>> Quy trách nhiệm để xảy ra khiếu kiện kéo dài
>> Cảnh báo về tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục
>> Cân đối ngân sách: Phải cắt giảm đám “vác ô” càng sớm càng tốt
Đinh Lê Na
Ai cũng mong một chốn yên bình để sống. Người Việt vẫn có câu “An cư lạc nghiệp” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của một môi trường sống lành mạnh, an toàn. Vậy mà, hãy nhìn xã hội của chúng ta bây giờ mà xem.
Đến một thành phố bất kỳ, câu nói được nhắc nhở nhiều nhất là: nhớ khoá xe, nhớ coi chừng đồ đạc…Câu chuyện được kể truyền tai là: ai đó vừa bị giết, vừa bị trộm, vừa bị lừa…kèm theo một thái độ không thể dễ hiểu hơn “xã hội bây giờ nguy hiểm quá”, và “phải cảnh giác hơn”. Từ thành phố lớn đến nông thôn, từ đồng bằng đến cao nguyên, miền núi, không khó để tìm ra được một câu chuyện phạm tội được đăng tải ngày ngày trên báo chí. Dù không muốn thừa nhận nhưng khi đọc những thông tin về độ tuổi cùng những lý do phạm tội cũng như mức độ dã man của các vụ án, người lớn không khỏi giật mình. Mười lăm, hai mươi tuổi là lứa tuổi để cướp của, giết người? Để gia nhập hội game online, vì một xích mích nhỏ là lý do để phạm tội? Xã hội chúng ta đang sống lại “bất an” đến thế ư?
Tránh khỏi cảm giác bất an sao được khi mà đang trong hỗn loạn này, chúng ta lại nhận được quá nhiều những thông tin tiêu cực được tô vẽ thêm bởi báo chí, truyền thông. Bức tranh kinh tế ảm đạm, việc làm không có, học cao học giỏi rồi vẫn thất nghiệp, giới làm ăn móc nối lọc lừa người tiêu dùng, thực phẩm nhiễm độc, chất lượng y tế, giáo dục xuống cấp thê thảm. Con người phải gồng mình lên quá mức để có thể sống được một cách “bình thường” chứ chưa mong gì cái mức “yên ổn”. Khi niềm tin vào xã hội dần đổ vỡ, tất yếu bản thân mỗi người lại càng co cụm lo lắng cho chính mình và gia đình.
Các nhà lý thuyết xã hội có thể đưa ra nhiều lời giải thích. Xã hội bây giờ đã khác, đang biến đổi không ngừng nghỉ với tốc độ chóng mặt trên phạm vi toàn cầu. Mức độ rủi ro và nguy cơ tội phạm cũng đã ở cấp độ tinh vi hơn. Cảnh giác hơn là điều tất yếu thôi, có gì phải bàn cãi. Vâng, chẳng có gì sai nếu chúng ta biết tự bảo vệ bản thân và gia đình mình. Nhưng sự “tự vệ thụ động” phản ứng lại với sự bất an của môi trường sống chưa bao giờ là con đường dẫn đến giấc mơ “an cư” thật sự. Sự an toàn của cá nhân cần được đặt trong môi trường an toàn chung của xã hội, nơi có pháp luật và niềm tin đạo lý làm điểm tựa. Giáo sư triết học người Ba Lan Zygmunt Bauman từng nhận định “mỗi xã hội tồn tại là nhờ niềm tin vào một điều ảo nào đó”. Xã hội Việt Nam cổ truyền dựa trên niềm tin “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” và “trời có mắt” vô cùng hồn nhiên, trong trẻo của người nông dân để tồn tại. Niềm tin “giải phóng” và “dân cày có ruộng” dẫn dắt dân tộc làm nên chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Còn thời nay, thời của làm ăn kinh tế, niềm tin vật chất, tiền tài địa vị lấn át tất cả. Niềm tin “thượng tôn pháp luật” như đang “phiêu du”ở đâu đó mà không có mặt trong cuộc sống của những người dân? Những niềm tin đẹp trở nên mơ hồ và lãng phí. Đúng hơn, nó bị chìm lấp trong vô vàn những “giá trị” mới được du nhập, được cộng hưởng với phần xấu xí tồn tại sâu trong bản chất con người Việt Nam. Khi láng giềng có thể là sẽ là kẻ kề dao vô cổ mình thì ai còn dám “bán anh em xa, mua láng giềng gần”? Khi thầy cô giáo cưỡng ép học trò, tổ chức mại dâm, buôn ma túy thì ai còn tin “tôn sư trọng đạo”? Khi vợ chồng đánh đập nhau, vợ chồng thi nhau “ông ăn chả, bà ăn nem”, ai còn tin “đạo nghĩa vợ chồng”? Khi cha lạm dụng con, mẹ lợi dụng bệnh tình của con để trục lợi, ai còn tin vào “công nghĩa sinh thành”? Khi những người nhân danh từ thiện gom góp tiền bạc và lòng trắc ẩn xã hội vì mục đích cá nhân, ai còn tin vào “lá lành đùm lá rách”? Thời khắc đó tất yếu là mảnh đất màu mỡ cho niềm tin “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” đâm chồi thắng thế trong xã hội.
