Tuesday, February 11, 2014

"Đại gia làng chip di động" và những nước cờ tiên phong

Qualcomm luôn có một tầm nhìn xa hơn các OEMs lớn và minh chứng hiện hữu nhất hiện nay phải kể đến là những dòng chip siêu di động đang trợ giúp nhiệt tình cho các mẫu smartphone Android trung và cao cấp.

Qualcomm - Hãng Viễn thông đa quốc gia và cũng là nhà sản xuất bán dẫn khổng lồ tại Mỹ. Với vốn hóa thị trường của hãng hiện đang nằm ở mức hơn 123 tỷ USD, vượt mặt Intel hơn 4 tỷ USD. Sự thành công lan rộng này, phải kể đến từ lúc hãng bắt tay vào khai thác triệt để chuẩn mạng CDMA, rồi đến LTE và sau đó là thống trị thị trường chipset di động.
Qualcomm và những nước cờ tiên phong
Qualcomm và những nước cờ tiên phong
Qualcomm không ngừng vương xa và luôn luôn đi trước một bước. Cũng như việc hãng đã tung ra dòng chipset giá rẻ, hợp tác cùng China Mobile để tận dụng tối đa thị trường đầy tiềm năng này và sự bùng nổ LTE mạnh mẽ tại Trung Quốc.
Theo đó, hãng cũng nắm giữ vô số bằng sáng chế hấp dẫn, để có thể thao túng cũng như thu về mức phí bản quyền từ các nhà sản xuất điện thoại thông minh và nhà cung cấp mạng, nếu họ ngang nhiên vi phạm Luật sở hữu trí tuệ.
Các dòng SoC Snapdragon của Qualcomm đã và đang ngự trị bên trong hàng triệu điện thoại thông minh trong một vài năm trở lại đây. Làm thế nào Qualcomm leo lên được một vị trí thống lĩnh như vậy? Công ty có thể giữ đất của mình, hoặc thậm chí mở rộng, khi đối mặt với một số đối thủ cạnh tranh nặng ký? Sau đây, mời các bạn cùng nhìn lại quá trình hình thành và triển vọng của hãng trong tương lai.
Những con người tài năng bước ra từ MIT
MIT (Viện Công nghệ Massachusetts) tên viết tắt của Massachusetts Institute of Technology là một viện đại học nghiên cứu tư thục ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ. MIT nổi tiếng nhờ hoạt động nghiên cứu và giáo dục trong các ngành khoa học vật lý, kỹ thuật, cũng như trong các ngành sinh học, kinh tế học, ngôn ngữ học và quản lý.
Irwin M. Jacobs đồng sáng lập và là cựu chủ tịch của QualComm, hiện nay giữ chức chủ tịch danh dự
Irwin M. Jacobs đồng sáng lập và là cựu chủ tịch của QualComm, hiện nay giữ chức chủ tịch danh dự
Năm 1968 ba học giả Do Thái, Irwin M. Jacobs, Andrew Viterbi và Leonard Kleinrock, đều là những cựu sinh viên tại học viện MIT, riêng Jacobs từng là một công nhân ở thành phố New Bedford, tiểu bang Massachusetts, trong thập niên 30-40. Ông đã học đại học và tốt nghiệp ở Cornell với bằng kỹ sư điện, rồi về sau lấy bằng Tiến sĩ ở MIT.
Cho đến năm 1968 những con người tài năng này quyết định chung sức thành lập nên Linkabit. Đó là một công ty tư vấn nhỏ cho các hợp đồng chính phủ về truyền thông quốc phòng như DARPA và NASA. Sau đó, Leonard Kleinrock (cha đẻ của Internet) nhận định được hoài bảo và đam mê của mình, nên đã tách ra riêng để phát triển ngành Internet và ông cũng là người có tầm ảnh hưởng nhất ở thời bấy giờ. Đến năm 2007, ông giành được Huy chương Khoa học Quốc gia.
