Thursday, July 11, 2013

Cặp vợ chồng bị liệt chân - Tình yêu đẹp

Chị mất khả năng đi lại trong một cơn cảm biến chứng, anh không còn lành lặn đôi chân sau tai nạn giao thông. Bị gia đình hai bên ngăn cản, nhưng họ vẫn quyết tâm đến với nhau và sống hạnh phúc.
Trong căn phòng toàn sản phụ, anh Lê Duy Chung (31 tuổi, Triệu Sơn, Thanh Hóa) chống gậy tất bật đi lại tìm lọ sữa bột, lấy nước rồi pha cho con. Đôi chân bị tật khiến dáng đi của anh xiêu vẹo. Vợ anh, chị Trịnh Thị Hải mới sinh còn yếu, ngồi trên giường hướng dẫn chồng cách pha sữa. Nhìn anh cười rạng rỡ khi có người khen thằng bé đẹp trai giống bố, đôi mắt chị lấp lánh. Nhiều người ở phòng bên tò mò đến xem đôi vợ chồng bị liệt chân chăm con.
Anh chị gặp nhau lần đầu tiên năm 2005 qua sự giới thiệu của những người bạn. Chị mến anh vì nụ cười tươi, anh cảm nhận được chị nghị lực hơn những phụ nữ bình thường khác. Thời gian đầu, họ chỉ là bạn bình thường, sau đó sự mất mát của hai con người không được lành lặn đôi chân khiến họ dễ đồng cảm. Anh thường động viên chị những lúc chị đi bán hàng xa.
Anh Chung tự tay chăm sóc con. Ảnh: Hoàng Phương. 

