>> Cũng là tham nhũng
>> VTV lên tiếng vì không truyền trực tiếp toàn bộ lễ tang
Lương Kháu Lão
Trước, trong và sau cái chết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có hàng ngàn bài viết về ông của các cây viết hàng đầu trong nước và quốc tế. Kẻ hèn này cũng muốn múa bút lắm nhưng lực bất tòng tâm . Chỉ chịu khó nghiền ngẫm các bài viết để cùng chia sẻ nỗi đau mất mát lớn lao này.
Bây giờ, thi hài ngài Đại tướng đã nằm yên trong lòng đất mẹ, mới dám ngồi viết đôi dòng về ông, về nhân dân vĩ đại , về những cách hành xử thiếu tầm nhìn, thiếu đạo đức, vô tâm hay hữu ý của những người có trách nhiệm.
Trước hết, xin trích đăng những ý kiến về vị đại tướng của nhân dân mà mình tâm đắc nhất :
- Chúng ta đang được chứng kiến những gì đẹp đẽ nhất của lòng dân khi cả dân tộc đang xích lại gần nhau trong một nỗi đau chung. Tướng Giáp sẽ ngậm cười nơi chín suối , khi chính ông một lần nữa chứng minh tinh thần dân tộc nằm trong chính mỗi người Việt nam , một tinh thần dân tộc chỉ có thể nghiêng mình trước một nhân cách lớn chứ không bao giờ quì gối trước bất cứ kẻ thù nào (câu kết trong một chương trình nói về Đại tướng của VTV).
- Chuyên chính vô sản bản chất là chuyên chính vô học. Người có học và đầy nhân bản như Đại tướng khó hợp với nền chuyên chính đó . Đại tướng là người chiến thắng lẫy lừng trong chiến tranh, nhưng thua cay đắng trong hòa bình (Nguyễn Tiến Dũng)
- Mở mắt ra những kẻ tị hiềm
Những ngày này cho đến muôn sau
Tướng Giáp đã thành Thánh
Thánh trên Trời
Thánh giữa lòng Dân (Ngô Minh)
- Trong những công lao vĩ đại của Đại tướng với đất nước còn có công lao này : Người đứng ngoài mọi sai lầm của lịch sử (GS Nguyễn Đình Chú ghi trong sổ tang khi đến viếng Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu)
Còn rất nhiều những bài viết , những lời phát biểu đầy hàm xúc nhưng chừng đó có lẽ đủ nói lên tất cả.
CV-VPUBND 5684.pdf |
Tình cảm của đồng bào cả nước dành cho Đại tướng có lẽ vượt quá sự trông đợi và dự đoán của các vị lãnh đạo đương nhiệm và phải chăng họ bị choáng? Nhưng đã chót cho tổ chức Quốc tang rồi, đã thành lập ban bệ đầy đủ rồi, vậy phải làm gì đây ? Sự kiện Thiên An Môn và Hồ Diệu Bang là bài học nhãn tiền của người anh em 16 chữ vàng và bốn tốt.
Có thể vì thế Đài Truyền hình Việt nam đã được lệnh phải giảm bớt sức nóng của xa lộ thông tin đang tràn lan trên các trang mạng.
Người dân mong chờ một Tang Lễ hoành tráng ở Nhà Tang lễ quốc gia Trần Thánh Tông. Nhưng người dân đã thất vọng khi nghe ông Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư Đảng, Trưởng ban Tang lễ Nhà nước đọc một lời điếu chung chung, công thức, và đọc không một chút biểu cảm, nếu không muốn nói là vô cảm .May mà nhờ bài nói vo đầy xúc động của anh Võ Điện Biên, con trai cả của Đại tướng đã nói lên nỗi đau của gia đình (Ba của chúng tôi) cũng là nỗi đau của nhân dân (Đại tướng của nhân dân) đã làm rơi lệ nhiều người.
Những người lớn tuổi khi dự tang lễ ông Hồ năm 1969 còn được thấy ông Lê Duẩn đọc lời điếu khá xúc động “Vĩnh biệt Người! Chúng ta thề…” đã có thể so sánh ông Duẩn với hậu sinh là ông Trọng về trình độ cũng như về nhận thức chính trị của người lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng, ông đã ít nhất hai lần bị hãm hại bởi chính các đồng chí của mình và cả hai lần ông đều “thoát hiểm”. Cho đến khi từ giã cõi đời, người “dân oan vĩ đại” vẫn chưa được Đảng minh oan. Nhưng nhân dân, hàng triệu người đến viếng ông tại 30 Hoàng Diệu, ở Nhà Tang lễ Quốc gia và trên các trục đường Hà Nội ra sân bay Nội Bài và từ sân bay Đồng Hới về quê hương ông đã là câu trả lời cho Đảng biết rằng ông là con người vĩ đại, là ánh áng mặt trời mà không một thế lực đen tối nào có thể bôi đen được . Những kẻ cố ý hãm hại ông còn sống sờ sờ ra đấy chắc phải rất run sợ. Những kẻ tị hiềm như nhà thơ Ngô Minh đã viết chỉ là những bầy sâu nhầy nhụa dưới chân ông.
