Thursday, October 31, 2013

Ngoại cảm - ô hô

>> Treo chó chết trước cổng nhà
>> Phùng Chí Kiên, cha con Võ Đại tướng, và Phan Thị Bích Hằng (tư liệu)
>> Đại tướng vừa ra đi, các cháu liền lật đất tìm luôn, thấy ngay chiếc răng ... lợn


PHẠM LƯU VŨ 
(Bàn thêm 1 lần chót rồi thôi.)

Tôi biết trong “Liên hiệp các hội KHKT VN” có cái gọi là: “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người”.
Trong “Trung tâm” này có 1 cái gọi là “Bộ môn Cận tâm lý”.
Một số nhà “ngoại cảm” (trong đó có PTBH) làm việc ở đây.

Nay bàn từ dưới lên trên vậy. 

Không biết từ lúc nào, và ai đã đưa ra cái “thuật ngữ” thậm ngu ngốc, thậm vô nghĩa là “ngoại cảm” để chỉ những người có ít nhiều khả năng liên lạc trực tiếp với 1 cõi giới khác ngoài cõi phàm trần (ví dụ PTBH). Bởi khả năng “chứng” được các cõi giới khác là hoàn toàn liên quan đến cái gọi là “tâm” của mỗi con người (chính xác là khai mở được từ thức thứ 7 – Mạt na thức hoặc tới thức thứ 8 – A lại da thức…). Theo đó, dù là sự kiện nằm ở cõi giới nào đi nữa, thì cũng không nằm trong, đồng thời cũng không nằm ngoài cái gọi là “tâm” ấy cả. Và một khi những “thức” ấy được khai mở, thì sự khai mở đó sẽ tạo nên 1 cảnh giới, một cơ duyên để người được khai mở có thể “chứng” được 1 hay nhiều cõi giới khác cùng lúc, chứ không chỉ là “cảm” như cách hiểu của người bình thường. Hơn nữa, cảnh giới “chứng”, cơ bản là 1 cảnh giới không thể nghĩ bàn. Vì thế, (thực tế) những người có khả năng này rất khó hoặc không thể chia sẻ điều đó với những người bình thường khác như kiểu người bình thường chia sẻ với nhau cảm nhận về 1 cảnh đẹp hay 1 bản nhạc hay được. Xét về mặt tri giác, thì “chứng” và “cảm” không những khác hẳn nhau về bản chất, mà còn cách xa nhau về “đẳng cấp”. “Cảm” không thể so sánh với “chứng” được. Vậy đã không phải là “cảm”, lại không có “trong”, hay “ngoài” ở đây, thì cái gì gọi là “ngoại cảm”? Rõ ràng “thuật ngữ” đó không chỉ vô nghĩa, mà còn hỏng cả về phần “lý”, lẫn phần “sự”. Mọi sai lầm sẽ bắt đầu từ đây.

Có cái gọi là “ngoại cảm” rồi, mới sinh ra cái gọi là “cận tâm lý”. Đây chắc lại do 1 bậc “sính chữ”, thích dùng chữ mặc dù bản thân vị đó cũng… chẳng hiểu gì nghĩ ra. Cái gì gọi là “cận tâm lý”? Lại có chữ “tâm” ở đây. Cái chữ “tâm” này đối với các vị, chắc chắn là do có “cảm” mà sinh ra. Oái oăm thay, cái sự “cảm” sinh ra “tâm lý” ấy có ở… tất cả mọi người bình thường, không trừ bất cứ ai. Đó là những hoạt động hằng ngày, hằng giờ của 6 “thức” đầu tiên, từ “nhãn thức”; “nhĩ thức”… cho đến “ý thức”. Sáu “thức” này do duyên với tiền trần (thông qua 6 căn) mà có. Nên cái “tâm” do nó sinh ra Đức Phật gọi là “tâm phan duyên”, chính là cái tâm giả, tâm sinh diệt mà từ vô thỉ đến nay, chúng sinh nhận lầm nó là tâm mình, là chính mình nên mới trôi lăn mãi trong lục đạo luân hồi. Với ý đồ “nghiên cứu” khả năng “trên mức bình thường” của con người (gọi là “ngoại cảm”), mà chỉ dừng ở vị trí “cận”, nghĩa là ở ranh giới cái tâm giả, cái tâm phan duyên có ở tất cả mọi người bình thường thì có phải lại 1 sự vô nghĩa nữa hay không? Và cái gọi là “cận tâm lý” ấy, rõ ràng cũng hỏng nốt cả phần “lý”, lẫn phần “sự”. Sai lầm đã được nâng lên 1 bậc cao hơn.

Gom “ngoại cảm” lại thành “cận tâm lý”, rồi ra hẳn 1 cái gọi là “trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người”. Lại một danh xưng đại ngôn vô duyên vô bổ bất chấp cả “lý” lẫn “sự” nữa. “Tiềm năng con người” là gì các vị có biết không? Chẳng nhẽ nó chỉ nằm ở trong 6 “thức” đầu tiên? Vậy thì cần gì các vị phải “nghiên cứu” cái mà ai cũng biết. Tiềm năng (chính xác phải gọi là “quyền năng”) của con người là Phật (giác ngộ), là “Như Lai tạng”, là “diệu”, là “minh”… đấy. Đó là những cái không phải để cho các vị có thể “nghiên cứu” mà được đâu. Đó là cả một quá trình tiến hóa về mặt trí tuệ, quá trình giác ngộ tiến tới “tri kiến Phật”, để có thể giải thoát từng phần cho đến giải thoát hoàn toàn. Mà sự “giác ngộ” chỉ có thể diễn ra do tự thân mỗi chúng sinh, không ai (kể cả Phật) có thể làm thay được. Vậy thì cái gọi là  “trung tâm” ấy, rõ ràng sẽ chỉ gồm những ông thày bói mù, sờ soạng “con voi” Phật tính vốn có trong mỗi con người, trong mỗi chúng sinh mà thôi.

Vậy là sai ngay từ cách gọi tên, sai từ khái niệm, dẫn đến sai lầm về bản chất. Sai lầm nối tiếp sai lầm thành… tiếp tục mê lầm. Đây là điểm yếu chí tử, là “gót chân A – Sin” để, không chỉ những kẻ xấu xa bám vào đó, lợi dụng danh nghĩa đó để lừa bịp thiên hạ, mà còn để cho các loài “Ma” nhắm vào đó mà tìm cách sổ toẹt…
29/10/2013

Nguồn: Blog Nguyễn Trọng Tạo


Xem thêm:
- Cơn bão tâm linh
- Tiếng sông Hồng thở than...
- Đau gấp ngàn lần hơn...


No comments:

Post a Comment