Hàng ngàn gái mại dâm từ các trung tâm “phục hồi nhân phẩm” khắp mọi nơi trong cả nước đang và sẽ tiếp tục được trả về cộng đồng, “hòa nhập” với cuộc sống đời thường…
Trong cái nghiệp chướng bán thân có nguồn gốc lâu đời và đa dạng như hiện nay,
Họ, có thể là hoa hậu, hoa khôi, diễn viên, ca sĩ, người mẫu, nhà báo, tiếp viên hàng không, nhân viên du lịch.., nhưng hầu như là không có việc làm, không có nghề nghiệp.
Họ, ai cũng có một gia đình, một tổ ấm.., nhưng một bộ phận không nhỏ từ lâu đã sống một cuộc đời đơn độc, không nơi nương tựa, bị những người thân yêu lạnh nhạt, từ chối, ruồng bỏ.
Phạt hành chính
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (từ ngày 01/07/2013), trong thời gian sắp đến sẽ không áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chửa bệnh đối với những người bán dâm. Người có hành vi bán dâm sẽ chỉ bị phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, đây là một quyết định đầy tính nhân văn, thế nhưng sau khi điều luật này khả thi, hàng loạt gái mại dâm được tự do mà cách thức quản lý làm sao cho thấu đáo vẫn làm đau đầu nhà công vụ, hậu quả của nó vẫn thách thức dư luận xã hội…Ai dám đảm bảo rằng họ không quay về lối cũ và nguy cơ hoạt động mại dâm sẽ bùng phát trên diện rộng...
Đối với những nước hợp pháp hóa mại dâm, những công dân hành nghề này phải có giấy phép và buộc phải đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, những ai hành nghề chui sẽ bị cảnh sát bắt và bị trừng trị theo luật định.
Ở nước ta, mại dâm là vi phạm pháp luật, nhưng nếu ai đó nghĩ đến việc triệt tiêu nó thì là một điều không tưởng. Nền kinh tế hiện tại lại đang lâm trọng bệnh, người bình thường, học hành đàng hoàng còn kiếm việc không ra huống hồ gì những cô gái đầy mặc cảm kia, cách nhìn xã hội lại vẫn chưa thông thoáng, cởi mở. Có một điều nghịch lý nữa, theo một tờ báo nhận định đã lâu, gái mại dâm có lợi… khi khủng hoảng tài chính, khi kinh tế khó khăn.
Vậy cũng đừng ngạc nhiên nếu “ngựa quen đường cũ”, điều cần cảnh báo ở đây chính là những căn bệnh đặc thù mà gái mại dâm thường mắc phải, trong lúc khách làng chơi không phải ai cũng đủ khả năng để bảo vệ mình. Căn bệnh bắt đầu từ gái mại dâm, xâm nhập vào khách làng chơi rồi lây lan cho những người thân, gia đình của họ, hậu quả xã hội sẽ khôn lường.
Trong những điểm mát-xa, hãy quan sát những cô gái mỏng manh kia đang làm gì, đếm họ có bao nhiêu người?
Trong những hộp ka-ra-ô-kê, hãy quan sát những cô gái chân trần váy ngắn tiếp viên kia đang làm gì, đếm họ có bao nhiêu người?
Trên những con đường về khuya, có bao nhiêu cô gái đang đứng dưới gốc cây, dưới những ánh đèn điện le lói, họ đang làm gì và họ có bao nhiêu người?
Một sự thật đành phải chấp nhận nữa đó là “Đĩ thì hầu như không có tuổi”…
Tản mạn một khía cạnh nhỏ của luật để hiểu những người làm luật, những người hành luật cũng như thể chế, nền chính trị đất nước.
Chính trị ví von...