Vào tháng 7/1985, Sáu cựu chiến binh ngành công nghiệp: Franklin Antonio, Adelia Coffman, Andrew Cohen, Klein Gilhousen, Andrew Viterbi và Harvey White cùng nhau đến phòng làm việc của Tiến sĩ Irwin Jacobs, ở San Diego, để thảo luận về một ý tưởng táo bạo, họ muốn xây dựng "Quality Communications - Chất lượng truyền thông" và vạch ra một kế hoạch có tầm nhìn sâu rộng để cho ra đời một công ty Viễn thông bật nhất, với tên gọi Qualcomm Incorporated.
Kinh phí để thành lập Qualcomm được lấy từ số tiền khoảng 25 triệu USD, khi bán Linkabit vào năm 1980. Ông Jacobs nói: “Đó là lần đầu tiên chúng tôi có một số tiền riêng”.
Kinh phí để thành lập Qualcomm được lấy từ số tiền bán Linkabit
Kinh phí để thành lập Qualcomm được lấy từ số tiền bán Linkabit
Vào ngày 25/6/2009, Jacobs có một cuộc phỏng vấn với tờ Boston Business Journal, Ông đã buôn chuyện về thuở đầu thành lập Qualcomm: "Tại Qualcomm, chúng tôi không có kế hoạch kinh doanh, thậm chí trong tâm trí của chúng tôi lúc bấy giờ còn chưa định hình được thiết bị mà công ty cần hướng đến là gì và chúng tôi càng không đặt nhiều tiền vào nó. Nhưng chúng tôi lại am hiểu rất rõ về truyền thông không dây, chúng tôi tin rằng phải có một cái gì đó thú vị đang chờ đợi chúng tôi ở đó. Và tôi còn nhớ trong sáu tháng đầu tiên, chúng tôi đã đưa ra những ý tưởng rất khác nhau và đã làm cho chúng tôi vô cùng bận rộn.”
Được biết bản hợp đồng đầu tiên của Qualcomm là ký với quân đội Mỹ làm việc trên công nghệ CDMA (Code Division Multiple Access - Đa truy cập phân chia theo mã). Vào tháng 8/1988, Công ty ra mắt OmniTRACS, một hệ thống truyền thông dữ liệu dựa trên vệ tinh cho ngành công nghiệp giao thông vận tải, nhằm cho phép các công ty vận tải đường bộ dễ dàng theo dõi và giám sát đội hình xe tải của mình trong lĩnh vực này. Đến năm 1989, Qualcomm vui mừng khi có thể gửi gắm CDMA đến 50 nhà lãnh đạo ngành công nghiệp không dây.
Chấp cánh ước mơ cùng CDMA
Năm 1993 Qualcomm đã có thể chứng minh dịch vụ dữ liệu trên CDMA, mở đường cho kết nối Internet di động tốt hơn. Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông Mỹ thông qua CDMA như một tiêu chuẩn di động và Qualcomm đã sớm cung cấp cơ sở hạ tầng mạng, chipset và cấp phép công nghệ của mình cho các đối tác. Năm 1999, Liên minh Viễn thông quốc tế sẽ chọn CDMA là công nghệ chính đằng sau 3G (mạng không dây thế hệ thứ ba).
Palm III
Palm III
Điện thoại thông minh dùng chuẩn CDMA đầu tiên trên thế giới bắt đầu nở rộ vào năm 1998 với tên gọi Palm Pilot. Máy có ngoại hình cồng kềnh và giá thành khá chát, nhưng điện thoại di động có Internet đã bắt đầu manh nha từ đó.
Qualcomm rất giỏi ở khâu thiết kế, sáng tạo và bán các chipset được tích hợp sẵn. Hãng cũng cung cấp phần mềm cho các thiết bị di động và mạng không dây (nghiên cứu sâu rộng và tích lũy rất nhiều bằng sáng chế). Được biết, hồi tháng trước Qualcomm đã chính thức thâu mua Palm, IPAQ và các danh mục đầu tư bằng sáng chế Bitfone từ HP.
