>> Chống tham nhũng cứ luẩn quẩn
>> Việt Nam có một luật rất lạ mà thế giới chưa có...
Nguyễn Đình Đăng
Kìm căng canvas, mà ta quen gọi là kìm căng toile (toan), là dụng cụ không thể thiếu đối với hoạ sĩ vẽ sơn dầu. Có thể dùng tay căng canvas cỡ nhỏ lên châssis (sát-xi) để đóng đinh mà mặt canvas vẫn căng như mặt trống. Song nếu căng canvas kích thước từ khoảng F100 (130 x 162 cm) trở lên thì “Không…kìm đố mày làm nên.”
Người ta kể rằng trong những năm 1960 – 1970 cả Hà Nội chỉ có một chiếc kìm căng toan duy nhất của cụ Nguyễn Dung mà hầu hết các hoạ sĩ sơn dầu đều mượn dùng chung.
Những năm cuối 1980 – đầu 1990 ở Hà Nội, tôi mua một chiếc kìm chết, rồi đặt thợ ở phố Hàng Thiếc hàn hai miếng sắt bẹt vào hàm kìm, biến nó thành một chiếc kìm căng toan dùng tạm được, có điều hơi nặng. Bây giờ tôi thấy trên mạng có chiếc kìm gắn hai miếng sắt bẹt ở hàm, giống hệt chiếc kìm tôi tự chế cách đây hơn 20 năm trước.
Từ khi sang Nhật, tôi dùng hai chiếc kìm căng canvas: chiếc nhỏ có hàm rộng 6 cm, bằng kền đúc; chiếc to có hàm rộng 12 cm, bằng molybdenum (mô-lyp-đen). Tôi mua chiếc nhỏ với giá hơn 2 000 yen cách đây 18 năm. Còn chiếc to tôi mua với giá 6 500 yen cách đây 10 năm. Cả hai chiếc đều là sản phẩm của hãng Holbein Art Materials Inc. – một công ty con của Holbein Works, Ltd. (Nhật Bản). Chúng có ưu điểm là không han rỉ, và khá nhẹ: chiếc to chỉ nặng 330 g, nhẹ hơn chiếc nhỏ, 385 g. Tôi dùng chiếc nhỏ để căng canvas kích thước bé và vừa. Khi căng các canvas cỡ lớn tôi dùng chiếc to để căng toàn bộ, còn chiếc nhỏ để làm đẹp các góc.
Cách đây chừng hai tuần, trong khi tôi đang dùng chiếc kìm nhỏ để kéo canvas ở sát đầu góc vuông châssis cỡ F120 (130 x 194 cm), thì “khục” một cái, chiếc kìm gãy. Đủ biết sức căng của canvas lớn chừng nào: làm gãy cả kìm bằng kền đúc. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên nhất lại không phải là lực căng, mà là chiếc kìm, bởi nó là đồ “xịn”. Nếu nó là “made in China” hay “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn” thì còn đi một nhẽ. Đằng này trên cán kìm lù lù dòng chữ đúc nổi “made in Japan” hẳn hoi. Thật ra 2 000 yen không phải là nhiều đối với một chiếc kìm căng canvas dùng được 18 năm, nên tôi định bụng sẽ đến Sekaido mua một chiếc mới thay thế.
Tuy nhiên mang tiếng 18 năm nhưng thực tế tôi chỉ dùng chiếc kìm nhỏ này để căng khoảng 40 canvases. Mới căng có chừng ấy mà đã gãy thì kể cũng hơi lạ. Kìm thời Pháp thuộc của cụ Nguyễn Dung từng được dùng cả đời kia mà. Vì thế tôi gửi email cho Holbein Japan nêu băn khoăn của tôi, không quên đính kèm ảnh digital chụp chiếc kìm gãy.
Gửi email vào thứ Bảy 7/9 thì hai hôm sau, thứ Hai 9/9, tôi nhận được trả lời từ Holbein Japan. Họ nói họ rất “buồn” vì sự cố này và hỏi tôi có thể gửi cho họ chiếc kìm gãy tới bản hãng ở Osaka để họ thẩm định không.