”Đồng chí X”, cái cụm từ bỗng trở nên nổi tiếng do sự nhầm lẫn rất cẩn thận của chủ tịch nước Trương Tấn Sang khiến mọi người bàn tán xôn xao. Tại sao lại là nhầm lẫn, vì có đốt đuốc soi từ đầu đến cuối danh sách tên các vị ủy viên Bộ chính trị đường thời thì cũng có tết Công-gô mới tìm ra được đồng chí nào tên là X. Ông Sang tiếp xúc cử tri và cổ vũ người dân đồng lòng, dũng cảm chống tham nhũng, mọi ánh mắt đổ dồn hy vọng về ông để minh chứng cho khẩu hiệu muôn thủa ‘công khai, minh bạch’ rồi đắng ngắt tắt lịm khi cụm từ bất hủ kia phát ra.
Tôi chẳng bao giờ nghi ngờ cái tâm của một người có khuôn mặt như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi biết ông thật lòng. Nhưng thời cuộc đã phát họa hết trong tiếng nghẹn của ông khi đọc bài bế mạc hội nghị trung ương 6 và khái niệm “không kỷ luật một đồng chí trong bộ chính trị” như căn bệnh nan y của tổ chức mà ông là người đang cầm trịch. Không ít người đặt dấu chấm hỏi về cái tầm của ông, riêng tôi, ông không tầm thường chút nào. Một quốc hội mờ nhòa bấy lâu nay qua tay ông bỗng vụt sáng để thắng phiểu bác bỏ thẳng thừng dự án xây dựng đường cao tốc, điều có nằm mơ người dân cũng không tưởng tượng ra nổi. Vừa rồi, hội nghị trung ương 6 diễn ra bất ngờ, bất thường cùng với sự “hóng hớt” tin trên mạng, người dân đã ít nhiều hiểu được tình trạng kinh tế của đất nước, sự điều hành của chính phủ và cái xấu đã ít nhiều giật mình thủ thế, chùn bước, đề phòng, run sợ. Có những kẻ đã dùng những từ nặng nề và muốn khai thác sâu vào bản chất vấn đề (cái-mà-mọi-người-thừa-biết-là-cái-gì), chuyện đó không có gì bất ngờ, vì đơn giản, họ là người ngoài cuộc và một số ít trong họ còn ôm mối hận thù riêng tư trong quá khứ. Luật nhân quả không dành riêng cho ai, nó ban phát công bằng cho mọi người, cứ gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy.
Thế là một lần nữa nhân dân lại được thấy hình ảnh thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng thẳng lưng đấm ngực trước quốc hội nhận trách nhiệm về những yếu kém của mình trong việc điều hành chính phủ, và bản báo cáo vẫn nêu bật những thành tích, những chỉ số hứa hẹn nhiều đổi thay tốt đẹp. Mấy chục năm nay, quốc hội và đại biểu quốc hội đến hẹn lại lên, nhiều vấn đề cần khẩn cấp giải quyết như đất đai, tăng lương, thuế thu nhập cá nhân, biểu tình… vẫn dây dưa kéo dài, vẫn mờ nhòa âm ỉ. Trong suốt thời gian dài, một vài tờ báo quốc doanh vẫn cố bám níu vào những phát ngôn có sức “đột phá” mong dẫn dắt dư luận đến những giấc mơ đẹp, và hình ảnh ngài đại cử tri, vị trí thức khả ái, không đảng kia luôn xuất hiện liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng với những câu nói thật nóng, thật sắc sảo, ngài đã sống trong lòng người dân với những hoài niệm trong lành, tích cực. Xin thưa, vở kịch đã kết thúc, đến lúc phải hạ màn, và một lần nữa xin thưa với ông, hãy nói rằng chính lòng ông rất an với thông điệp của thủ tướng. Cái phản ứng rất thật, rất đắt khi nghe ông phát biểu trên truyền hình xin dành cho bạn đã có phản hồi “Tui muốn ném chiếc dép cho bể cái ti vi”. Đất nước đang ở đâu, thực trạng đất nước đang thế nào, ông là người phải rõ hơn ai hết?!