Cụ thể hơn bộ sưu tập này gồm 2400 bản quyền và đơn đăng ký bản quyền, trong đó có 1400 bản ở Mỹ và 1000 bản tại các nước khác. Những bản quyền này chuyên về: kỹ thuật cơ bản liên quan đến hệ điều hành di động, cho đến công nghệ và phần mềm ứng dụng. Qualcomm cho biết, việc mua một số lượng rất lớn bằng sáng chế như trên sẽ giúp "cung cấp nhiều giá trị hơn nữa" đến những công ty khác vốn đang và sắp được Qualcomm cấp phép sử dụng các bản quyền.
Trở lại vào năm 2000, Qualcomm tích hợp GPS vào chipset CDMA đa phương tiện và phần mềm hệ thống (GPS kết hợp hoàn hảo với Internet, MP3 và Bluetooth). Theo đó, trong những năm qua công ty đã cố gắng cải tiến các dòng SoC của mình, lẫn về sức mạnh và hiệu năng, cũng như biệt tài giảm tiêu thụ điện năng đáng kể. Đó là lý do tại sao Qualcomm đã chính thức trở thành một trong những nhà cung ứng chipset di động hàng đầu thế giới từ năm 2007 đến nay.
Mối lương duyên giữa Snapdragon và Android
Thay vì nghỉ ngơi trên vinh quang của mình, thì vào cuối năm 2007 Qualcomm chính thức trình làng nền tảng Snapdragon siêu đỉnh. Dòng SoC này sẽ thiết lập một chuẩn mực mới cho các tính năng, hiệu suất và tiêu thụ điện năng. Được biết mẫu smartphone Android đầu tiên được trang bị chipset này là HTC G1 do T-Mobile phân phối vào tháng 10/2008.
HTC G1
HTC G1
Gia đình Snapdragon sẽ phục vụ cho BlackBerry, Windows Mobile và các thiết bị Windows Phone, nhưng Android là nền tảng sẽ mang lại thành công thực sự. Điển hình như các thiết bị đến từ: Samsung, Sony, LG, Motorola, HTC, Huawei, ZTE và nhiều hơn thế nữa.
Tham vọng của Qualcomm chưa dừng lại tại đó, hãng còn muốn đưa 40 băng tần vô tuyến di động vào một con chip duy nhất. Với giải pháp ngoại vi (front end solution) RF360, hỗ trợ tất cả 7 chế độ di động, bao gồm LTE-FDD, LTE-TDD, WCDMA, EV-DO, CDMA 1x, TD-SCDMA và GSM/ EDGE.
Sự hỗ trợ các mạng 2G, 3G, 4G LTE và LTE Andvanced đồng nghĩa con chip này sẽ hỗ trợ tất cả 40 băng tần hiện có. Nói cách khác, Qualcomm RF360 cho phép OEMs tích hợp một thiết kế 4G LTE duy nhất trên các thiết bị.
Ngoài ra, Qualcomm RF360 cũng mang lại một số lợi thế hơn hẳn các con chip hiện tại. Không chỉ được thiết kế để hoạt động hoàn hảo cùng các chipset hiện có, nó còn tiêu thụ ít điện năng hơn, cải thiện hiệu suất radio, chiếm diện tích ít hơn giúp thiết bị mỏng hơn trong khi thời gian sử dụng tăng lên.
Tiếp cận các thiết bị đeo thông minh
Đồng hồ Toq của Qualcomm chạy trên hệ điều hành Android và hỗ trợ kết nối với các smartphone Android thông qua kết nối Bluetooth và một ứng dụng trên gian hàng Google Play. Điểm đặc biệt nhất của Toq chính là màn hình, sử dụng công nghệ Mirasol tiết kiệm điện năng do chính Qualcomm phát triển.
SmartWatch Toq của Qualcomm
SmartWatch Toq của Qualcomm
Công nghệ màn hình này hiển thị văn bản và hình ảnh tốt dưới ánh nắng mặt trời. Cũng giống như các SmartWatch đã được bán ra thị trường, đồng hồ Toq nhận thông báo từ smartphone, giúp người dùng không cần phải sử dụng điện thoại vẫn có thể kiểm tra e-mail, tin nhắn… Toq hỗ trợ công nghệ sạc pin không dây.
