Motorola đã đánh dấu sự quay trở lại thị trường smartphone bằng việc ra mắt sản phẩm mang tên Moto G. Một chiếc điện thoại thuộc phân khúc tầm trung với mức giá hợp lý. Chúng ta hãy cùng xem nó có được những gì:
Đầu tiên là về mặt giá cả, bạn sẽ có hai sự lựa chọn là phiên bản 8GB và phiên bản 16GB. Phiên bản 8GB sẽ có giá là 175 $ trong khi đó phiên bản với bộ nhớ lớn hơn cũng có giá rất tốt là 199 $.
Moto G
Như vậy, đối thủ cùng phân khúc với Moto G nếu xếp về giá cả trên thị trường hiện nay sẽ là Samsung Galaxy Fame, Nokia Lumia 520 và LG Optimus L3 2, tuy nhiên khi nhìn vào những thông số bạn sẽ thấy sự khác biệt đến từ Moto G.
Về thiết kế, Moto G vẫn giữ ngôn ngữ thiết kế khá giống với chiếc smartphone cao cấp ra mắt trước đây là Moto X (đây là sản phẩm đầu tiên của Motorola sau khi bị Google mua lại).
Không có nhiều đột phá về bề ngoài, nhưng sự mềm mại và những đường vát cong của Moto G khiến cho nó đủ hấp dẫn người tiêu dùng. Mặc dù làm bằng nhựa nhưng chiếc máy được xây dựng rất tốt, tạo vẻ chắc chắn cần thiết.
Trọng lượng chỉ 143 g giúp cho Moto G có thể dễ dàng nằm gọn trong lòng bàn tay bạn. Máy khá dày nhưng các đường vát cong giúp cho chúng ta có cảm giác chiếc máy mỏng hơn so với độ dày thực 11,6 mm của nó.
Được bao quanh viền máy bởi một dải cao su khiến cho cầm Moto G trên tay rất thoải mái. Ngoài ra, Moto G còn được phủ một lớp không thấp nước, nghĩa là bạn có thể sử dụng máy trong trời mưa nhỏ mà không lo máy bị đoản mạch. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Moto G có khả năng chống nước, do đó bạn không thể mang nó đi tắm cùng dưới hồ bơi như Xperia Z được.
Motorola đã mang lại cho Moto G một khả năng tùy biến về ngoại hình khi bạn có thể thay mặt sau máy bởi các màu sắc khác nhau. Điều này làm chúng ta nhớ lại chiếc Nokia 3310 trước kia, rất thú vị. Chắc chắn sự thay đổi màu sắc máy này sẽ mang đến cho chúng ta những cảm giác vui vẻ như là có một chiếc máy mới, nhưng bạn sẽ phải thật sự khéo léo khi mở mặt sau của máy và cần sự trợ giúp của móng tay. Mặc dù phải tốn khá nhiều sức cho việc này nhưng bạn hãy yên tâm vì chất lượng vỏ nhựa của Motorola rất bền và chúng ta không phải lo lắng về việc nó bị vỡ trong quá trình thay vỏ máy. Tính năng thay vỏ hấp dẫn này sẽ rất thu hút giới trẻ, đặc biệt với tầm giá hợp lý của Moto G.
Về phím cứng, cạnh trái của Moto G không chứa phím nào, trong khi cạnh trên là jack cắm tai nghe nằm ở chính giữa. Phím nguồn và phím tăng giảm âm lượng nằm ở cạnh phải. Nhìn chung, tất cả phím cứng đều đặt ở vị trí hợp lý và rất dễ bấm.
Ngoài các phím cứng thì máy còn có cổng microUSB và cổng microSIM tuy nhiên không có khe cắm thẻ nhớ microSD. Điều này có nghĩa là nếu như bạn muốn mở rộng không gian lưu trữ thì cần phải sử dụng thêm lưu trữ đám mây.
Bên trong Moto G là viên pin dung lượng 2070 mAh không thể tháo rời. Chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về cuộc thử nghiệm với viên pin này trong phần tuổi thọ pin và kết nối ở phần sau.
Moto G được trang bị màn hình 4,5 inch độ phân giải HD 1280 x 720 pixel cho mật độ điểm ảnh 329 ppi. Thật khó tin đây là màn hình của một chiếc máy tầm trung vì nó còn cao hơn cả chiếc iPhone 5s đình đám (trong khi giá chỉ bằng một phần ba).
Tất nhiên màn hình HD không phải là yếu tố để đánh giá tổng thể cả một chiếc smartphone nhưng Moto G không chỉ mạnh về màn hình mà phần cứng của nó cũng rất ấn tượng. Moto G đi kèm bộ vi xử lý lõi tứ 1,2GHz Snapdragon 400 cùng 1GB RAM. Cấu hình này đã vượt qua HTC One Mini, Samsung Galaxy S4 Mini và Nokia Lumia 820 – những chiếc điện thoại chỉ lõi kép nhưng giá cao hơn Moto G rất nhiều. Kết hợp thêm một màn hình lớn hơn và mức giá tốt hơn, rõ ràng Motorola đã đánh bại Samsung và Nokia về mặt thông số.
Camera chính trên Moto G tỏ ra thua kém các đối thủ Galaxy S4 Mini và Lumia 820 khi nó chỉ có độ phân giải 5MP. Tuy nhiên, rõ ràng với giá tiền của nó, sự cắt giảm này là không đáng kể, nhất là khi nhìn lại một cấu hình và màn hình rất ấn tượng. Những gì chúng ta vừa nêu ở trên chỉ là thông số trên giấy, muốn biết Moto G thực sự có phải là một chiếc máy ngon, bổ, rẻ hay không, hẹn gặp lại các bạn trong bài đánh giá chi tiết ở những phần sau
No comments:
Post a Comment