Sunday, February 17, 2013

Tự phủ nhận mình không dễ

Lời bàn: Nhà thơ Bùi Minh Quốc từng viết: "Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa/Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi". Như vậy, cũng cần hiểu sự lên ngôi đó trong mọi hệ quy chiếu ... để nhận biết ai mới là người đểu cáng chứ. (MP)


Tầm này năm ngoái (Tết con Thìn-2012) ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ KH CN&MT nổi lên như 1 người hùng của dân qua thái độ rõ ràng dứt khoát ủng hộ anh em ông Đoàn Văn Vươn trong vụ đất đai Tiên Lãng-Hải Phòng. Nhưng chỉ sau đó ít lâu ông lại là đối tượng bị lề trái công kích qua vụ Văn Giang-Ecopark vì những văn bản ông ký nháy khi còn đương chức đương quyền. Cuối năm ông lại được vỗ tay lần nữa khi ngồi ở trụ sở Bộ cũ (ai có thể?), tiếp những người dân Văn Giang khiếu kiện và nói lời xin lỗi. Tiếng vỗ tay chưa ngớt thì ông đã “nói lại” gây chưng hửng cho những người mới vừa vỗ tay khen ông.

Những chiến sĩ tích cực và ẩn danh của lề trái trên mạng ảo ngay lập tức mắng ông Võ là lo giữ cái sổ hưu. Thật ra không phải vậy. Dưới thời độc tài toàn trị của nhà Ba Dũng, các ông Nguyễn Quang A, Tương Lai, Nguyên Ngọc…, những người vẫn ra Bờ Hồ biểu tình hay ký hầu hết các kiến nghị tập thể đăng chỗ chị Ba Sàm, không bị mất sổ hưu, mà vẫn được dành đất biên bài trên các tờ báo lề phải, chẳng hạn tuần nào chúng ta cũng gặp ông Quang A trên tờ Lao Động dù ông tổng tờ này không còn là ông Tống Văn Công “dân chủ”.  Ông Giáo sư Võ, không có 1 công trình khoa học cá nhân nào đủ có danh gì với núi sông, nếu có được biết đến, thì là được biết đến nhờ vai trò thứ trưởng, tạm cho là thứ trưởng tốt đi, nay nếu phủ nhận những gì ông làm khi ông là thứ trưởng, thử hỏi ông Võ sẽ còn lại gì. Chẳng còn gì cả. Tự phủ nhận mình không dễ.

Không chỉ ông Võ. Tất cả các ông lý cựu, cựu mưu sĩ cho các ông lý cựu, đang nổi lên như những đại diện ưu tú của dân tộc bên chỗ Ba Sàm, khi ký 1 văn bản mấy mươi hai “nhân sĩ trí thức” góp ý hiến pháp và đề xuất 1 mô hình đa đảng tổng thống chế (chủ-tịch-nước chế) Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được Ba Sàm cùng các đồng minh nhìn đó như bản góp ý duy nhất chấp nhận được đối với chế độ (bất cứ ai khác định góp ý sẽ bị cho là tay sai cho chế độ làm loãng dư luận để bản dự thảo hiến pháp lý cựu Việt Nam Dân chủ cộng hòa này bị chìm đi), cũng chưa thấy ai tự phủ nhận mình. Người đứng đầu đoàn nhân sĩ được chính quyền tiếp đón và tiếp nhận bản góp ý (tất nhiên họ sẽ không xem xét) là cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc chưa thấy tự vấn khi ông còn đầy đủ quyền lực, làm bộ trưởng 1 bộ quan trọng như Bộ Tư pháp, ông đã làm được cái gì, và nay, khi không có những lợi thế đó nữa, liệu ông sẽ làm được những gì. Nghị định 31-CP về quy chế quản chế hành chính, 1 nghị định phản dân chủ bậc nhất, cho phép chính quyền địa phương quản chế các đối tượng không cần qua xét xử, do thủ tướng thương dân Võ Văn Kiệt ký năm 1997 theo yêu cầu Bộ Nội vụ, thì khi đó ông Lộc là bộ trưởng Tư pháp (ông giữ chức suốt 10 năm từ 92 đến 2002) có ý kiến gì, sao ông không “từ chức để phản đối” như cách hành xử dân chủ của mọi ông bộ trưởng không hài lòng với chính sách của người đứng đầu nội các? Còn nếu ngày xưa ông ngu, bây giờ ông tỉnh thì sao ông chưa nói lời sám hối về cái ngu xưa của mình, sao ông không ký bình thường mà phải cố chen làm người đứng đầu đoàn nhân sĩ?