Sáng hôm sau tôi ra bưu điện. Cầm cái bọc tôi đưa, bà nhân viên bưu điện hỏi có phải đồ dễ gãy vỡ hay không. Tôi cười, nói rằng đồ đã gãy rồi. Bà ta trố mắt ngạc nhiên cho đến khi tôi giải thích đây là sản phẩm bị hỏng gửi cho công ty xem xét. Bà lại hỏi tôi muốn gửi thường hay nhanh. Tôi nói muốn gửi nhanh bằng dịch vụ Yu-pack để ngày mai tới. Bà tra computer rồi nói giá gửi bằng dịch vụ Yu-pack là 700 yen, nhưng nếu gửi Letter Pack thì chỉ mất 500 yen mà cũng tới vào ngày mai. Bà hỏi tôi muốn xài dịch vụ nào. Dĩ nhiên tôi chọn dịch vụ 500 yen.
Con trai tôi biết chuyện, nói: “Trời, chắc mấy hôm nữa Holbein Japan sẽ gửi bố cái kìm mới.” Tôi hỏi tại sao, cháu nói: “Bố đã làm Holbein Japan phát hoảng vì cái kìm gãy của bố. Vấn đề không phải là cái kìm, mà là uy tín của Holbein Japan trong mắt khách hàng, đặc biệt trong trường hợp này khách hàng lại là một hoạ sĩ ngoại quốc!”
Cháu nói thế mà đúng. Chiều hôm qua, 19/9, tôi nhận được một bao giấy do Holbein Japan gửi tới qua hãng Seino – một hãng door-to-door service (dịch vụ mang hàng tới tận cửa nhà). Trong bao, ngoài hộp kìm mới tinh còn kèm một lá thư nguyên văn như sau:
18.9.2013
Thưa Ông Nguyễn Đình Đăng
Chúng tôi hân hạnh được viết về sản phẩm ông quan tâm.
Chúng tôi xác nhận và đánh giá sản phẩm ông gửi lại, chúng tôi không thấy hư hỏng xảy ra trong quá trình sản xuất. Chúng tôi có thể nói chắc chắn rằng chiếc kìm đúc có khả năng bị gãy nếu bị chấn động mạnh vài lần khi dùng đầu kìm nện đinh.
Chúng tôi gửi kèm đây sản phẩm thay thế; chúng tôi hy vọng ông tiếp tục dùng nó mà không gặp phải vấn đề gì. Xin ông hãy cẩn thận tránh gây chấn động mạnh lên thân kìm càng ít càng tốt.
Chúng tôi cảm ơn ông đã lựa chọn sản phẩm của chúng tôi và hy vọng nó sẽ thường xuyên mang lại cho ông niềm vui và sự thỏa mãn.
Trân trọng,
Soichiro Hara
Ban Cung ứng
Holbein Art Materials Inc.
Trong tiểu luận “Người ta say để làm gì?” đại văn hào Nga Lev Tolstoi kể rằng có lần hoạ sĩ Bryullov sửa bài tập vẽ của một học trò. Người học trò nhìn bức vẽ được sửa, thốt lên: “Thầy chỉ vừa đụng tay một tí tẹo mà bức vẽ trông khác hẳn.” Bryullov trả lời: “Nghệ thuật bắt đầu chỉ từ một tí tẹo.”
Chiếc kìm căng toan chỉ là “một tí tẹo” đối với cả tôi và Holbein Art Materials Inc., nhưng bằng một tí tẹo ứng xử, Holbein Art Materials Inc. đã cho tôi thấy uy tín và nghệ thuật phục vụ khách hàng của họ. Nghệ thuật đó vô cùng giản dị. Nó bắt đầu trước hết từ “một tí tẹo”: Luôn làm khách hàng thỏa mãn – trong mọi tình huống.
20.9.2013
Xem thêm:
- Một ngày cứ thế trôi
- Người chơi cá độ giỏi nhất thế giới
- Hoãn cuộc thi "Đối thoại" quốc tế
No comments:
Post a Comment