Chế độ nào cũng vậy, dân chủ văn minh hay lạc hậu hoang dã cũng đều phải nuôi dưỡng hệ thống an ninh của mình, ở nước ta gọi là công an, quân đội. Nói như triết học, đơn giản đó chính là công cụ bạo lực của một thể chế, nó sống được, tồn tại được nếu như thể chế đó sống được, tồn tại được. Ông bà ta nói “ăn cơm chúa, múa tối ngày”, vậy đừng có buồn cười quá khi một ngày nào đó nghe vị đại tướng kia nói rằng “Nếu chúng ta đoàn kết ổn định ủng hộ Thủ tướng thì nhất định việc gì cũng thành công”, vị thiếu tướng nọ nói rằng “Lo được cho dân như thế là đáng mừng”. Sẽ cũng hết sức thừa nếu ai đó ráng gân cổ ra mà cãi “cơm các vị ăn không phải là cơm chúa” mà là cơm từ thuế, từ tiền người dân đóng góp. Họ dư sức hiểu điều đó, trí khôn của họ đủ khả năng điều khiển cái lưỡi của họ biết nói sao cho có lợi nhất, nếu không có lợi thì còn lâu mới cậy được họ mở miệng.
Có ai đó đề nghị hãy từ chức nhân dân đi, đúng là ngu muội và hoang tưởng, từ cổ chí kim cho đến nay làm gì có cái chức danh nào mang tên là nhân dân, chỉ có cái loại nhân dân nào đó tự diễn biến để biến mình thành cái gì đó… rồi tự xưng là đại diện nhân dân, nhân danh nhân dân, thay mặt nhân dân, thậm chí quay ngược lại chê nhân dân ỷ lại, chê dân trí thấp. Nếu "nhân dân" mà được gọi là "chức vụ" thì cái nhà nước này có loạn lên đấy chứ.
Khắc khe đến thế! Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng lên tiếng kêu gọi Miến Điện hãy tiến hành cải cách dân chủ khi Việt Nam ngồi ghế chủ tịch ASEAN năm 2010, và người đứng đầu nhà nước Miến Điện hình như đã biết tiếp thu. Trong hai năm gần đây, thái độ can đảm của vị lãnh tụ nước này đem lại một mùa xuân dân chủ và hòa giải cho nhân dân họ, thế giới ngượng mộ nhìn nhận sự đổi thay đó như một phép lạ, một điều kì diệu. Thế rồi đến hôm nay, tổng thống Miến Điện có thể tự hào tuyên bố không còn sợ báo chí và Myanmar cho phép tư nhân xuất bản báo chí, họ chuyển biến một cách kinh ngạc, mà điều quan trọng nhất chính là sự chuyển biến về ánh sáng mặt trời, về chân lý, về những điều tiến bộ mà loài người hằng mong ước. Việt Nam thì sao, chắc chắn một điều rằng là không thể có báo chí tư nhân, đã thế, cái quyết định 7169 của chính thủ tướng coi như đã đặt dấu chấm than dập tắt niềm hy vọng lé loi về một nền thông tin đa chiều thông thoáng và cởi mở.
Thật tếu cho những ai phí công nhắc nhở đi nhắc nhở lại cái câu nói vang bóng một thời “nếu không chống được tham nhũng, tôi sẽ từ chức”. Và thật xót xa cho những ai cố hy vọng “yêu nhất sự trung thực, ghét nhất sự giả dối”, định nghĩa lòng tự trọng như thế nào để làm điểm tựa cho chân, thiện, mỹ tìm về tỏa bóng che mát nhân sinh.
Thực tế vẫn là thực tế, một nền kinh tế thị trường hoang dã, một nền tài chính thiếu minh bạch đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng, lạm phát tăng nhanh, các doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ thua lỗ kéo dài, dẫn đến phá sản hàng loạt, người dân đối diện với tình trạng thất nghiệp cộng hưởng theo những hệ lụy xã hội nghiêm trọng khác. Và xin nhắc lại, như một bài báo đã nhận định, gái mại dâm có lợi… khi khủng hoảng tài chính.
Các cô gái thất nghiệp lại đứng đường, ai thủ đoạn và lật lọng hơn sẽ trở thành những điếm chúa, và điếm chúa sẽ lên ngôi.
MP
Xem thêm:
- Nghe lại tiếng chửi
- Tiết kiệm Thủ tướng
- Hắn làm chính trị