Không trách ông Lộc được. Hầu hết những người đồng đơn với ông, khi ký tên vào bản kiến nghị, đều treo lủng lẳng bên cạnh mình 1 loạt chức danh có được trong chế độ độc đảng mà cái chế độ đó nay họ đòi loại bỏ, nguyên này nguyên nọ. Không ai tự phủ nhận mình khi ghi những chức danh đó theo kiểu “nguyên thứ trưởng vô dụng”, “nguyên cố vấn bất lực”, “nguyên lãnh đạo cơ quan mặt trận tổ quốc bù nhìn”… Không phải vì sổ hưu. Mà vì phủ nhận mình không dễ. Mà vì nếu phủ nhận mình thì tiếng nói của mình cũng thành vô giá trị.

Ngay 1 nhân vật dũng cảm vô song, đấu tranh chống toàn trị trong 1 giai đoạn khắc nghiệt với người đấu tranh hơn nhiều so với các nhân sĩ bây giờ, là cụ Trần Độ, dũng cảm có thừa nhưng vẫn chưa đến mức tự phủ nhận mình. Khi ra khỏi đảng Cộng sản của các ông Mười-Anh-Nông-Dân, cụ Trần Độ nói đảng này không còn là đảng của cụ ngày xưa nữa. Đảng Cộng sản của các ông Mười-Anh-Nông-Dân dù gì thì cũng là đảng cộng sản mở cửa hội nhập. Còn đảng ngày xưa của cụ Độ, đảng Lao động thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là đảng làm Cải cách ruộng đất, bỏ tù không chỉ Nguyễn Chí Thiện mà cả đồng minh thời điểm 90 của cụ Độ là cụ Hoàng Minh Chính, diệt Nhân văn Giai phẩm, dùng vũ lực thủ tiêu Việt Nam Cộng hòa và thủ tướng VNDCCH-thành viên đảng đó, ông Phạm Văn Đồng là người ký công hàm Hoàng Sa.

Nói bản góp ý hiến pháp đi kèm bản dự thảo hiến pháp tự soạn là bản lý cựu là 1 cách nói có phần giản lược. Ngoài các vị lý cựu, các vị cộng sản phản tỉnh nhóm võ văn kiệt, còn có các vị nhóm dương văn minh nữa: Hồ Ngọc Nhuận, Huỳnh Tấn Mẫm…- những người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam Cộng hòa, đã đấu tranh để hỗ trợ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa toàn thắng, toàn trị và nay lại kêu gọi bãi bỏ chế độ toàn trị đó, đồng thời cũng chưa có lời nào nhìn nhận lại sự hỗ trợ toàn trị trong quá khứ của mình.

Bên Ba Sàm đang đăng dần sách của GS Lê Xuân Khoa vể chiến tranh Việt Nam, em đang copy dần về máy, đợi bao giờ đủ bộ rồi mới đọc. Nhìn mục lục thấy GS phân tích cái sai của cả VNDCCH, cả VN Cộng hòa, cả các cường quốc… nghĩa là có vẻ đầy đủ khách quan khoa học lắm, nhưng chưa thấy dành phần nào phân tích những người “cánh tả miền Nam” –những người quan niệm chính trị không thể giống VNDCCH (nên thực tế sau này nhiều người chuyển sang đấu tranh: từ Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan xưa đến Hồ Ngọc Nhuận nay) nhưng lại hỗ trợ VNDCCH đắc lực trong 1 cuộc chiến có “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”. Mà đây là lực lượng thú vị nhất, khó hiểu nhất, rất cần phân tích.

Trong vở chèo rộn rang lề trái lề phải góp ý hiến pháp đầu xuân, xuất hiện ông nghị Hoàng Hữu Phước khật khưỡng đi vào, chân nam đá chân siêu, nói năng lảm nhảm. Càng vui chứ sao. Xem chèo thì phải có hề chèo mới là đúng kiểu.

Nguồn: Cavenui

P/S. Ông Phước mắng ông Dương Trung Quốc ngu khi coi Việt Nam Cộng hòa là có đa đảng. Chẳng biết có không, nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xưa có đa đảng đấy, ngoài đảng Lao động còn có đảng Xã hội của ông Nguyễn Xiển, đảng Dân chủ của ông Nghiêm Xuân Yêm, nay mấy ông ấy đều được đặt tên phố cả. Nhưng vẫn có cải cách ruộng đất, vẫn có đủ thứ đã được nhắc đến ở phần trước. Đa đảng mà đa đảng một bề, thì khác gì một đảng mà có Ba Tư Ba Bá tranh hùng đâu.


Xem thêm:
- Nghĩ về dân chủ
- Tản mạn về điều 88, tham nhũng, dân chủ và văn minh
- Dốt lịch sử, địa lý Việt Nam
- Căn bệnh mãn tính



No comments:

Post a Comment