Friday, January 11, 2013

Quá ẩu hay là sự ngây thơ đầy toan tính

Hy vọng vào sự đổi thay, khao khát sự thay đổi ư? Người viết xin nhắc lại câu này, chữ ký rõ ràng là của một người nhưng tập thể lãnh đạo...


Bút chiến!

Việc "Một góc nhìn khác" chê Tổng bí thư Trọng nhu mì, chê Chủ tịch nước Sang không dám nói tên 'đồng chí X', chê Thủ tướng Dũng điều hành chính phủ kém... và khen 'cụ Bá' (từ của blogger Trương Duy Nhất) có đủ tài khuynh loát đám đông mà trong lịch sử Việt Nam (chắc là cận đại) chỉ có Hồ Chí Minh và Lê Duẩn làm được, đó là chuyện riêng, nhận định riêng của tiên sinh, không bàn cãi làm gì. Nhưng, có những câu từ ngữ nghĩa mà người cầm bút lọc lõi kia đã định hướng và phán quyết khiến người viết bài này thắc mắc, nghi vấn, phải đặt dấu chấm hỏi.

thật sự dân chủ?

Trong entry "Chia tay cụ Bá", anh Nhất viết "Chưa có quan tỉnh nào bước chân vào cửa Ba Đình lại được dân tình khen nức nở và kỳ vọng lớn vậy. Nếu có một cuộc bỏ phiếu thật sự dân chủ vào lúc này, tôi tin dân tình cả nước dồn phiếu cho cái tên Nguyễn Bá Thanh nhiều nhất." Không hiểu tiên sinh hiểu thật sự dân chủ là như thế nào, nhưng đã quả quyết đánh dấu chấm than nhận định của mình là "dân tình cả nước dồn phiếu cho cái tên Nguyễn Bá Thanh nhiều nhất."

Xem như, bạn đọc đã được mở mắt một khái niệm thật sự dân chủ đang chứa đựng trong đầu blogger Trương Duy Nhất so với một khái niệm dân chủ khác thường nghe, đọc, viết, thấy "công bằng, dân chủ, văn minh" thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cái khẩu hiệu ấy đã ngấm sâu trong mỗi người dân và theo suốt hành trình của báo chí cách mạng Việt Nam, nơi mà nhà báo Trương Duy Nhất từng công tác một thời gian rất dài, nơi đã rèn luyện, tạo điều kiện và định hình những bước đi đầu tiên về chuyên môn, cơ sở vật chất, mối quan hệ... của con người Trương Duy Nhất, kết quả là dân cư mạng biết đến một blog lẫy lừng như hiện nay đang dẫn dắt dư luận một khái niệm dân chủ mới mà anh ấy cho là thật sự.

Vậy thì từ trước đến nay, người dân mình đi bầu, đi bỏ phiếu vì mục đích gì, để làm gì... và có thể coi là vô nghĩa nếu áp dụng cái thật sự dân chủ của anh Nhất. Và cũng nên nhắc lại, cụ Bá nổi như cồn hiện nay chính là nhờ những lần đi bầu, đi bỏ phiếu theo khái niệm dân chủ của báo chí cách mạng Việt Nam đấy.

Thực ra, ông Thanh có được bầu làm Chủ tịch thành phố, Bí thư thành phố hay Tân Trưởng ban Nội chính... thì kết quả ấy có được là do sự chọn lọc giữa ông ta và các đồng chí của ông ta, do sự sắp sếp nhân sự của đảng ông ta. Nhân dân biết được gì, hiểu được gì... trong các chức danh đó mà bầu với bỏ.

Còn nếu bỏ phiếu theo kiểu dân chủ thiện cận của riêng người viết thì ông Nguyễn Bá Thanh cứ ra tranh cử thử xem, nhưng cũng cần phải cho biết đối thủ tranh cử của ông ta là ai chứ.

