Friday, July 12, 2013

Con tôi chỉ muốn làm thợ sửa xe đạp

>> Liêm mà không chính (phiếm đàm)
>> Hun Sen xin ân xá cho đối thủ (cao thủ!)
>> Đà Nẵng tạm dừng việc bồi dưỡng CSGT
>> “Lo nhất là có luật mà vẫn lãng phí” (Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi, tại sao có đầy đủ hệ thống Đảng, đoàn thể, kiểm tra mà các vụ lãng phí lớn đều do người dân, báo chí tố lên, không thì cũng là do đấu đá nội bộ mà vỡ lở? Khi biết rồi thì xử lý ra sao, tiếp thu kiểm tra thông tin dân, đại biểu, báo chí phản ánh như thế nào? Cần phải lượng hoá thế nào để quy trách nhiệm?)


(VOV) -Trong suy nghĩ của một đứa trẻ như nó, nghề sửa xe đạp có lẽ là một nghề rất ấn tượng!

Khi con trai tôi bước vào cấp 2, có một lần tụ họp gia đình, nói chuyện về tương lai, tôi đã hỏi cháu:

- Lớn lên con sẽ làm gì?

- Con sẽ đi sửa xe đạp. – Cháu trả lời chắc nịch và hãnh diện.

Cả nhà cười ồ. Ai cũng chế nhạo con trai tôi: người ta mong muốn lớn lên làm bác sĩ, kỹ sư, giám đốc…hay gì gì oách lắm, anh chàng này lại thích… đi sửa xe đạp.

Khi thấy con tẽn tò, tôi hỏi: - Tại sao con lại thích nghề sửa xe đạp?

Cháu giải thích đơn giản: - Vì bác sửa xe đạp đầu ngõ nhà mình rất giỏi. Cái xe đạp của con bị làm sao, bác ấy đều sửa được hết.

Quả đúng vậy! Và vài lần quan sát con trai mình, tôi nhận thấy cháu rất ngưỡng mộ bác sửa xe đạp. Cu cậu có thể ngồi hàng giờ xem bác vá xe, cân vành một cách say sưa… Trong suy nghĩ của một đứa trẻ như nó, nghề sửa xe đạp có lẽ là một nghề rất ấn tượng!

Con trai tôi học không giỏi. Việc theo học suốt những năm tháng cấp 1, cấp 2 đều lẹt đẹt trung bình hoặc trung bình khá. Khi bị áp lực căng thẳng từ phía cha mẹ, và thày cô thì cu cậu cố gắng lắm cũng chỉ vươn lên mấp mé mức khá.

Với sức học như vậy, điểm cộng vào cấp 3 của cu cậu kém hơn hẳn các bạn, không thể đủ điểm để vào được các trường THPT top 1, top 2, vì vậy phải chấp nhận học ở các trường kém hơn hoặc theo học ở các trường dân lập mức trung bình.

Tuy học hành chểnh mảng nhưng cu cậu lại biểu lộ một số năng khiếu khác. Cháu có thể tháo dỡ đồ chơi, rồi lắp ráp lại rất khéo léo, kể cả những đồ chơi điện tử khá phức tạp. Rồi những trò chơi đòi hỏi "nhanh tay, nhanh mắt’’, cu cậu luôn vượt trội, đứng đầu.

Tôi nghĩ con trai tôi là một đứa trẻ thông minh. Tất nhiên, bố mẹ nào chẳng nghĩ con mình là trung tâm của vũ trụ. Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sau này sẽ trở thành ông nọ, bà kia, chứ không thể đi sửa xe đạp. Tôi cũng không ngoại lệ.

Thế nhưng tôi biết, với sức học như thế, nếu thi đại học, con trai tôi, chắc chắn sẽ nằm trong số 2/3 sĩ tử đang lao như con thiêu thân vào cánh cổng giảng đường đại học mơ ước để rồi….trượt vỏ chuối. Bởi lẽ, trong số hơn 2 triệu thí sinh tham gia dự thi, chỉ tiêu của các trường chỉ lấy 1/3 ( khoảng 640.000 người). Theo đó sẽ có hơn 1,3 triệu thí sinh phải lựa chọn con đường khác.

