Sunday, February 9, 2014

Cái thùng nứt cũng biết xấu hổ

>> ‘Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười!’
>> Táo quân, Ngọc Hoàng và 'chỉ số nụ cười'
>> Báo Nhân Dân đòi cấm nhưng lại 'share' Facebook
>> Lãnh đạo mà không có… liêm sỉ?! (còn nhà báo mà không có liêm sỉ thì sao hả ông Như Thổ?)
>> Khó mà phạt được Facebook


Tuần VietNamnet - Con người không ai hoàn thiện hết, nhưng với một tổ chức lấy phương pháp “phê và tự phê” để tự hoàn thiện mình thì rất cần những con người biết tôn trọng và tuân thủ tổ chức, nhận thức rõ được khuyết điểm, khiếm khuyết của mình. Quan trọng hơn, phải biết xấu hổ khi không làm tròn trách nhiệm dẫn đến những sai lầm khó có thể sửa chữa, khắc phục được.

Khuyết điểm mông lung và mơ hồ

Truyện ngụ ngôn kể rằng, một người nông dân thường dùng hai cái thùng lớn để gánh nước từ suối về nhà. Một trong hai cái thùng này bị nứt và khi về đến nhà, nước trong thùng đã bị vơi đi một nửa. Cái thùng nứt luôn buồn bã, khổ sở vì khiếm khuyết của mình.

Một ngày nọ, cái thùng nứt nói với người chủ của mình:

- Tôi thấy thật xấu hổ khi mình không làm tròn được công việc được giao, vì tôi mà ông phải làm việc cực nhọc hơn.

Người nông dân mỉm cười đáp:

- Trên đường về, ngươi có để ý những luống hoa xinh đẹp dọc đường không? Ngươi có thấy hoa chỉ mọc ở phía đường của ngươi không? Ta đã biết khiếm khuyết của ngươi, vì vậy ta đã gieo những hạt hoa bên đó, và mỗi ngày ngươi đã tưới nước cho chúng. Hai năm qua, ta đã hái những bông hoa này để tặng mọi người và làm đẹp cho căn nhà chúng ta.

Câu chuyện trên thật là nhân văn đúng không các bạn. Nhưng cái chất nhân văn ấy có được dựa trên hai điều cơ bản. Thứ nhất, người nông dân rất tinh ý nhìn ra khuyết điểm đã có từ lâu của cái thùng nứt kia và biết cách khắc phục, tìm sức mạnh từ cái khuyết điểm ấy. Thứ hai, cái thùng nứt rất yêu quý ông chủ của mình, thấy được khiếm khuyết của mình, biết xấu hổ vì không làm tròn nhiệm vụ.

Nhìn lại đất nước mình, một đất nước coi trọng, đề cao tính nhân văn, sẵn sàng tha thứ cho những ai lỗi lầm nếu như kẻ đó biết nhận lỗi. Thế nhưng, không hiểu vì sao những năm gần đây, nổi bức xúc của người dân càng ngày càng tăng, trong khi đó, nhân viên công quyền lại để xảy ra những sai lầm vô cùng nghiêm trọng.

Đến nỗi, những vị lãnh đạo, những đại biểu Quốc hội phải đau lòng ví von là “sâu”, là “chuột”, là “hổ”, là “ngứa ghẻ”… về “cái bộ phận không nhỏ” ấy đã “ăn hết phần của dân”, đã “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, đã “suy thoái, vô trách nhiệm”... Tuy nhiên, mọi “khiếm khuyết, khuyết điểm” thường được nhắc đến của chính quyền vẫn cứ mông lung, mơ hồ, chưa ai có thể xác định rõ nó nằm ở chính sách nào, bộ phận nào, cá nhân nào một cách cụ thể.

Ít ra, cũng phải biết xấu hổ

Và thêm một điều quan trọng không kém, là hình như “cái bộ phận không nhỏ” không bao giờ hình dung ra được “khuyết điểm, khiếm khuyết” của chính mình, hay nói chính xác hơn là họ không biết “xấu hổ” là gì.

Ít ra, cũng phải biết xấu hổ khi phải chi ra một số tiền rất lớn để cho “cậu Thủy” - một nhà ngoại cảm bịp bợm lừa đảo, làm giàu vinh thân phì da, phù phép xương lợn, xương mèo biến thành hài cốt của những liệt sĩ, những người đã không tiếc máu xương của mình bảo vệ biên cương, giành độc lập cho dân tộc, cho tổ quốc thiêng liêng.

Ít ra, cũng phải biết xấu hổ khi những mũi tiêm văcxin đã “không may” cướp đi cuộc sống của những thiên thần bé nhỏ, cướp đi tương lai của một gia đình, cướp đi những tương lai của đất nước.

Ít ra, cũng phải biết xấu hổ khi nhìn thấy khuôn mặt thất thần khắc khổ cạn khô lệ của người tù án oan Nguyễn Thanh Chấn, “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, thời gian mười năm chưa đủ cho ai đó phải rơi nước mắt hối hận sao?

Ít ra, cũng phải biết xấu hổ khi dòng nước lũ điên cuồng phá nát tan hoang ruộng đồng, hoa màu, nhà cửa, cướp đi biết bao tính mạng của người dân vô tội, đổ lỗi cho trời đất cũng không đến nỗi dễ dàng đến thế đâu.

Ít ra, cũng phải biết xấu hổ khi 600 bánh heroin bay lên cao, bay đi xa một cách nhẹ nhàng như vậy, nếu trót lọt ở cửa khẩu Đài Loan, không biết nó sẽ tàn phá hủy hoại thêm bao nhiêu tinh thần thể xác của những “loài người” cấp cao, có trí khôn này.

Nhưng không, vẫn là những “quy trình đúng”, và sợi dây trách nhiệm đang được đá lòng vòng chưa có hồi kết.

Cái thùng nứt được người nông dân quý mến và tận dụng, là vì nó biết xấu hổ khi không làm tròn nhiệm vụ của mình. Khi không còn biết xấu hổ thì có tiếc… cũng chẳng ích gì!

Nhân vô thập toàn, con người không ai hoàn thiện hết, nhưng với một tổ chức lấy phương pháp “phê và tự phê” để tự hoàn thiện mình thì rất cần những con người biết tôn trọng và tuân thủ tổ chức, nhận thức rõ được khuyết điểm, khiếm khuyết của mình, và quan trọng hơn hết là phải biết xấu hổ khi không làm tròn trách nhiệm dẫn đến những sai lầm khó có thể sửa chữa, khắc phục được.

Và khi đó, con đường sẽ khó mà có hoa đẹp “để hái tặng mọi người và làm đẹp cho căn nhà chúng ta”.

MP


Xem thêm:
- Cổng chùa thiện ác
- Khôn khéo ngụy biện lấn át thiện tâm
- Sự thịnh vượng hoang đường

No comments:

Post a Comment