- Nếu như đối thủ của ông Thanh là giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nhà sử học Dương Trung Quốc, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tiến sĩ Nguyễn Quang A, kinh tế gia Trần Du Lịch...
- Nếu như đối thủ của ông Thanh là tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, luật sư Lê Công Định, blogger Điếu Cày...
- Nếu như đối thủ của ông Thanh là Osin Huy Đức, chủ nhân blog Ba Sàm, chủ nhân blog Quê Choa, chủ nhân blog Một góc nhìn khác, chủ nhân blog Beo...

Thành phần tranh cử mà 'dữ dằn' như thế chắc dân tình cả nước phải đau đầu, đắn đo suy nghĩ kỹ càng.., không biết chừng lại dồn phiếu cho cái tên blog Một góc nhìn khác nhiều nhất.

Viết ba láp ba sàm vậy thôi, bà con đừng có vỗ tay mà tội nghiệp.

Anh Nhất khen cụ Bá thì anh Nhất có quyền bỏ phiếu, nhưng đừng ép chữ 'thật sự dân chủ' để định hướng, dồn dân tình cả nước bỏ phiếu nhiều nhất vào một cái tên Nguyễn  Bá Thanh mà không cho nhân dân biết đối thủ tranh cử với ông ấy là nhân vật nào thì thật sự là quá ẩu, còn nếu chỉ một mình ông ta ra ứng cử thì nói làm gì nữa, có thể phong thánh cho tiên sinh vì đoán quá đúng.

Riêng chuyện bầu bán giữa ông ta và các đồng chí của ông ta, của đảng ông ta thì xin miễn bàn. Và dân tình cả nước cũng đừng có mơ...

đúng sai gì không biết?

BBC vừa mới đăng bài "Tại sao kỳ vọng vào Nguyễn Bá Thanh?", nhà báo Trương Duy Nhất cho biết "Người dân đang khát khao một sự thay đổi, đúng sai gì không biết, nhưng tình hình đã quá u ám, trì trệ kéo dài. Phải thay đổi, phải khác những gì đang có." Khi túng tiền, nhiều người đàng hoàng cũng đã tìm cách đánh kèo bóng đá để mong có một số tiền như ý trong một thời gian thật ngắn, dân cá độ chuyên nghiệp nói rằng kèo đó năm ăn năm thua, và cũng dân cá độ chuyên nghiệp thống kê rằng, thua thì nhiều chứ ăn được bao nhiêu, chỉ có những thằng làm cò, làm cái mới là hưởng lợi. Khao khát một sự thay đổiđúng sai gì không biết cũng sẽ có kết quả như vậy đó.

Người viết chưa bao giờ tin rằng 'blogger cẩn thận từng lỗi chính tả này' có thể suy nghỉ thiếu chín chắn, vô minh như vậy được. Nhưng ngồi dò dẫm cả bài báo, vẫn không tìm được cái ý chính, cái ý thuyết phục để có thể đồng thuận cùng anh Nhất kỳ vọng vào Nguyễn Bá Thanh. Nhà báo không cho biết và hình như cũng chẳng biết cụ Bá sẽ làm gì, có những hoạch định gì trong cương vị mới.

Cơ chế và cách quản lý nhà nước này đã sinh ra, tạo nên những nhân vật nổi bật. Trong chính trị có 'hiện tượng' Hồ Đức Việt, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Trường Tô, Nguyễn Sự... Trong kinh tế có 'hiện tượng' bầu Kiên, bầu Đức, chúa đảo Tuần Châu, bà Tư Hường, Dương Thị Bạch Diệp, Đặng Lê Nguyên Vũ...Trong điều hành vĩ mô có 'hiện tượng' Trần Xuân Giá, Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ, Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng... Chưa kể những lĩnh vực khác như báo chí, thể thao, văn hóa, nghệ thuật, xã hội đen, thế giới ngầm... thì con số đó thống kê không xuể mà điển hình nhất là 'hiện tượng' thơ Hoàng Quang Thuận. Để hiểu cơ chế và cách quản lý nhà nước này như thế nào, không cần tìm kiếm đâu xa, chỉ cần vào xem blog Trương Duy Nhất là có thể nắm được khái quát vấn đề. Và nghịch lý cũng nằm trong những câu văn tưởng chừng như có lửa đấy, bạn đọc nào tinh ý sẽ nhận ra ngay.