Biết là vậy! Nhưng tôi cũng như rất nhiều cha mẹ khác sẽ vẫn cứ a-dua cho con mình đi thi đại học, theo kiểu con anh thi đại học, con tôi cũng thi chứ, bạn bè đi thi thì con cũng phải đi thi, không thi để mọi người chê cười cho à?

Mà  đại học cũng dăm bảy đường đại học, biết đâu ‘’học tài, thi phận’’, may mắn lại rơi đúng vào con mình, vậy nên người người, nhà nhà vẫn cứ cho con thi thử một lần cho biết. Vậy là cứ tốt nghiệp xong lớp 12 là lũ lượt kéo nhau lên thành phố dự thi. Kỳ thi nào cũng rầm rộ, cũng tắc đường, cũng không còn chỗ trọ… cha mẹ nào cũng ảo tưởng về một tương lai sáng lạn sau tấm bằng đại học của con mình.

Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền cho con đi du học tự túc, để mua lấy tấm bằng đại học, rồi lại tốn kém một lần nữa để chạy chọt, xin xỏ cho con vào làm chỗ này, chỗ kia. Nếu làm một phép tính đơn giản thì không biết bao nhiêu năm đi làm, với hệ số lương công chức, viên chức như bây giờ mới đủ bù lại số tiền đầu tư cho quá trình ‘’mua chữ’’ ấy. Dĩ nhiên không thể so sánh tri thức với tiền bạc, song rõ ràng, nhiều khi cũng chỉ nhằm mục đích rất hão huyền là có tấm bằng đại học để… lấy cái danh.

Thế nhưng, để trả lời câu hỏi ‘’không thi đại học thì sẽ làm gì?’’ lại không dễ dàng chút nào. Sẽ là khó khăn để các bậc cha mẹ chấp nhận con mình đi sửa xe đạp, làm công nhân, làm thợ…thế nhưng lại chấp nhận được việc một tấm bằng cử nhân, đại học đi làm tiếp thị, lễ tân, chạy bàn, bảo vệ hay thậm chí chẳng có việc làm.

Nghịch lý này xuất phát trong chính nhận thức của người lớn. Ai đó cũng có thể nói về chuyện thừa thầy, thiếu thợ, chuyện mất cân đối giữa đào tạo và việc làm, chuyện thiếu trầm trọng những lao động tay nghề cao.v.v.. nhưng hình như đó chỉ là câu chuyện ở đâu đó xa lắm, của người khác chứ không phải trong gia đình mình, chuyện con cái mình.

Quay trở lại với câu chuyện của con trai tôi. Làm thợ sửa xe đạp không tốt ư? Không phải. Chiếc xe đạp là vật dụng được coi là rẻ tiền thì dĩ nhiên việc sửa chữa nó sẽ chỉ kiếm được ít tiền thôi. Và chẳng ai muốn tương lai của con mình nghèo túng hay hèn kém cả. Vậy nên mới có chuyện đồng ý  thất nghiệp nằm nhà, chơi bời lêu lổng nhưng lại ‘’sĩ diện’’ không chấp nhận đi làm để cải thiện thu nhập, giúp đỡ gia đình bằng những công việc hay lao động chân chính giản dị thông thường.

Người lớn chúng ta đã nhồi nhét vào đầu con trẻ những suy nghĩ nhiều khi rất lệch lạc. Thực tế, mong muốn trở thành một người thợ giỏi tay nghề như một bác thợ sửa xe đạp mà con tôi thần tượng là hoàn toàn chính đáng. Đáng lẽ thay vì chế nhạo, người lớn cần có những phân tích, định hướng cho trẻ để phát huy khả năng, thế mạnh và có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Có thể, sau này ước mơ trẻ con ngày nào chỉ là câu chuyện hài hước với con tôi nhưng mỗi lần nhớ lại tôi lại thấy vững tin hơn khi phải quyết định lựa chọn trường hay ngành học cho con mình./.


Tuyết Yến


Xem thêm:
- Thế giới riêng
- Đôi khi cần phải im lặng
- Hãnh diện vì con


No comments:

Post a Comment