Trong lúc những tiêu chuẩn đạo lý được đúc kết bằng mồ hôi và máu của biết bao thế hệ tiền nhân đang bị tấn công bởi các quan hệ tình – tiền, bị gạt ra khỏi vai trò định hướng niềm tin cho cộng đồng xã hội hôm nay thì không may là hệ thống pháp luật đồng thời cũng chưa đủ minh bạch và vững chãi để dựa vào. Chúng ta đã nghe bàn rất nhiều về sự chồng chéo của hệ thống văn bản pháp luật. Đến nỗi, mỗi lần người dân cần bất cứ việc gì dính dáng tới đều “đi nhờ vả” vì chẳng thể hiểu và nắm bắt nổi những văn bản rối mù, nặng nề câu chữ.
Xã hội hiện đại đang đè nặng ngày càng nhiều áp lực lên vai những người trẻ, những người cần nhất sự hướng dẫn đúng hướng. Ở họ rất cần niềm tin vào cái tốt đẹp và cao cả, vào xã hội và vào người lớn. Tỷ lệ gia tăng và trẻ hoá độ tuổi phạm tội là lời cảnh báo gay gắt nhất về một tương lai không mấy sáng sủa của thế hệ kế tiếp. Bất lực trước một cuộc sống mới đòi hỏi quá nhiều những điều kiện để thích nghi, một chỗ dựa, một quan hệ hay đơn giản là một kỹ năng bắt buộc, những người trẻ ít được đào tạo và bị đối xử thiếu công bằng sẽ dễ dàng ngả theo lời mời gọi “đổi đời” của buôn ma túy, mại dâm, trộm cướp, lừa đảo. Và điều tất yếu sẽ xảy đến, họ phạm những tội lỗi hình sự nặng nề nhất. Họ có thể nhẫn tâm giết người chỉ vì một vài chỉ vàng. Nhà xã hội học người Anh Anthony Giddens tổng kết rằng tính bất an xã hội sẽ lên đỉnh điểm ở giai đoạn giao thoa giữa niềm tin xã hội cũ đã mất chỗ đứng và niềm tin mới chưa đủ sức mạnh thay thế.
Sự lệch lạc xã hội bộc lộ ra ngoài mặt thành phạm tội không tuyệt đối mang nghĩa tiêu cực. Đó là cơ hội để nhìn nhận lại những sai lầm và điều chỉnh để phát triển. Có thể hơi lạc quan, nhưng tôi luôn có lòng tin vào giới trẻ Việt, đối tượng đang bị chỉ trích là sống nông cạn, hời hợt, đua đòi. Hãy thử nhìn bên trong vẻ ngoài “chạy theo thời thượng, đua theo thần tượng” một khát vọng được “sống khác”, được bứt ra khỏi những ràng buộc kìm hãm tiến bộ của quá khứ. Tấm gương các bạn trẻ triệu phú hay làm giám đốc ở độ tuổi trên hai mươi, cùng tuổi với những bạn trẻ đang “lầm đường”, làm nên một xu hướng khác, một động lực cho quyết tâm làm giàu của hàng ngàn sinh viên. Trách nhiệm của thế hệ đi trước và của xã hội không phải là phê phán mong muốn “đổi đời” đôi khi bất chấp của những kẻ đi sau, mà là cho họ thấy những giá trị văn hóa - nhân văn cũng xứng đáng được tôn vinh như những giá trị vật chất và tài năng làm giàu.
Để làm được điều đó, niềm tin và giá trị cần được trả lại đúng vị trí của nó.
Nguồn: VHNA
Xem thêm:
- Vì có một người cha đã hứa
- Thời dĩ vãng... chợt ùa về!
- Ừa, có thêm tiếng... đù má và đéo mẹ nữa!
No comments:
Post a Comment