Mạng LTE (thường được gọi 4G) hứa hẹn sẽ sớm trở thành chuẩn mực mới trong công nghệ di động. Tại Việt Nam, 4G sẽ chỉ được cấp phép (dự tính) vào năm 2015, khi đó thế giới đã manh nha triển khai phiên bản 4G mới.
Vậy rốt cuộc mạng LTE-A là gì và tại sao nhiều nước lại vội vã chạy theo LTE-A?
Dù LTE hay được gọi là 4G, một công nghệ mạng khác cũng được gọi tên 4G, đó là mạng HSPA . HSPA cung cấp tốc độ truy cập thấp hơn so với LTE.
LTE (Long Term Evolution) là công nghệ mạng không dây thế hệ tiếp theo (thế hệ thứ 4) đang dần trở thành tiêu chuẩn toàn cầu. LTE-A (LTE-Advanced) – như tên gọi, là phiên bản nâng cấp của tiêu chuẩn LTE cho phép truyền tải khối lượng dữ liệu lớn hơn trong thời gian ngắn hơn so với LTE. Nói ngắn gọn là LTE-A nhanh hơn LTE.
Vấn đề ở đây là LTE-A mới đủ khả năng cung cấp trải nghiệm 4G đích thực, không như LTE. Thử nghiệm thực tế cho thấy LTE-A cho tốc độ nhanh hơn từ hai đến ba lần cũng như giảm thiểu tỉ lệ mất sóng so với LTE.
Điện thoại 4G không hẳn là 4G
Dù 4G được quảng bá rộng rãi trên smartphone, thực sự chúng chỉ là một chiêu quảng cáo. Ngay cả với các nhà mạng đã triển khai 4G, khái niệm 4G chỉ là một dạng “3G cao cấp” – đủ nhanh để phân biệt với 3G nhưng không là gì nếu so với “4G thực”.
Dù giới chuyên môn, kĩ thuật không đồng ý với quan điểm 4G LTE như hiện tại nhưng các hãng sản xuất smartphone cũng như các nhà mạng chẳng quan tâm. Giới chuyên môn nhận định, khi tiêu chuẩn LTE-A được phổ biến, “giới quảng cáo” sẽ gọi nó là 5G cho dù thực sự tốc độ sử dụng chỉ mới đạt mức 4G chuẩn.
4G thực sự nhanh đến mức nào?
Tiêu chuẩn tốc độ để một hệ thống mạng di động được gọi bằng cái tên 4G là nó phải cung cấp tốc độ truy cập đạt mức 100 megabit/giây khi thiết bị đang di chuyển (trên xe hơi hoặc xe lửa). Tốc độ này tương đương 12 MB/giây, nhanh hơn phần lớn đường truyền cáp quang gia đình ở Việt Nam hiện nay.
Mạng 4G thực sự cực nhanh
Khi thiết bị đầu cuối đứng yên, tốc độ truyền tải phải đạt mức 1 gigabit/giây – 128 MB/s. Rất ấn tượng đúng không nào? Và đó là tốc độ truy cập thực tế phải đạt được chứ không phải tốc độ theo kiểu “cam kết”. Các chuyên gia cũng tỏ ra kém lạc quan khi cho rằng, thậm chí khi triển khai LTE-A, thiết bị di động cũng sẽ chỉ có thể kết nối ở tốc độ tối đa 40% so với chuẩn – khoảng 40 MB/s.
Hiện tại, các mạng 4G LTE đang cung cấp tốc độ truy cập ở đâu đó trong khoảng 1,5 MB/s. Tốc độ đã này đủ nhanh cho gần như toàn bộ các tác vụ mà một chiếc smartphone yêu cầu – trừ xem phim Ultra HD 4K. Mà bạn có nhu cầu xem phim 4K online không nhỉ?
LTE-A hoạt động như thế nào?
Về cơ bản, người ta tăng thêm số bit dữ liệu được truyền đi trong mỗi MHz (megahertz) dải tần, kết nối các băng tần sóng riêng biệt với nhau, tăng hiệu suất thu sóng của anten trên thiết bị cũng như độ phủ sóng từ các trạm.
Nhà mạng Sprint tại Mĩ đã âm thầm triển khai công nghệ truyền phát tới 3 băng tần LTE cùng lúc (có thể xem như một mạng LTE-A) mà không hề “quảng cáo” về nó. Tốc độ truy cập trên mạng của Sprint đạt mức 7,5 MB/s.
Khi nào bạn cần smartphone LTE-A?
Trở lại với “số đông”, công nghệ mạng LTE-A vẫn chưa được sử dụng rộng rãi nên ít nhất là ở tương lai gần, bạn không cần “chạy đua” smartphone. Tuy nhiên một khi LTE-A được “phổ cập”, một chiếc smartphone tương thích mới có thể tận dụng tối đa năng lực của mạng này. Và hãy nhớ, đến lúc đó, có thể nó sẽ được gọi là “mạng 5G”.
HTC Evo 4G
Ngay lúc này, quốc gia châu Á thân thuộc Hàn Quốc đã tiến hành triển khai thử nghiệm LTE-A nên nếu có cơ hội đến đây, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm mạng LTE-A.
Với “phần còn lại” của thế giới, hãng nghiên cứu ABI nhận định phải đến năm 2015 thì mạng LTE-A mới được triển khai ở quy mô nhỏ, đến năm 2018 sẽ có khoảng 500 triệu người dùng mạng này.
2015 cũng là thời điểm Việt Nam (dự kiến) nâng cấp lên mạng 4G (chưa rõ là HSPA hay LTE), liệu có cơ hội nào người dùng Việt Nam sẽ được ưu ái “nhảy vọt” lên LTE-A hay “5G”?
No comments:
Post a Comment