Khi không biết trong đầu người ta nghĩ gì, sẽ định làm gì, mãi vùng vẫy trong hệ quy chiếu hẹp của canh bạc chính trị đặc thù Việt Nam hay thổi vào đó hơi hướng của thời đại, của tiến bộ xã hội trên tinh thần 'phải cho dân mở miệng', tinh thần thượng tôn pháp luật để rồi hiếp dâm chữ 'quyền lực chỉ thông suốt' trên chiếc gường có tên là 'có tài khuynh loát đám đông', đặt số phận người dân đỏ đen vào khao khát một sự thay đổi đúng sai gì không biết là quá ẩu. Dân chủ bài bản cũng như lô đất hình chữ nhật, như ngôi nhà mà tiên sinh đang thường trú, nó không có sẵn, nó có được là do mồ hôi, nước mắt, nhiều khi phải trả giá bằng máu nữa. Đời không ai cho không ai cái gì, ngay cả một lời khen.

"Móc họng, đấm nốc ao" một Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, một Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn, một Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô, một Tướng công an, Tổng biên tập báo CAND Nguyễn Hữu Ước, một Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.., nhưng lại hết sức "kín kẽ, nhẹ nhàng" với 'những tì vết', với 'khá nhiều điều tiếng' của cụ Bá mà Trương tiên sinh biết, biết rất rõ. Cẩn thận không bao giờ thừa, ngạn ngữ xưa có câu "tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa". Bỏ ngõ một vế, rồi cố tình "khuếch trương, tô vẻ hay lột trần trụi, xách mé" một vế, đấy là việc làm của một kẻ có chủ đích, có mưu lợi. Khôn khéo đến tận cùng, hình ảnh 'Nhân vật của năm 2012' được blogger Trương Duy Nhất chọn là 'Dân oan giữ đất' làm hả hê nức lòng những công dân mạng. Nhưng, như một sự kiểm duyệt tuyệt đối, sẽ chẳng có 'Dân oan giữ đất' của Đà Nẵng (nơi địa phương tiên sinh thường trú) và vấn đề oan trái của họ được xuất hiện trên blog của tiên sinh. Thực tế đến nghiệt ngã, Đà Nẵng không thiếu hay nói chính xác hơn là rất nhiều 'dân oan giữ đất', không thiếu người trong số họ đã tìm đến nương tựa sự công bằng chính trực của tiên sinh, và chẳng lẽ những khiếu kiện của họ đều vô lí, dối trá cả. Còn báo chí tại địa phương, bạn đọc xin đừng thắc mắc, vô ích.

Khát khao một sự thay đổi khiến 'hiện tượng Nguyễn Bá Thanh' bội thực trên khắp các mặt báo quốc doanh, bản thân cụ Bá cũng bội thực những lời khen. Trên thế giới mạng, đâu đó lại lấp lánh một cụm từ rất mới 'nhà độc tài thương dân' trong tiếng Việt, bạn đọc cũng có thể hòa chung bữa tiệc với blog Quê Choa khi nhà văn Nguyễn Quang Lập ca ngợi ông Nguyễn Bá Thanh biết đội xã tắc trên đầu và đỉnh điểm là cách ví von của nhà báo Trương Duy Nhất về cái tài khuynh loát đám đông sánh ngang Hồ Chí Minh và Lê Duẩn. Ở đời, muốn cưỡi ngựa xem hoa đâu dễ, phải sang trọng, quý phái mới làm được, và lịch sử, vẫn từng công nhận Hòa Thân là bậc tài trí hơn người. Thôi thì, một người nông dân giỏi là một người nông dân tạo dựng cho mình một ngôi nhà cao tầng khang trang, sạch đẹp, tiện nghi đầy đủ, hiện đại sau khi đã bán xong 80% phần trăm thửa ruộng mà ông bà tổ tiên để lại cho mình.

