Tuesday, July 2, 2013

Thế giới riêng

>> 50 tỷ đồng cho đề án giáo dục cho đồng bào dân tộc
>> Bi kịch những đứa trẻ có cha mẹ vẫn bị gửi vào trại mồ côi
>> Trẻ kêu bị đánh - cô giáo khuyên 'không nên tin lời trẻ con'
>> Thiếu nhi Đà Nẵng phải "nhường đất" cho nhà khách!
>>>>> Triết lý... quả mít? (... cái gì cũng là mũi nhọn, hóa ra là quả mít.)


Băng Sơn

Ai cũng từng là trẻ thơ. Nhưng cuộc đời xô đẩy, sóng gió nắng mưa đã lấy đi của nhiều người phần hồn nhiên chất phác thần tiên trong trắng ấy. Nhiều người đánh mất tuổi thơ của mình, bỏ  quên nó trong dĩ vãng, nên có bậc bố mẹ khô cần, không hiểu được trẻ thơ cần gì, mơ ước ra sao, tưởng tượng thế nào…

Bắt người lớn phải hồn nhiên y hệt trẻ thơ là không được. Chả khác nào bắt cụ già chạy thì tốc độ với thanh niên. Nhưng để tạo ra thế hệ kế tiếp tốt đẹp, thành những con người chân chính, tài năng, hoàn chỉnh (ít ra là gần hoàn chỉnh), thì mỗi con người lớn đều phải tạo ra cho mình sự thông cảm, hòa đồng, chan hòa với trẻ thơ.

Tại sao trẻ em lại thích cho con chuồn chuồn nhốt vào vỏ bao diêm đem chôn rồi trồng ngọn rau, cắm chiếc lá, rào cái que bên cạnh. Lòng thương xót trước con vật vô tội đâu phải là vô ích cho tâm hồn em sau này? Bậc cha mẹ nếu cảm thông, hẳn sẽ im lặng, để em tự do trong trò chơi của mình. Còn ai khô cằn sẽ mắng mỏ: “Không được nghịch đất, không được vẩy cát. Về ngay không tao cho một trần bây giờ…”. Tại sao các em thích chơi trò bày đình bày chùa, chơi bán đồ hàng? Không hẳn là học bán mua, mà là các em tưởng tượng, là giao tiếp ứng xử, là tình bạn, là đổi trao tình cảm…

Em gái thích chơi búp bê, dù chỉ là cái gối, cái khăn cuộn lại. Còn con trai thích cưỡi ngựa là chiếc que. Không còn là sân nhà, ghế đẩu, gầm bàn, mà đã thành đồi núi, thảo nguyên, sông suối. Có thể làm đổ bàn, gãy ghế, vỡ cả bình hoa. Đối với trí tưởng tượng của em , con ngựa cần phi và nó đang phi quan trọng hơn chiếc bàn chiếc ghế.

Nhiều em gái thích được nhặt rau, rửa rau. Có bà mẹ cho em làm, dù sau đó mình phải làm lại, chữa lại, mất công hơn. Nhưng cũng nhiều bà mẹ gạt đi: “Ra chổ khác chơi, đừng quẩn chân người lớn”. Niềm vui và sự cụt hứng của hai em này ra sao, chúng ta có nhận thấy không, và nó diễn biến ra sao, để lại ấn tượng trong em bao lâu nữa, một ngày, một tháng, một năm, suốt đời? Trái tim non nớt và đôi mắt trong veo kia nhìn ta, nói gì, ta hiểu hay không?

Tôi không thể nào quên thủa lên mười, tôi cũng mê bóng đá. Tôi nhặt giẻ rách, lá chuối khô, lấy dây đai buộc thành quả bóng đầy thích thú, thế mà chú tôi sợ hỏng đồ đạc trong nhà đã vứt quả bóng ấy xuống ao. Trẻ em đá bóng, nhất định phải ồn ào, nhưng có nên tàn nhẫn như chú tôi không, mà nửa thế kỷ trôi qua, tâm hồn trẻ thơ trong tôi vẫn không quên. Nên cấm hay ngược lại, vì yêu thương mà mua cho bé quả bóng thật, tìm chỗ cho bé chơi, chỉ dẫn giờ chơi…?