Khi đó, anh Chung là thợ của một xưởng đá quý, đi lại không được bình thường sau vụ tai nạn giao thông. Bác sĩ bảo anh bị chấn thương cột sống, có khả năng phải ngồi xe lăn cả đời. Song nghị lực của người từng trưởng thành trong quân đội không cho phép anh gục ngã, anh vẫn chống nạng tập đi lại hàng ngày. Chân gãy, xương dập nát khiến bước đi xiêu vẹo, liên tục ngã, khó khăn lắm anh mới đứng dậy được, duy có nụ cười là không bao giờ tắt.
Đôi chân chị Hải cũng bị liệt sau cơn cảm biến chứng lúc còn nhỏ. Nó còi cọc, yếu ớt khiến chị luôn phải bò khi làm bất cứ công việc gì, trừ những lúc ngồi trên xe ba bánh đi bỏ mối hàng. “Khi quyết định đến với nhau cũng phải suy nghĩ nhiều lắm. Không bước đi được, tôi không thể làm đôi chân cho anh ấy. Về ở với nhau sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần những người khác”, chị Hải tâm sự.
Quyết định tiến tới hôn nhân, anh chị vấp phải sự phản đối kịch liệt từ hai phía. Gia đình muốn anh lấy một phụ nữ bình thường để còn đỡ đần những lúc trái gió trở trời, cơ thể lên cơn đau nhức, huống hồ chị còn nhiều tuổi hơn anh. Nhà chị cũng dè bỉu ra mặt, không muốn con gái lấy chồng vì sợ chị không làm tròn bổn phận dâu con, sẽ mang tiếng bố mẹ. Bạn bè cũng khuyên cả hai nghĩ lại, sợ lấy nhau về sẽ nặng gánh gấp đôi.
Nhưng anh động viên chị “mình khuyết thiếu cơ thể, chứ có thiếu về tình cảm, tâm hồn đâu. Đâu phải lấy người lành lặn thì sẽ có hạnh phúc như mong muốn, quan trọng là vợ chồng thương yêu nhau”. Nghe được lời nói đó, chị vượt qua tất cả mặc cảm, gật đầu làm cô dâu của anh vào một ngày tháng 6/2009.
Ngày cưới, chị cũng lộng lẫy váy áo chẳng kém ai. Dù bước đi khó khăn, nhưng chú rể vẫn tự tay đẩy xe lăn cho cô dâu đến tận cửa xe hoa. Quãng đường hơn 30 km từ Triệu Sơn về Đông Sơn, anh cười còn chị khóc, tất cả đều vì hạnh phúc vỡ òa. Đám cưới chật kín người vì dân xung quanh tò mò xem đôi vợ chồng khuyết tật cưới nhau. Người mừng nhiều, người lo cũng không ít, nước mắt và nụ cười đan xen.
Kể đến đây, chị Hải liếc nhìn chồng đang nựng con trai, rồi cười nói: “Mọi thủ tục diễn ra bình thường, chỉ trừ hai việc là thắp hương gia tiên và bế cô dâu vào buồng cưới để chụp ảnh thì phải nhờ một người khác mà không phải là chú rể”.
Ngày về làm dâu nhà anh, chị cùng chung vai gánh vác gia đình. Người khác gắng một thì chị cố gấp đôi, gấp ba. Bố chồng ốm nặng, chị cùng anh thuốc thang chăm sóc, rồi tất tả ngược xuôi chạy chợ, đi xa bỏ mối hàng khăn mặt, quần áo trẻ con... Biết anh khéo tay, chị bàn với anh mở tiệm cắt tóc nhỏ, đỡ phải đi lại vất vả.
Nói về người phụ nữ của cuộc đời, anh Chung chỉ mỉm cười: “Khâm phục lắm. Không khâm phục sao được khi cô ấy đã nghị lực từ bé”. Nhắc lại tuổi thơ cơ cực của vợ, anh lại ngậm ngùi thương.
Sinh năm 1981, chị Hải bị cơn cảm biến chứng cướp mất đôi chân từ lúc lững chững biết đi. Hải lớn lên bình thường, chỉ đôi chân không lớn mà ngày một teo đi, hầu như không có tác dụng gì trong sinh hoạt. Hải bắt đầu nhận thức rõ sự thiệt thòi khi trẻ con trong xóm chạy nhảy, rồi đi học trong khi mình chỉ biết bò quanh nhà làm mọi việc, từ nấu nướng, giặt giũ đến chăm sóc những đứa em cùng cha khác mẹ.
Thèm được đến trường, cô bé làm chiếc cặp khung tre dán giấy, quai đeo bằng dây chuối, bò quanh nhà giả vờ được đi học như bạn bè. Cô giáo Thanh ở gần nhà cảm thương, đến vận động bố mẹ cho Hải đi học và hứa sẽ đưa đón hàng ngày. Thế là Hải vào lớp 1 khi tròn 9 tuổi. Vốn thông minh, Hải được học “nhảy cóc” hai năm một lớp cho kịp với bạn bè. “Ba năm tiểu học cũng là ba năm cô Thanh đưa đi đón về. Nếu không có cô, có lẽ cuộc đời tôi đã rẽ sang hướng khác”, chị Hải nhắc đến cô giáo tiểu học với lòng biết ơn vô hạn.
Hết tiểu học, cô giáo không thể đưa đón do trường cấp hai ở xa  nhà. Nhìn sự bất lực của cha và sự ghẻ lạnh của người dì, chị đành nuốt nước mắt khi nghe câu nói “người lành còn chẳng ăn thua, nữa là khuyết tật”. Được cô Thanh tặng cho chiếc xe lăn, Hải nghĩ “không được buông xuôi nếu muốn trở thành gánh nặng cho người khác”. Năm 16 tuổi, Hải xuống thành phố. Ban ngày với một giỏ đồ để trước ngực, chị ngồi xe lăn đi khắp các bến xe, nhà ga để bán hàng rong. Đêm xuống chị lại về xóm trọ ở chung với những người cùng cảnh ngộ.
Được hơn một năm, Hải đi học nghề may rồi về quê ở Dân Lý, Triệu Sơn, mở tiệm. Công việc ổn định nhưng thu nhập chưa cao, chị quay sang buôn bán các mặt hàng, từ chiếc tất của trẻ sơ sinh đến khăn mặt... Lúc đầu chỉ loanh quanh trong huyện, sau sang các vùng lân cận. Dành dụm mua được chiếc xe ba bánh, chị đi xa hơn, ngược lên tận miền núi Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa. Hầu như vùng nào của tỉnh Thanh chị đều từng đi.
Có lần lên tận Cẩm Thủy, xe của Hải bị chết máy giữa nơi đồng không mông quạnh. Chị không làm gì được, đành ngồi yên chờ xem có ai đi qua không thì nhờ giúp. Cứ chờ mãi từ 14h chiều tới gần nửa đêm giữa trời mưa phùn gió bấc, vừa mệt vừa đói, may sao có chiếc xe công nông chạy ngược chiều đến, chị được người ta giúp đưa về nhà tá túc.
Anh-3-JPG-1373596273_500x0.jpg
Vợ chồng anh Chung – chị Hải: "Chỉ mong con được lớn lên khỏe mạnh, không gặp bất trắc gì”. Ảnh: Hoàng Phương.
Lấy nhau về, chị tiếp tục bươn bả khắp các ngả đường đi bỏ mối hàng. Trừ những lúc ngồi trên xe, còn lại chị đều bò khi làm việc nhà, kể cả lúc mang thai bé Gia Bảo. Sau bao năm chắt chiu, anh chị mua được miếng đất, rồi xây nhà cửa ở thôn 2, xã Hợp Thắng (Triệu Sơn).
Hải tâm sự, từ lúc yêu cho đến khi cưới và sống với nhau như bây giờ, chị chưa bao giờ hối hận vì đã chọn anh. Chồng chị lãng mạn, lại là người biết chia sẻ và tâm lý với vợ. Kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật chị, anh đều không quên chúc mừng và khiến vợ bất ngờ bằng những món quà nho nhỏ, có khi là bông hoa, lúc là những món ăn ngon cho hai người.
Thời gian này anh chăm chỉ luyện tập, đi lại nhiều hơn. Nhiều lúc thấy chồng bị ngã, chị bò đến động viên và để anh loay hoay tự đứng lên. Anh hy vọng đôi chân chưa tàn phế hẳn, luyện tập để đi lại vững vàng hơn. “Đến ngày Gia Bảo tập đi, tôi sẽ cầm tay con dắt nó đi những bước đầu tiên trong đời. Sau này bố ngã thì có con nâng”, anh nói.
Khi chị mang thai, ngày nào anh cũng ngâm nga câu hát “Làm chồng vui lắm ai ơi”, rồi áp tai vào bụng vợ và nói chuyện với con, dặn dò con trai phải khỏe mạnh. Chị cũng tự nhủ, sau này sẽ nuôi dạy con thật tốt, biết thương yêu người khác, nhất là những người khuyết tật như ba mẹ của nó.
Hai lần vuột mất cơ hội làm mẹ khiến chị lo lắng, căng thẳng. Anh chở vợ đi khám thai một tuần một lần. Chính vì sự cẩn thận, chu đáo của anh mà lần khám cuối cùng, bác sĩ phát hiện chị bị cạn nước ối, phải mổ sớm 10 ngày. Bé Gia Bảo nặng 3,1 kg chào đời trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng bị liệt chân.
Tác giả bài viết: Hoàng Phương
Nguồn tin: Báo VnExpress

No comments:

Post a Comment