Xóa bỏ ban Nội chính cũng là một sự thay đổi lớn, lập lại ban Nội chính cũng là một sự thay đổi lớn. Nhưng người dân cần, mong muốn, khát khao, nguyện cầu một sự thay đổi đúng vì mỗi sai lầm đều đem lại sự đau đớn, nghiệt ngã cho chính người dân, mà họ mệt mỏi, lo lắng thì chính phủ mạnh sao được, đất nước hùng cường sao được. Chữ kí rõ ràng là của từng cá nhân nhưng tập thể lãnh đạo, ông Thanh trên cương vị mới sẽ làm được gì với bài toán trên. Ông có quyết định ra Hà Nội khi Đà Nẵng đang rục rịch phát hành trái phiếu. Đây không phải là phát minh gì ghê gớm, trái phiếu địa phương thì Trung Quốc cũng làm rồi, thất bại, cuối cùng xóa bỏ, chấm dứt. Việc phát hành kia chỉ chứng minh được một vấn đề, ngân sách địa phương hiện tại rất khó khăn, nợ công đang nhiều. Giá như sự thay đổi, tài khuynh loát của vị Tân Trưởng ban Nội chính trước khi chia tay để lại cho Đà Nẵng một đô thị khang trang sạch đẹp, một ngân sách kha khá và nợ công bằng zê-rô thì hay biết mấy, điều đó là không tưởng phải không bạn đọc. Nhưng, Đà Nẵng không phải là tập đoàn kinh tế, không phải là doanh nghiệp.., Đà Nẵng chỉ có đầu tư công và nợ công, có vay vốn hay phát hành trái phiếu thì suy cho cùng tiền đó cũng từ dân mà ra, cũng là do dân nộp thuế.

Từ một thành phố nhỏ, Đà Nẵng đã chuyển mình thay đổi cùng với sự ra đời của công viên nước, phá bỏ những cánh rừng phi lao, dương liễu phòng hộ ven biển, trồng hoa sữa cho nồng nàn xanh đẹp đô thị.., rồi Đà Nẵng tiếp tục chuyển mình thay đổi bằng cách xóa sạch công viên nước, trồng lại những cánh rừng phi lao, dương liễu, nhổ bỏ hoa sữa để thay thế bằng một thực vật khác... Sự thay đổi lần thứ nhất hay sự thay đổi lần thứ hai hay sự thay đổi lần n... thì cũng là tiền của dân, dân sướng hay khổ cũng chỉ là chuyện của riêng dân. Nhắc lại những sai lầm bé nhỏ kia thì thật sự không tương xứng cái tài khuynh loát của nhà chính trị khổng lồ Nguyễn Bá Thanh, chỉ mong ông trên cương vị mới chỉ thay đổi đúng chứ đừng thay đổi sai, tội nghiệp dân lắm. Cũng may, bằng sự nhạy bén thiên bẫm của mình, ông kịp thời phát hiện và đào tạo cho Đà Nẵng yêu thương một nhà chính trị trẻ trung Nguyễn Xuân Anh, rõ ràng gốc gác, học vị đàng hoàng.., coi như bộ phim kết thúc có hậu.

Bỏ lại sông Hàn nước lợ, cụ Bá sẽ được tắm gội nước ngọt sông Hồng, khí tiết Hà Nội làm mùi hoa sữa êm dịu, nhẹ nhàng lan tỏa chứ không hung hăng, xồng xộc, nồng nặc đến nghẹt thở như hoa sữa Đà Nẵng mà ai đó đã từng xông xáo, hùng hổ đêm về trồng, để rồi đột phá. Hy vọng dòng sông ấy, khí tiết ấy, mùi hoa sữa ấy... sẽ cảm hóa được lòng người xa xứ, điềm đạm hơn, hiền lành hơn, cao thượng hơn, công bằng hơn, sáng suốt hơn, trong sạch hơn.., và điều quan trọng là có những thay đổi đúng, chứ cái kiểu vừa làm vừa sửa, vừa mò mẫm... thì tội nghiệp dân lắm các ông ơi!