Nay đang có nhiều gia đình khá giả, có thói quen ép các em phải ăn nhiều, ăn đúng phần người lớn quy định, không cần biết em đã no hay chưa, em thích hay ghét món ăn đó, em chán rồi hay đang thèm món khác… Có em ngồi ăn mà nước mắt lưng tròng, có em nghẹn mà cố nuốt, và vô tình, người lớn tao ra sự biếng ăn, tâm lý không được tự do trong ý thức các em. Về khía cạnh khoa học, nếu em đã không thích, phải cố ăn cho vừa lòng người khác, thì bữa ăn đó, món ăn đó chỉ phí hoài, không hấp thụ vào cơ thể được.

Nhiều người lớn thích tỏ ra quyền uy với trẻ thơ. Thích bắt buộc em làm thế này mà không cho em làm thế khác, không cần biết đến ý thích, mong muốn của các em.

Nhiều bậc cha mẹ, ngộ nhận con mình là thiên tài, là thần đồng, không để chút thời giờ nào cho em chơi đùa, chỉ bắt em học suốt ngày, hết ngoại ngữ tiếng nước này, nước khác, lại học toán, học nhạc, đánh đàn, học vẽ, học võ karate, tập múa .v.v… học đến cả mụ người. Các bậc cha mẹ đã quên mất một điều cơ bản: Trẻ em cần chơi đùa như cần thở, cần ăn uống vậy.

Công bằng mà nói, sự bắt buộc cũng có mặt tốt của nó, như nhạc sĩ Moza nếu không bị những trận đòn dữ dội của cha, thì có khi ông không thể trở thành nhạc sĩ thiên tài. Nhưng  chỉ nên ép buộc khi đã hiểu kỹ, hiểu đúng nhưng năng khiếu bẫm sinh, những ước muốn của mọi con người nhỏ bé mà các em thì chưa thể hiểu bản thân mình, chưa thể diển tả bằng lời những ý muốn của mình. Phải là người đầy yêu thương, giỏi tâm lý, biết chan hòa, cảm thông với tuổi thơ, may ra mới có thể làm được việc bắt buộc như thế.

Nhìn chung, nếu chỉ theo ý riêng của người lớn, cưỡng bức các em phải theo thì khó có kết quả tốt đẹp như ý muốn người lớn, không khác nào cái cây chưa phát triển đã bị uốn, bị ngắt ngọn.

Các em chưa có đủ quyền hạn, lý luận, trình độ để nói lên nguyện vọng, mong muôn của mình, làm sao mà có thể tranh cãi với người lớn, nhất là với cha mẹ, những người có quyền tuyệt đối với trẻ thơ trong gia đình. Càng ít tuổi, các em càng không thể trình bày mình trước người lớn. Những điều không được trình bày ấy, nếu tích lại lâu ngày, sẽ thành ấm ức, thành ám thị trong tâm trí, khó mà mờ phai được trong cuộc đời sau này. Có em nhạy cảm, phản ứng ngay, trở thành em bé lầm lỳ, ức chế, hay giấu diếm, có hành động ngấm ngầm (mà ta hay nói là nghịch ngầm), có em tệ hại hơn, trở thành kẻ nói dối.

Làm cha mẹ, làm người lớn thật không dễ dàng đơn giản. Nhưng vẫn không ít người nói “tôi không hiểu con tôi thi ai hiểu”, hoặc “tôi đẻ ra nó, tôi hiểu nó chứ…” v.v… đầy tính chủ quan, mà quên rằng, thế giới người lớn và thế giới trẻ thơ khác xa nhau lắm. Nuôi con cần phải học, dạy con cần phải học. Phải xuất phát từ chỗ: Vì các em, vì đời sống sau này của các em, chứ không phải vì người lớn, không phải bắt các em làm một phiên bản y hệt như cha mẹ mong muốn.

Cũng không có một công thức sẵn có nào đúng hoàn toàn cho mọi trường hợp. Mỗi em bé có một tâm hồn riêng, một cách cảm nghĩ, một bầu trời, thế giới riêng, tiếng nói riêng. Người lớn rất không nên lấy uy quyền để áp đặt theo ý mình, kẻo làm thui chột những mầm móng đáng quý, mới manh nha thành hình trong các bé thơ.

(1996)

Xem thêm:
- Pha vỡ sự bình yên
- Sức mạnh của lòng tốt
- Nợ đời phải trả
- Đó là đa nguyên đấy các cụ à!


No comments:

Post a Comment