Wednesday, June 26, 2013

Hãnh diện vì con

>> Thiếu nhi Đà Nẵng phải "nhường đất" cho nhà khách! (Các anh lúc nào cũng nói tất cả vì tương lai con em chúng ta. Nhưng đất để mở rộng nơi vui chơi, sinh hoạt, học tập cho thiếu nhi không có, lại đi lấy bớt đất dành cho thiếu nhi là thế nào?)
>> “Phải biết rút lui nếu tín nhiệm thấp” (Còn lâu! Mời bà con xem lại bài >>> này)


Lời bàn: Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) sắp đến, post lại bài viết đã lâu của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, xem như một trải nghiệm đầy nhân văn và thú vị! (MP)

TRƯƠNG NHÂN TUẤN

Ở bên này, ai mà biết đến gia đình tôi, đều cho rằng tôi «có phước». Các con tôi đều nổi tiếng học giỏi, đều học «trường lớn» và tốt nghiệp trường lớn. Dầu vậy tôi vẫn có điều lo mà không nói ra : không phải con tôi đứa nào cũng học giỏi như mọi người nghĩ. Thằng «út» của tôi nó không học giỏi, nếu không nói là nó không chịu học hành gì hết !

Nói không chịu học hành gì hết thì cũng quá. Nó cũng đậu «bac», tức bằng tú tài, nhưng đậu vớt, tức đậu dưới sự sỉ vả của ban giám khảo. Ba tháng trước khi thi, bắt đầu «giám sát» để bắt nó ôn bài. Nhưng không bài nào, không môn gì, hỏi mà nó trả lời thông suốt. Đầu óc nó cứ lểnh đểng lãng đãng nơi đâu. Nó chỉ lanh khi ra sân banh giao đấu. (Nó là «pilier» của đội banh rugby tỉnh nhà, từng hai lần đoạt giải). Dĩ nhiên đậu vớt thì không đủ điểm vào học lớp «dự bị» (nhằm để thi vào «trường lớn») như hai thằng anh của nó. Hai thằng anh nó đều đậu vào «trường lớn», một đứa Normale Sup, một đứa Ecole Centrale. Thì phải vậy, nó lẹt đẹt học «trường làng» DUT hai năm. Lẹt đẹt ở đây đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sổ điểm của nó cuối năm chỉ đều nhem nhém hơn trung bình một chút. Tức vừa đủ để lên lớp, nhưng lên lớp với sự bất bình của toàn ban giám học. Tôi cứ nghĩ, con thì đứa này đứa kia. Thằng này học dốt nhưng không bị «doublé – tức học lại», không phá làng phá xóm thì cũng phước đức lắm rồi.

Nhưng cũng không hẵn là vậy. Nói nó «dốt», thực ra thì trí thông minh nó không tồi. Có điều nó không vận dụng trí thông minh của nó vào việc học mà chỉ dành phần nhiều cho việc khác.

Thằng này nó mê chơi banh, mê làm việc xã hội, như làm công tác từ thiện, dạy trẻ em «bụi đời», làm hướng dẫn viên trong các trại hè dành cho trẻ mồi côi… Mùa hè, biểu nó kiếm việc làm thêm để lấy tiền xài vặt. Hai thằng anh của nó thì rất giỏi vụ này. Mấy tháng hè làm việc tụi nó đủ chi trả một phần tiền xài cho cả năm. Thì nó nại cớ làm sinh hoạt ở trường, làm «hội» nên không có thì giờ kiếm việc làm. Thôi cũng kệ. Nó học gần nhà, không tốn tiền ở trọ, không tốn tiền ăn… thì thôi, không sao. Nó không có tiền xài vặt nhưng bù lại, năm nào nó cũng được «giấy khen» của tỉnh về các hành động thiện nguyện. Theo các bằng khen, tôi mới biết là nó được tuyên dương vì làm việc rất xuất sắc, có thành tích do nhiều sáng tạo trong các trò chơi, hay thành công trong việc dẫn dắt và an ủi các em có trường hợp đặc biệt. Trí thông minh của nó thì ra tập trung vào các việc này. Tôi thì không quan tâm gì mấy đến các hoạt động của nó.

Đối với tôi (có lẽ cũng giống với bậc cha mẹ nào), trước hết, ráng học cho có bằng cấp rồi việc gì tính sau. Tôi không hề để ý đến các hành động của nó (bình thường với nó nhưng có lẽ khác thường với nhiều người). Có lần tôi đang lái xe, nó ngồi kế bên, hai cha con đi công việc gì đó. Xe đang chạy ngon lành trên một đoạn đường vắng, thình lình nó hô to : ngừng lại. Tôi thắng xe, tắp vô lề. Nó bước xuống xe, chạy ngược về phía sau, về phía một cụ bà cao tuổi. Tôi đi theo, nghe nó hỏi : cụ già có việc gì không? Có cần nó giúp gì không? Cụ già đang vịn tay vào cột đèn trả lời : Không sao, tôi nghỉ mệt một chút thôi. Hai cha con trở lại xe và tiếp tục công việc. Lần khác, đang trên đường chở nó về nhà, gần đến nhà, thấy cụ hàng xóm đang lụm cụm xách một giỏ khá nặng đi chợ về. Nó bảo tôi ngừng xe lại, bước xuống xe, ra dấu cho tôi về trước. Nó một tay xách giỏ, một tay đỡ cụ hàng xóm đi bộ về nhà cụ. (Thằng này mạnh khỏe, đô con lắm, vì dân chơi rugby mà). Tôi không ngạc nhiên gì, vì nghĩ rằng, nếu mình trẻ và «ở không» như nó thì có lẽ mình cũng làm như nó.

Ngày hôm nay nhìn lại, khi đọc các bài viết của ông Ngô Nhân Dụng và Nguyễn Hưng Quốc về vụ em bé «Yue Yue» bên Trung Quốc bị xe cán bỏ bên đường, dưới những ánh mắt nhìn vô cảm của nhiều người qua lại. Tôi kinh hoàng về sự «lãnh cảm» của tình người. Tôi đã từng xem những đoạn video, trong đó một con chó bị xe cán đang được một con chó khác cố gắng cứu bạn. Thú vật còn có nghĩa tình, huống chi con người. Ông Nguyễn Hưng Quốc nói về sự «tan rã của xã hội». Tôi không có quan điểm của mình về các nhận định này mà chỉ thấy trong lòng mình dâng lên một niềm hãnh diện lớn lao : hãnh diện vì con. Con mình có thể dốt trong cái học nhưng nó rất giỏi ở việc thể hiện tình người. Đôi khi giỏi hơn mình, người lớn.

Nhưng nói nó dốt cũng hơi oan. Năm trước nó được nhận vào một «trường lớn» ở Paris, tuy không lớn như hai đứa anh nó, nhưng cũng đủ mình hãnh diện «có con học trường lớn». Năm này lên năm thứ tư rồi! Nhưng thật tình, mình hãnh diện về tánh tình của nó hơn là các thành công trong việc học.

No comments:

Post a Comment