Trương Duy Nhất nhận định ông Thanh nhận chức mới để tạo đà bước chân vào Bộ chính trị, rồi sẽ ngồi ghế Thủ tướng nếu như có thể... Đó là thì tương lai, lịch sử nước mình đã có nhiều ông vào Bộ chính trị, đã có không ít ông làm Thủ tướng... Xong nhiệm kỳ, họ về an dưỡng tuổi già, thành tích và chỉ có thành tích được chính phủ công nhận qua các huân, huy chương, bằng khen, được báo chí cách mạng tôn vinh. Đối với người dân, họ hiểu đơn giản rằng khi ngồi vào những chiếc ghế vua có nghĩa là an toàn tuyệt đối, và hình như, cũng đem lại an toàn cho những kẻ tôi trung, xem đó như phần thưởng cho sự sáng suốt biết tìm ra minh chủ.

Hy vọng vào sự đổi thay, khao khát sự thay đổi ư?
Người viết xin nhắc lại câu này, chữ ký rõ ràng là của một người nhưng tập thể lãnh đạo...

chất Quảng?

có người từng nói nhà báo Phan Khôi đậm chất Quảng,
có người từng nói 'nhà thơ điên' Bùi Giáng đậm chất Quảng,
có người từng nói nhà chủ bút Huỳnh Thúc Kháng đậm chất Quảng,
có người từng nói nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh đậm chất Quảng...

Người viết từng đọc 'Người Quảng Nam' của nhà thơ Lê Minh Quốc, cuốn sách cho thấy rõ cái hay cái dở của người Quảng Nam một cách cụ thể, sinh động. Giờ đây, thêm một tham khảo về chất Quảng khi Trương tiên sinh truyền thần chân dung cụ Bá: 'Ấn tượng nhất là ông Thanh luôn luôn thích đối thoại. Tính khí của ông Nguyễn Bá Thanh mang chất Quảng rất rõ - con người lúc nào cũng hừng hực, luôn luôn muốn làm việc, luôn luôn muốn đổi thay. Tôi thích tính cách đó.' Vội ghi lại, cất đó, nghiền ngẫm, quan sát, xem như một tư liệu sống.

Nhưng quá ẩu là điều này, khi 'Một góc nhìn khác' trả lời còm của một bạn đọc có nickname Lê Hùng tại entry "Nhân vật đầu năm: Nguyễn Bá Thanh". Lê Hùng hỏi: "Những hình ảnh trên sân bóng có khi lại liên tưởng đến việc thay đổi chiến thuật: đảo cánh, chồng biên. Mong rằng lịch sử không lặp lại những cái tên như Phan Diễn, Trương Quang Được, Nguyễn Văn Chi anh Nhất nhờ. Nhưng không hiểu sao ông Nguyễn Xuân Phúc người xứ Quảng mà lờ đờ nước hến, chán !??" Anh Nhất đáp:

"- Nguyễn Bá Thanh không phải tuýp người như Phan Diễn, Trương Quang Được. Ông Diễn, ông Được chắc sống ở Bắc quá lâu nên nhiễm chất Bắc Kỳ rồi, không còn chất Quảng nữa.
- Nguyễn Xuân Phúc là con người gặp vận may, chứ không phải người tài. Và cái khí chất Quảng trong con người ông Phúc rất mờ nhạt. Ông nói tiếng Quảng chay nhưng cái khí chất trong ông lại có vẻ… Bắc Kỳ!" (Tiên sinh nhận định thiếu ông Nguyễn Văn Chi?)

Vì sao người viết cho là quá ẩu, có 3 điều cần phải bàn đến:

Thứ nhất, người Quảng là người Quảng, hay dở gì cũng là người Quảng, không phải vì những người đó trái ngược với tính cách cụ Bá mà blogger Trương Duy Nhất suy diễn chất này, chất nọ. Vậy cứ theo lối suy diễn ấy, anh Nhất bói xem thử xem trong các cuộc họp Hội đồng Nhân dân Tp Đà Nẵng, có bao nhiêu người mang chất Quảng, có vẻ... Quảng?

Thứ hai, tiên sinh định nghĩa như thế nào là chất Bắc Kỳ, có vẻ... Bắc Kỳ hay chỉ viết cho sướng tay theo kiểu "ngu mà tỏ ra nguy hiểm". Và tiên sinh cũng nên nhớ thêm một điều rằng, người Bắc không bao giờ gọi người Nam là Nam Kỳ, người Trung là Trung Kỳ.

