm đại biểu Quốc hội bà luôn tự hỏi mình. Những gì người đại biểu nhân dân ấy đã làm, bản thân nó đã là câu trả lời đầy thuyết phục.

Nguồn: Facebook Bố cu Hưng
(ngày xưa viết để lên chức, ngày nay viết như c..)

P/s: Hic, cần gì phải vào BCT mới làm được việc, chỉ cần như bà nghị này đã là quá thuyết phục rồi...

Xem thêm:
- Con bò và Đức Hiển
- Luật và người hiểu luật
- Để Quốc hội bãi miễn thì không chỉ mất chức, mà danh dự cũng chẳng còn?


No comments:

Post a Comment