>> Báo chí thời mạt vận
>> Báo chí và sự sòng phẳng
ND - Một vài năm trở lại đây, báo giới đã nhiều phen lâm vào tình huống dở khóc dở cười, khi những thông tin tưởng như chính thống, thuyết phục, hóa ra lại là “tin vịt”... Một thực tế buồn, những cú lừa ngoạn mục ấy chưa có dấu hiệu dừng lại, khi kha khá những phóng viên chính danh “được cấp thẻ” đang bị những “nhà báo công dân”... chơi khăm, dễ dàng tới mức thật khó tin!
“Tin vịt”… lên báo
Một tấm hình (cắt ra từ clip) được khai thác từ một diễn đàn ô-tô thật sự gây xôn xao dư luận, khi hai chiến sĩ công an bị tới bốn tên côn đồ hung hãn tiến công. Sự nhiệt tình, nhanh nhạy đã giúp một cây bút báo mạng kịp “chuyển thể” ngay thành một bản tin hấp dẫn, với lời dẫn “chưa thể xác định địa điểm, thời gian và hậu quả”!
Ngày “cá tháng tư”, một phóng viên ngẫu hứng “bật mí” trên trang nhật ký cá nhân: “UBND thành phố Đà Nẵng lập dự án xây dựng làng báo chí”. Vài cây bút chuyên “thuổng” thông tin từ mạng xã hội nhanh mắt, thính tai đã chớp cơ hội “xào xáo” ngay.
Nhà báo Đào Tuấn từng “quăng bom” trên blog bằng một bài phỏng vấn bà Irina Bokova - “Tổng Giám đốc UNESCO với tựa đề Phố cổ Hà Nội bị từ chối công nhận là di sản văn hóa thế giới”. Một bài viết giả tưởng, hóm hỉnh được anh “phóng tác” và xếp vào rổ “tin vịt”, với cái tên phóng viên TTXVH (Thông tấn xã vỉa hè). Thế nhưng, sau một hồi được cư dân mạng bê qua vác lại, tin vịt ấy lọt vào tầm mắt của một cây bút thuộc tờ báo Đoàn. Chớp ngay và lao thẳng tới một chuyên gia để soi chiếu tin sốc này dưới góc độ một người gắn bó máu thịt với di sản, bài viết “Phố cổ Hà Nội không được công nhận di sản thế giới: Đau nhưng không có cớ buồn” xuất hiện ngay sau đó.
Cũng là sản phẩm của “ngày nói dối”, hình ảnh của thủ môn đội tuyển bóng đá Việt Nam xuất hiện trong trang phục truyền thống của một võ sĩ đạo Nhật Bản. Một bài viết chi tiết kèm theo tiết lộ thông tin anh sắp làm diễn viên với khoản thù lao “như mơ”, trong một xuất phẩm điện ảnh có giá nhiều triệu đô. Không chỉ đưa tin, nhiều tờ báo chính thống (phiên bản online) còn bình luận, lý giải đó chính là nguyên nhân gây ra phong độ thi đấu sa sút của anh trong thời gian đó.
Một trang nhạc trực tuyến trở thành đối tượng của hacker. Cư dân mạng xôn xao, báo chí vào cuộc mổ xẻ. Phải chờ tới khi người giữ quyền quản trị, cũng chính là tác giả của vụ “báo động giả” ấy giải nghệ, chiến tích ấy mới được anh khoe khoang trên trang cá nhân. Bởi tuy phải chịu một chút tổn thất về uy tín liên quan đến khả năng bảo mật hệ thống nhưng website lại hưởng lợi lớn về truyền thông, khi được nhiều tờ báo lớn “giúp quảng bá miễn phí” địa chỉ đến công chúng. Đó là trường hợp rất hiếm hoi, khi người trong cuộc công khai thừa nhận đã diễn trò.
... vì phóng viên bị “chơi khăm”
Kết quả, dư luận ngỡ ngàng khi những lời “cải chính”, “cáo lỗi” thi nhau xuất hiện sau đó. Hóa ra, “CSGT bị tấn công” chỉ là hình ảnh cắt từ một clip được dàn dựng để làm tình huống cho chương trình Tòa tuyên án của VTV6. Ngoài mấy tòa soạn bị bạn đọc mắng mỏ vì tội đưa tin sai, chính quyền TP Đà Nẵng cũng… mang tiếng lây vì dự án “trên giời rơi xuống”. Phóng viên phao tin phố cổ bị UNESCO hắt hủi nhận kỷ luật, còn tòa soạn đành ngậm ngùi nộp phạt vì can tội “nhanh nhảu đoảng”. Chàng thủ môn nhanh chóng xác nhận chuyện đóng phim kiếm hiệp chỉ là trò đùa vui. Còn hacker bất đắc dĩ không che giấu vẻ tự hào về khả năng sản xuất scandal và dắt mũi công luận siêu đẳng của mình.
Mảng thời sự - văn hóa - xã hội, vốn xưa nay được báo chí tác nghiệp với thái độ khá nghiêm túc, chỉn chu còn bị “ăn quả đắng” theo một cách thức cực kỳ ngớ ngẩn như thế. Với mảng thông tin giải trí của giới showbiz – vốn nhiễu loạn, trắng đen, thật giả chẳng biết đâu mà lường thì câu chuyện nhà báo “ngây thơ, cả tin” để bị (hoặc được) lừa cứ kéo dài mãi. Kết quả là những câu chuyện hậu trường, từ đánh ghen, ngoại tình, “ăn cơm trước kẻng” đến những mánh lới yểm bùa, chơi xấu; từ thông tin vỡ nợ, làm ăn thất bại đến chuyện lừa tình, đoạt tiền, xù nợ … cứ theo những entry, status chia sẻ tâm trạng (mà mục đích phía sau thật khó nắm bắt) chễm chệ trên mặt báo như một nguồn tin đáng tin cậy. Ngoài những vụ việc ít ỏi được “nói lại cho rõ”, phần lớn trong số này lặng lẽ “chìm xuồng” khiến độc giả thêm hoang mang, không thể phân biệt nổi ranh giới thật – giả.