Thứ ba, thực ra từ Bắc Kỳ xuất hiện thời Pháp thuộc, là cách gọi của người đàng trong, người miền Nam đối với những ai nói giọng Bắc với mục đích không tốt, có ý chê bai, miệt thị, phân biệt vùng miền.., do điều kiên lịch sử ngày xưa khó đi lại, ít giao tiếp lẫn nhau. Bây giờ, người dân đi lại khắp nơi trong cả nước, đã hiểu quá về nhau, rất hiếm kẻ nào phát ngôn như vậy. Một trí thức, một nhà báo thâm niên, một blogger chính luận có lượng bạn đọc kỷ lục cả trong và ngoài nước lại dùng từ... một cách tùy tiện thì quả thật là đáng tiếc.

Lại bàn về chất Quảng, theo thống kê, theo suy luận chủ quan của người viết, thì người Quảng Nam hợp với nghề viết lách, văn chương, thơ phú, báo chí.., nhưng không giỏi làm chính trị, nói thật ra là thường thất bại khi ham hố quyền lực đỉnh cao. Cái nhận xét đầy cảm tính này mong bạn đọc góp bàn thêm.

Buồn cười cái chuyện trước đây, khi Đà Nẵng bằng mọi giá xin trung ương tách ra khỏi Quảng Nam-Đà Nẵng khốn khó để vụt sáng trở thành 'hiện tượng miền Trung' như bây giờ, vấn đề sắp xếp lại nhân sự để chia tách tỉnh vô cùng rắc rối khó khăn, đa số cán bộ nòng cốt, công chức các sở ban ngành đều nằm ở Đà Nẵng, thường trú ở Đà Nẵng, và ai cũng chỉ muốn làm việc ở Đà Nẵng, trụ lại ở Đà Nẵng. Cuối cùng, theo quy luật mạnh thắng yếu, một số nhân sự đành phải chấp nhận công tác tại Quảng Nam. Thế là, đầu tuần phải dậy thật sớm đón xe chạy vô xứ Quảng, cuối tuần đón xe về đoàn tụ gia đình, cứ như thế cho đến ngày nhận sổ hưu. Và ông Nguyễn Bá Thanh ở lại Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Phúc vô Quảng Nam cũng từ đó, bây chừ nhà báo lại ôm lấy cái chất Quảng vào người cụ Bá, làm nền cho một tinh thần chính trị mới, một ngôi vị mới. Yêu xứ Quảng đến thế, mang chất Quảng đến thế sao? Định viết thêm, nhưng viết ra thấy nó trớ trêu, cay nghiệt và cũng buồn cho xứ Quảng.

Thôi thì, thay đổi tư duy mình đi, làm mới mình đi, cần phải đột phá... như phong cách anh Nhất đã và đang thể hiện trên trang 'Một góc nhìn khác',  như phong cách 'hiện tượng' Nguyễn Bá Thanh, mạnh dạng khẳng định, ông Thanh là người Đà Nẵng, ông Thanh mang chất Đà Nẵng có hay hơn không, có sáng tạo hơn không. Đừng sợ, nói riết cũng thành quen, thay đổi đi, thay đổi lại cũng thành 'hiện tượng'. Nhiều khi, chất Đà Nẵng lại may mắn, đem đến đỉnh vinh quang của quyền lực, một thương hiệu lớn cho mai sau.

Mang chất Quảng thì Quảng Nam vẫn còn đó nghèo nàn, khốn khó.
Mang chất Đà Nẵng, một nơi 'đáng sống' đến một nơi 'khó sống', Hà Nội, biết đâu cụ Bá sẽ trở thành duy nhất.

MP


P/s:
Cùng mục đích, nhưng tiên sinh tinh và kín hơn blogger này, này.


Xem thêm:
- Chuyện riêng Đà Nẵng
- Nhân định và thiên lý
- Trương Duy Nhất & Tom Cat

- Nhìn đất nước qua cảm nhận thành phố nhỏ bên sông Hàn.
-
 Sự hài hước của Nguyễn Thế Thịnh


No comments:

Post a Comment