Qualcomm là một trong những hãng đi đầu với phát triển WiPower, công nghệ sạc pin không dây, cho phép người dùng sạc thiết bị mà không cần cắm dây sạc. Toq có màn hình 1,55 inch độ phân giải 288 x 192 pixels, với trọng lượng 90g và có thời lượng pin 25 tiếng. Không giống như đồng hồ Galaxy Gear của Samsung, Toq không được tích hợp camera.
Qualcomm cho biết Toq là chiếc đồng hồ bản “Limited edition”, và hãng không quá kỳ vọng trong kế hoạch thương mại. Thay vào đó, Qualcomm hy vọng chiếc đồng hồ của mình sẽ được người dùng đón nhận, tạo cảm hứng cho các nhà sản xuất tận dụng công nghệ màn hình do hãng phát triển.
Qualcomm chê chip A7 64-bit của Apple
“Tôi đã nghe rất nhiều lời ca ngợi về việc Apple trang bị vi xử lý 64-bit trên thế hệ A7”, Anand Chandrasekher, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc marketing của Qualcomm, nhận xét.” Tôi nghĩ đây chỉ là một chiêu trò quảng cáo mà thôi. Người dùng sẽ chẳng được lợi gì từ chip 64-bit mà Apple đang tung hô”.
Theo ông Chandrasekher, vi xử lý 64-bit thiên về giải quyết vấn đề về bộ nhớ, và không có liên quan đến những chiếc smartphone hay máy tính bảng ngày nay. Vấn đề mà giám đốc marketing của Qualcomm nhấn mạnh là iPhone 5S chỉ có bộ nhớ RAM 1GB. Do vậy, người dùng không được hưởng lợi gì từ chip A7 64-bit của Apple. Chỉ các nà phát triển ứng dụng trên nền tảng iOS đôi khi mới cần đến bộ chip cao cấp từ Apple.
“Rừng nào cọp nấy”
Theo Bloomberg, năm tài chính 2012, Qualcomm đạt doanh thu 24,9 tỷ USD. 49% số đó đến từ Trung Quốc. Hãng kiếm tiền nhờ bán chip cho các hãng sản xuất điện thoại và bán bản quyền công nghệ kết nối Internet cho các nhà mạng.
Qualcomm và mảnh đất CNTT giàu tìm năng tại Trung Quốc
Qualcomm và mảnh đất CNTT giàu tìm năng tại Trung Quốc
Tuy nhiên, vào cuối tháng 11/2013, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) bắt đầu điều tra Qualcomm về vụ việc liên quan đến luật chống độc quyền. Tuy nhiên, theo Qualcomm, giới chức Trung Quốc không công bố chi tiết cuộc điều tra. Hãng cũng không nhận được cáo buộc nào về việc đã phạm luật.
Trung Quốc điều tra Qualcomm đúng thời điểm họ chuẩn bị ra mắt dịch vụ 4G vào tháng tới. China Mobile, nhà mạng lớn nhất nước này với hơn 700 triệu thuê bao, sẽ là nhà cung cấp dịch vụ 4G đầu tiên. Theo sau là China Unicom và China Telecom. Qualcomm là công ty có vai trò then chốt trong lĩnh vực này. Vì thế, giới phân tích cho rằng cuộc điều tra là động thái giúp các công ty nội địa của Chính phủ Trung Quốc.
"Chúng tôi nghi ngờ cuộc điều tra này liên quan đến việc ra mắt dịch vụ 4G của China Mobile. Các cuộc đàm phán giá chip và giá bản quyền giữa Qualcomm với các hãng điện thoại Trung Quốc có lẽ đang diễn ra", Travis McCourt – nhà phân tích tại Raymond James & Associates cho biết trên BBC.

No comments:

Post a Comment