Viết đến đây, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ có lẽ Thủ tướng Chính phủ phải xem xét lại cái nghị định quy định Lễ quốc tang cho bốn vị gọi là “ Tứ trụ triều đình” bởi đó là sản phẩm của tư tưởng phong kiến, bè phái . Không ít vị trong diện sẽ được quốc tang khi chết đi sẽ giật mình khi không biết khi đó có nhân dân nào thương xót đến viếng mình hay không hay họ lại xuống đường nhảy múa mừng vui . Không biết có vị nào dũng cảm xin thôi quốc tang ngay khi còn minh mẫn vì cảm thấy mình không xứng đáng. Chắc chả có đâu vì ở nước ta làm gì có cái văn hóa từ chức , từ chối đặc quyền đặc lợi.
Bây giờ không thể không nói đến Đài truyền hình quốc gia do anh Trần Bình Minh là Giám đốc. Là con trai ông Trần Lâm, người cùng hoạt động cách mạng năm 1945 với ông Giáp, những tưởng anh TBM Phải nhân cơ hội này đáp ứng lại lòng mong mỏi của nhân dân cả nước và cả vong linh của người cha đã quá cố. Nhưng thật buồn , theo quy định tại nghị định số 105 /TTg đối với Quốc tang phải truyền hình trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ hạ huyệt nhưng Đài truyền hình đã lờ tịt ngày nhân dân đến viếng Đại tướng . Đến ngày tổ chức Lễ truy điệu , hàng chục vạn người dân Hà Nội đổ về kín các con đường đưa linh cữu Đại tướng ra sân bay thì Đài Truyền hình Việt Nam cố ý xây dựng một kịch bản để cho anh MC Quang Minh hỏi hai ông giáo sư và hai ông này nói hoài nói hủy về những chuyện ai cũng biết trong khi cả triệu triệu người trên cả nước dán mắt vào màn hình thì thi thoảng cho thoáng qua vài hình ảnh đoàn linh xa trên đường , cảnh đưa linh cữu lên máy bay cũng không có. Rất nhiều người dân đã văng tục chửi nhà đài khốn nạn. Rất nhiều lời phẫn nộ đã được giãi bày trên các trang mạng. Họ đòi cách chức Trần Bình Minh dù biết rằng có thể anh ta cũng chỉ là nạn nhân khi cấp trên ép phải làm như vậy. Hôm nay trên báo Thanh Niên online, người đại diện của VTV đã thanh minh là làm theo đúng kịch bản – Một kịch bản láo toét, kể cả để cho “nhà thơ thần” Hoàng Minh Thuận lên đọc mấy câu ba láp tại Lễ hạ huyệt ở Vũng Chùa trong khi truyền hình VOV giao thông thì lại được khen là đã đưa được hình ảnh tiễn đưa đại tướng trên đường vớt vát phần nào. Xin nhớ cho khi Lại Văn Sâm tổ chức các chương trình truyền hình trực tiếp đã làm chu đáo rất ít sai sót vậy mà một sự kiện quan trọng như thế này, nhà đài quốc gia lại tỏ ra hoặc cố tình bộc lộ sự non kém về chính trị, sự yếu kém về chuyên môn trong khi hệ thống kĩ thuật được trang bị tới tận răng. Thế mới biết khi lòng người có vấn đề thì biểu hiện ra hành động y như thế. Trong khi khi lòng dân yêu thương Đại tướng thì dù mưa, dù nắng, dù xa xôi cách trỏ người ta cũng cố ra đường để một lần cuối được nhìn thấy Đại tướng dù Người nằm trong quan tài phủ cờ đỏ. Đấy là chưa kể một MC của HTV trong một chương trình về an toàn giao thông đã nói nghịu "Hôm nay là ngày quốc tang Đại tướng Võ nguyên Giáp, chắc chắn nhu cầu của quý vị chúng ta đến viếng đại tướng sẽ có rất nhiều vì vậy chúng ta nên nhớ chấp hành đúng luật lệ giao thông cũng như sự điều khiển của lực lượng chức năng để chúng ta có một ngày quốc tang thật nhiều niềm vui và an toàn". Thôi thì cứ cho là tai nạn nghề nghiệp và đã xin lỗi thì tha cho nhưng lãnh đạo Đài Truyền hình thì không thể thanh minh qua quýt như vậy được. Thời đại kĩ thuật số và bùng nổ thông tin, khi nhà Đài không làm đủ trách nhiệm của mình thì “Truyền hình nhân dân” bằng các loại máy quay máy chụp khác nhau đã đưa rất nhiều hình ảnh xúc động của người dân tiễn đưa đại tướng, rất nhiều bức ảnh với các góc chụp rất đắt sẽ là những bức ảnh vô giá của nhân dân chứ không phải của nhà Đài ghi lại khoảnh khắc lịch sử có một không hai này. Thời ông Hồ chết cũng không thể có những cảnh quay, những bức ảnh hùng vĩ như thế này. Đó không chỉ nhờ kĩ thuật. Lòng dân phải như thế nào với vị anh hùng của mình mới có được những thước phim những tấm hình như thế.
Xem thêm:
- "Thánh" là đây!
- Khi nhà đài xin lỗi
- Ngột ngạt tâm linh, văn minh & văn hóa
No comments:
Post a Comment