>> Và ông Nguyễn Bá Thanh cũng được >>> "lăng xê" (Hic, hic, đọc lại bài >>> này cho vui bà con nè!)
>> Chuyện ít biết về nhân chứng Nhật Bản trên chiến trường VN
>> Lễ cưới con trai Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng bộ Công An
>> Bị đòi lại tiền thưởng Tết, hàng chục công nhân phẫn nộ ''bủa vây'' nhà máy
Phan Văn Tú
Đầu năm 1979, giữa không khí cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, những thanh niên sinh viên Việt Nam không ai mà không biết đến những giai điệu hừng hực khí thế ra trận của các ca khúc lúc bấy giờ như “Không được đụng đến Việt Nam”, “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, “Bài ca biên giới”… Trong số những ca khúc ấy, có một bài để lại ấn tượng lớn trong tôi: “Takano – nhân chứng quả cảm” của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Tính đến nay, có lẽ đây là ca khúc duy nhất ở Việt Nam viết về nghề báo, nhà báo – một nhà báo cụ thể. Nhưng đó lại là nhà báo nước ngoài.
Nhân vật được ngợi ca trong bài hát là nhà báo Isayo Takano (1943 – 1979). Takano là đặc phái viên tại Hà Nội của báo Akahata – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản. Ngày 6.3.1979, trong lúc chụp ảnh để đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, anh đã ngã xuống tại tỉnh Lạng Sơn vì đạn bắn tỉa từ bờ bên kia sông Kỳ Cùng. Anh hy sinh khi đang chụp ảnh tác nghiệp trước những viên đạn oan nghiệt của quân đội Trung Quốc tại biên giới Việt – Trung. Cái chết của anh bấy giờ đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới báo chí, văn nghệ. Cảm phục trước sự hy sinh cao cả của nhà báo Takano, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã viết ca khúc này. Bài hát là một khúc mặc niệm, khúc tráng ca. Day dứt, nao lòng. Hào hùng, xúc động. Giai điệu đậm chất dân gian, với sự kết hợp tài tình những luyến láy của dân ca Nhật Bản và làn điệu hát then của dân ca Việt Nam:
Xin hát về người con của đất nước tuyết trắng Fuji hùng vĩ. Anh đã đến quê tôi trong những ngày lửa khói, tâm hồn anh tươi thắm như hoa anh đào hé nở. Vinh quang thuộc về anh, người chiến sĩ đã hy sinh vì chân lý. Dòng máu ấm tình người, anh dâng hiến cuộc sống. Ngược không gian anh đi, băng suốt thời gian anh đi, ngàn giông tố gian nguy anh không hề ngơi nghỉ.
Ôi! Isayo Takano! Đến với dòng sông nơi anh ra đi ngày ấy… Ôi! Isayo Takano! Chiều nay tôi đứng đây nghe lưng trời gió nổi! Ôi! Isayo Takano! Chặng đường anh qua hôm nay hoa đang nở thắm! Ôi! Isayo Takano! Gửi tới quê anh mối tình lắng sâu lòng tôi!
Chân lý rồi sẽ toàn thắng, tình anh còn mãi nồng thắm, đẹp thay tuổi xuân Takano! Chân lý ngời sáng đường ta, tình anh vượt muôn trùng xa, bạn ơi có nghe chăng một bài ca: Takano!”
Lời bài hát không dài nhưng cũng đủ sức dựng lên tượng đài Takano, một nhà báo, một nhân chứng trong cuộc chiến tranh vệ quốc của Việt Nam. Lời ca cũng toát lên chủ nghĩa yêu nước, thấm đượm lý tưởng đấu tranh vì công lý và lý tưởng dấn thân của những người làm báo.
10 ngày sau cái chết của nhà báo Takano, nhà thơ Anh Ngọc cũng có bài thơ, trong đó có đoạn viết:
Tiếng súng bạo tàn rồi sẽ bị lãng quên
Duy cái tiếng khẽ khàng kia còn lại
Tiếng bền bỉ của ngón tay bấm máy
Lẫn vào trong nhịp đập trái tim
Hiện nay, phần mộ của nhà báo Isayo Takano vẫn còn ở Nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Đồng – tỉnh Lạng Sơn.
Có một điều đến nay tôi chưa lý giải được là vì sao một bài hát hay đến thế lại không được nghe lại trên các phương tiện nghe nhìn hay sân khấu biểu diễn gần 20 năm qua. Thế hệ nhà báo trẻ hiện nay – tôi đoan chắc – ít ai biết về IsayoTakano, càng ít người biết về bài hát ấy.
Anh bạn tôi cung cấp một thông tin: Cách nay hơn 10 năm, khi còn công tác ở một đài phát thanh truyền hình, có lần anh bạn tôi hỏi một biên tập viên văn nghệ của đài để xin bài hát này minh họa cho một bài viết trên sóng phát thanh nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21.6 thì được trả lời: Lâu nay những bài hát “chống bành trướng Bắc Kinh” không được phép phát sóng nữa vì 2 quốc gia đã bình thường hóa quan hệ lâu rồi.
Không biết có cái lệnh này ra đời từ đâu? Và nếu có, phải chăng việc cấm phát sóng những bài hát “chống bành trướng Bắc Kinh” là lý do khiến ca khúc “Takano – nhân chứng quả cảm” không thấy lưu hành cho đến nay.
Nếu có cái lệnh như thế thì những người ra lệnh và thực hiện cái lệnh kia hơi máy móc. Hãy đọc lại lời ca “Takano – nhân chứng quả cảm” đi. Trong lời ca không một dòng chữ nào vạch mặt chỉ tên một kẻ thù cụ thể. Dẫu quá khứ đã qua đi, nhưng những bài học Takano vẫn muôn đời có ích cho nhiều thế hệ. Chủ đề bài hát đặt ra là vấn đề muôn thuở, là câu chuyện nhân văn, là chuyện lý tưởng cống hiến của nghề báo.
Mong rằng giai điệu “Takano – nhân chứng quả cảm” sẽ có dịp vang lại, ít nhất trong những lần sinh hoạt của giới làm báo!
21.06.2010
........................
P/S: Khi viết những dòng này, tôi search trên mạng và nhận ra rằng, không có nhiều bài nhắc tới cố nhà báo I. Takano. May mắn thay, bài hát này đã được một công dân mạng đưa lên music2.tamtay.vn. Cũng trên mạng internet, tôi có thấy một tấm ảnh chụp bia mộ của nhà báo Takano tại nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Đồng – Lạng Sơn. Nhưng có một chi tiết cũng cần xác minh: ngày mất của Takano ghi trên bia mộ là ngày 7.3.1979 nhưng theo vài bài báo ít ỏi tôi đọc được, đó là ngày 6.3.1979. Bia mộ cũng khắc sai tên tờ báo mà I.Takano công tác
Xin được mượn >>> giai điệu của nhạc sĩ Phó Đức Phương để kết thúc entry này!
No comments:
Post a Comment