Saturday, February 8, 2014

‘Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười!’

>> Hàng nghìn người Sài Gòn xếp hàng mua McDonald's
>> 5 điều thích và không thích khi McDonald vào Việt Nam
>> Lá thư người lính biên giới phía Bắc đến tay bạn gái sau 34 năm
>> Flappy Bird: Người Việt đố kỵ, thế giới tung hô
>> Người thi hành công vụ phải bồi thường khi gây ra thiệt hại


(TNO) - Những ngày đầu năm Giáp Ngọ đọc bài "Thiếu kiến thức và sĩ diện: Người Việt quá dễ dãi với giá cả" của tác giả Hoành Nhật Phong đăng trên báo Thanh Niên Online mà cảm thấy buồn cười, nhưng bài báo cũng gợi cho người đọc nhiều trăn trở suy tư…

Điều buồn cười ở đây là cái cách nhìn nhận về tính tiêu cực hay tích cực của “một bộ phận nào đó trong xã hội” lại được choàng lên khái niệm “người Việt” hết sức mênh mông, và nhiều khi cái “tính xấu” hay “tính tốt” ấy nó lại là bản chất rất “người” tồn tại khắp mọi nơi trên trái đất này.

Ngôn từ “thiếu kiến thức và sĩ diện” là cách dùng chữ có tính chất tương đối chung chung, rất khó quan sát thấu đáo được vấn đề.

Kiến thức tiêu dùng, cách thức tiêu dùng có được là do quá trình tiếp nhận thông tin trong một môi trường xã hội cụ thể và tâm sinh lý riêng của từng con người. Cũng như khái niệm “dễ dãi”, có thể ai đó rất thoáng với món hàng này nhưng rất khó với món hàng kia, và nhãn quan “sĩ diện” cũng từ đó được đưa ra với những mức độ “vô tư” khác nhau, với những lý do khác nhau và đều “có lý” cả.

Có những món hàng chúng ta có thể định lượng được, nhưng có những món hàng chúng ta khó hoặc không thể định lượng được. Xăng, điện… là chuyện độc quyền của nhà nước, người tiêu dùng chỉ biết trả tiền và cùng lắm là than thở. Khi xăng, điện… tăng dẫn đến tất cả các mặt hàng cũng tăng, mỗi người chúng ta chỉ có thể kinh doanh một số mặt hàng và tiêu dùng một số mặt hàng khác, rồi tất cả cuống cuồng bị chi phối của cái vòng xoáy “tăng” hay “giảm” ấy…

Điều cốt lõi của sự bát nháo giá cả hiện nay phụ thuộc vào sự điều hành ở tầm vĩ mô của nhà nước. Người tiêu dùng có cố gắng lắm thì cũng chỉ “thông minh” được một số món hàng, cái còn lại là ở khả năng quản lý khoa học của nhà nước, ở các cơ quan công quyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cái người dân cần là cần một nền kinh tế thị trường minh bạch tiên tiến, hợp lý và tuân thủ luật định, thượng tôn công lý, đó mới chính là tiền đề cơ sở cho sự “thông thái” của người tiêu dùng được mở mang chấp cánh. Một nền kinh tế tiêu tiền mặt khó có thể kiểm soát nổi như ở Việt Nam thì điều gì mà chẳng có thể xảy ra.

Sĩ diện ư?

Nhà đài có chương trình “Hãy chọn giá đúng”, nhưng biết đâu đấy, nhà đài cũng có nhiều chương trình hoành tráng, phù phiếm và… vô cùng lãng phí.

Đại gia Lê Ân mua “chiếc giường 6 tỉ đồng” làm tốn giấy mực giới truyền thông, nhưng biết đâu đấy, ông ta không mua cái giường ấy cho vợ chồng ông ta ngủ mà chỉ để cho mọi người thăm quan và… thu phí.

Có người viết trên facebook rằng: “Ai đó nói người Việt dễ dãi với giá cả vì thiếu kiến thức và sĩ diện thì mình không tin. Chắc có một số nào đó thôi. Còn giá ly cà phê ở Sài Gòn quá đắt vì lý do vị trí, cảnh quan và cách phục vụ, chứ cà phê ngon rẻ thì thiếu gì!”. Người viết đồng thuận với nhận định này.

Nhớ lại câu chuyện dân gian xưa, thằng Bờm có cái quạt mo, phú ông gạ gẫm hàng loạt những thứ cực kỳ cao sang quý giá, nhưng Bờm lắc đầu nhất định không chịu. Thế rồi, “phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười” và đồng ý.

Ở đời, sự thiếu hiểu biết và sĩ diện đôi khi bị những người quan sát khó tính cho là bờm, thế nhưng trong trường hợp “thằng Bờm” cụ thể này, sẽ có người đánh giá là “không bờm”, thậm chí là rất khôn vì biết chọn được “vật ngang giá” để mà trao đổi. Nhưng nếu ai đó nâng quan điểm thằng Bờm “sĩ diện” thì cái sĩ diện đó có tính tích cực, cái sĩ diện của một người tiêu dùng thông thái.

Phú ông trong tích xưa bao giờ cũng khôn ngoan, nhưng đôi lúc… vẫn bị “giẫm phân trâu” là thường tình.

MP


Xem thêm:
- Khai trí để cất đầu lên
- Những mùa xuân đoàn viên…
- Táo quân, Ngọc Hoàng và 'chỉ số nụ cười'

No comments:

Post a Comment