Cũng vì thế, khi đường dây bán dâm, sex - tour ngàn đô của Mỹ Xuân “lộ sáng”, lời thú nhận muộn mằn của người đẹp xứ dừa đã khiến những nhà báo có tự trọng nghề nghiệp thật sự choáng váng. Lợi dụng triệt để cuộc đua câu pageviews của các trang báo điện tử, Mỹ Xuân đã nhờ vả các cây viết “mối ruột” tung lên những bộ ảnh không thể mát mẻ hơn nhằm tiếp thị tới các “đại gia háo ngọt”. Thật oái oăm, khi những phóng viên với vốn hiểu biết dư thừa đã trở thành con rối, bị bàn tay của một má mì học vấn vô cùng khiêm tốn điều khiển, giật dây.
Đây là trường hợp điển hình của báo chí thời thế giới phẳng: hiện tượng ăn theo mạng xã hội. Vượt qua cấp độ “nhà báo salon”, giờ đây nhiều cây bút đã thật sự trở thành “điệp viên nằm vùng”, bám sát từng diễn biến trên các trang mạng xã hội, các trang chia sẻ tin tức, hình ảnh, video đình đám như Facebook, Twitter, YouTube, Zing Me, Yume… để tìm kiếm scandal nào có thể tạo nên một sự kiện hấp dẫn độc giả. Chỉ có điều, xác suất bị chơi khăm ẩn sau những thông tin nửa hư nửa thực ấy rất cao. Và phía sau nỗi ê chề khi bị cư dân mạng xấu tính hay đơn giản chỉ vì đùa dai cố tình “xỏ mũi”, thông tin thất thiệt mà các phóng viên bắc nhịp cầu chuyển tới bạn đọc đã biến thành những “quả lừa” khiến công luận bất bình, niềm tin vào tính khách quan, trung thực cần có của báo chí rơi rụng.
“Báo chí phải để người ta tin”
Theo kết quả nghiên cứu Net Index lần 3 do Yahoo và Kantar Media Việt Nam công bố trên PC World ngày 3-8-2011 thì đọc tin tức trên mạng là hoạt động trực tuyến phổ biến nhất, chiếm 97%. Số người sử dụng Internet để truy cập vào các trang mạng xã hội đã tăng rất nhanh, từ 41% năm 2010 lên 55% năm 2011.
Không thể phủ nhận và xem nhẹ thông tin cũng như giá trị của mạng xã hội và các trang blog. Hiện nay, giữa báo chí và blog thực chất đang tồn tại một hình thái đan xen, bổ trợ lợi ích thông tin dành cho nhau. Mối quan hệ cộng sinh ấy đang tỏ rõ lợi thế không cần bàn cãi của mình. Nhưng ở một khía cạnh tiêu cực khác, cũng chính vì thói lười nhác, quen “ăn sẵn”, “thuổng” thông tin từ các nguồn không chính thống nên nhiều cây bút đã bị mạng xã hội “đưa vào tròng”, khi trở thành cái loa nhiệt thành lan truyền những câu chuyện được dàn dựng và chèo lái theo ý đồ một cá nhân, một nhóm lợi ích. Kẻ chọn cách sống ký sinh đồng nghĩa với việc chấp nhận “chơi dao có ngày đứt tay”. Và những trường hợp “chảy máu vì đứt tay” vừa kể trên không hiếm.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Lưu Vũ Hải, nguyên Cục trưởng Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, khẳng định, “thông tin trên các mạng xã hội này là một nguồn đầu vào cực kỳ phong phú cho báo chí, tham gia quảng bá cho các thông tin báo chí lan tỏa, tiếp cận bạn đọc. Trong nhiều vụ việc cụ thể, mạng xã hội còn tác động, tương tác với báo chí, làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống, giúp báo chí có sự điều chỉnh cần thiết trong quá trình tiếp nhận ý kiến”. Tuy nhiên, chính nhà quản lý này cũng lưu ý về sự thiếu chính thống, thiếu kiểm chứng của các thông tin trên mạng xã hội. “Nhiều thông tin không có động cơ, mục đích rõ ràng, có một số thông tin có động cơ xấu. Nếu thông tin đầu vào thiếu chọn lọc, thiếu kiểm chứng thì trên báo chí có thể xuất hiện thông tin sai sự thật và điều này sẽ khiến cho tờ báo trở nên tầm thường, lá cải”.
Để báo giới không còn rơi vào tình trạng éo le... bị xỏ mũi, rất cần sự tỉnh táo, bản lĩnh và cả phương thức tác nghiệp nghiêm túc, cẩn trọng, chuyên nghiệp và đúng bài bản. Nói như ông Lưu Đình Phúc, Trưởng Phòng quản lý báo chí Trung ương thuộc Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông): “Mạng xã hội để người ta biết thông tin, còn báo chí phải để người ta tin”, ngắn gọn và không thể đầy đủ hơn.
HUYỀN NGA
Xem thêm:
- Hoãn cuộc thi đối thoại quốc tế
- Hiệu ứng nhịn ăn
- Khôn khéo ngụy biện lấn át thiện tâm
No comments:
Post a Comment