>> Vụ lương “khủng”: Không thể để "hạ cánh an toàn"!
Theo tìm hiểu của chúng tôi tiền lương là số tiền thù lao trả cho người lao động theo định kỳ, thường là hàng tháng. Các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, người thuê lao động trả công cho người lao động (công nhân viên chức) theo số lượng và chất lượng lao động họ đã đóng góp. Mức tiền lương sẽ khác nhau giữa các ngành nghề khác nhau do người lao động cung cấp giá trị lao động khác nhau. Mức tiền lương cũng phụ thuộc vào nơi thuê lao động và nhu cầu. Nếu nhu cầu về lao động cao thì tiền lương sẽ có xu hướng tăng. Ngược lại, tiền lương sẽ có xu hướng giảm ở nơi thừa lao động.Tiền lương của người lao động tại một số quốc gia cũng chênh lệch nếu giới tính, chủng tộc của họ khác nhau.
Được biết, từ năm 1997 đến nay mức lương tối thiểu đã liên tục thay đổi, điều chỉnh hơn 10 lần, cụ thể như sau: năm 1997: 144.000đ - năm 2000: 180.000đ - năm 2001: 210.000đ - năm 2003: 290000đ - năm 2005: 350.000đ - năm 2006: 450.000đ - năm 2008: 540.000đ - năm 2009: 650.000đ - năm 2010: 730.000đ - năm 2011: 830.000đ - năm 2012: 1050.000đ - tháng 7.2013: 1.150.000đ. Ví dụ người có hệ số lương 4.06 nhân với mức lương tối thiểu mới năm 2013 là 1.150.000đ thì bằng 4.669.000đ lương tháng thuần túy.
Nhưng để sở hữu được hệ số lương 4,06 nầy thì người lao động bình thường, có trình độ chuyên môn trung bình là cao đẳng, phải trải qua thời gian tham gia công tác trên 30 năm, có độ tuổi khoản 50. Nói chung gần hết một đời người đi theo cách mạng, phục vụ nhân dân, không bị kỉ luật, được nâng lương đều đặn 2 năm 1 lần. Đây quả thật là một thông số khá lý tưởng, khá ấn tượng cho vòng đời, vòng lương của công chức Việt Nam, còn đối với mức lương nầy có tương xứng với sự hi sinh, cống hiến, đóng góp cũng như có đáp ứng đủ nhu cầu đời sống hiện tại của họ hay không, thì đây vẫn là câu hỏi luôn luôn thường trực trong bàn hội nghị, trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, thậm chí xuất hiện trong từng bửa ăn, giấc ngủ, cơn mơ ... của mọi người nhưng vẫn còn bỏ ngõ chưa có lời giải đáp cụ thể và thỏa đáng.
Tuy nhiên thời gian gần đây có một số giám đốc doanh nghiệp nhà nước vốn được đảng, chế độ cưu mang bảo bọc như "con đẻ" lại tự xây dựng, tự trả cho mình một mức lương khủng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng một tháng rút ra từ "bầu sửa mẹ" đó. Trong đó, Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô Thị, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng Công cộng, Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP. HCM ...
Quả thật, đây là một mức chưa từng có trong lịch sử chế độ tiền lương chung của Bộ Tài chính ban hành, gấp cả chục lần lương Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ gây bất bình trong dư luận nhân dân nói chung, trong tập thể người lao động nói riêng. Đặc biệt nghiêm trọng, các đơn vị nầy lại cắt xén chế độ tiền công, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người trực tiếp lao động với thời gian dài, mặc định họ thành lao động thời vụ, vĩnh viễn không được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước ưu việt xã hội chủ nghĩa VN mà suốt mấy thập kỉ qua toàn đảng, toàn dân, toàn quân đã hi sinh xương máu, tính mạng đấu tranh bảo về và gìn giữ. Những kẻ ăn lương khủng này, xét về góc độ nào đó là tội đồ quốc gia, là đối tượng tham ô trá hình cần lên án và truy tố trước pháp luật.
Cần nói rõ thêm rằng những ngành như điện lực hưởng lợi từ tài nguyên quốc gia, được hiểu là "đầu vào" như than đá đối với nhiệt điện; nguồn nước từ sông, suối, rừng đối với thủy điện. Ngành dầu khí hưởng lợi từ mỏ dầu, ngành công ích như cây xanh, công viên, vỉa hè, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt ... cũng hưởng lợi từ tài nguyên như sông, đất, cỏ cây hoặc từ cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật như đường sá, cầu cống, công viên, sân bay, nhà ga, bến tàu ... của toàn xã hội tạo nên. Bản thân các doanh nghiệp nầy chỉ là doanh nghiệp điều hành, điều phối, phân bố hợp lý các công đoạn KD-SX từ nguyên liệu đến thành phẩm. Riêng ngành đường sắt, hàng không thì thụ hưởng cơ sở vật chất của chế độ cũ để lại hằng trăm năm nay như Ga Sài Gòn là một ví dụ. Đặc biệt, khách hàng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa gọi tắc là đầu ra của những doanh nghiệp nầy là toàn thể nhân dân hầu như là đối tượng bắt buộc (chứ không phải là ưu tiên như họ ca ngợi) là khách hàng người nước ngoài đang làm ăn sinh sống trên đất nước VN, là quân đội, công an, công nhân, nông dân, học sinh sinh viên ...
Như vậy, nếu đem so sánh các doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, hay doanh nghiệp nước ngoài bằng nguồn vốn tự có, tự xoay trở bán đất đai, tài sản, cầm cố nhà cửa, mượn bạn bè, vay ngân hàng để đầu tư thành lập công ty xí nghiệp, âm thầm tạo ra của cải vật chất cho xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động phải được quan tâm chăm sóc đúng mức cho đối tượng nầy nhiều hơn. Thiết nghĩ đã đến lúc cán cân công lý, các chính sách chế độ ưu tiên, ưu đãi cần phải xem xét lại, bên nào "trọng" bên nào "kinh" cho phù hợp với đạo lý lãnh đạo đồng thời, tạo công bằng, văn minh, văn hóa chung cho xã hội. Đặc biệt những doanh nghiệp nhà nước hưởng lợi từ tài nguyên khoáng sản, cơ sở vật chất của quốc gia lãnh thổ, đối tượng khách hàng là nhân dân và các lực lượng tiêu dùng gần như là bắt buộc trên phạm vi toàn quốc như phân tích ở trên thì nên hưởng lương, trả thưởng ít lại, thậm chí áp đặt khu vực kinh doanh có điều kiện này vào đơn vị hành chính sự nghiệp có thu mới đúng nghĩa. Trên cơ sở nầy nhà nước và nhân dân tham gia quản lý, giám sát thu chi kỉ lưỡng, trích nộp hoàn toàn lợi nhuận vào ngân sách quốc gia, không thể coi đây là lợi nhuận từ doanh nghiệp được.
Nếu làm được như thế, đúng như thế thì chắc chắn rằng nhà nước sẽ có thêm nguồn thu rất lớn, đồng thời thiết lập lại trật tự, công bằng, văn minh và hợp lý trong sản xuất kinh doanh thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa như phương châm đảng đã đề ra.
Bình Địa Mộc
Xem thêm:
- Phẫn nộ
- Tham nhũng đây chứ đâu?
- Thị trường chứng minh: BĐS bắt đầu đổ vỡ
No comments:
Post a Comment