Sunday, January 6, 2013

Thấy được gì qua những giọt nước mắt


Tạp niệm của Béo

Lão đem chôn con chó, thằng cháu 6 tuổi khóc thút thít mãi chẳng cho chôn. 
Lão ôm cháu vào lòng an ủi, bảo nó chết rồi, lấp vội đống đất, hai ông cháu dắt nhau về…


Nghĩ cũng tội thật, nuôi nó từ khi còn bé xíu, đã gần hai mươi năm, giờ chẳng còn tiếng gâu gấu quen thuộc trong đêm vắng mỗi khi cổng nhà có thoáng bóng người hay tiếng động. Cái cảnh nó vẫy đuôi quấn quýt mừng vui khi thấy những thành viên trong gia đình về cũng thật nồng nhiệt, đậm đà. Những hôm bực mình, đánh nó thật đau, nó kêu ăng ẳng rồi chui tọt xuống gầm gường, mõm cứ ứ ự, cẳng trước khều khều vào mũi, mắt buồn lầm lủi lén nhìn chủ nhân như hối lỗi.


Đôi lần sầu não, lão ngồi uống rượu một mình trước hiên nhà, con chó lẵng lặng đến gần, nhẹ nhàng khe khẻ nằm sát bên cạnh như chia sẽ…

Nhưng mà thôi, nó chỉ là con chó, một con chó vô danh, ai lại viết về một con chó vô danh.

Ngày lão qua đời, người con nghẹn ngào: Ba ơi! Rồi ngơ ngẫn như kẻ vô hồn…

Những người sống quanh ta họ cũng có những bi kịch nhỏ của cuộc đời, họ cũng có tri kỷ, cũng say mềm, hát hò, thâu đêm suốt sáng… và hình như họ im lặng mang theo những điều đó vào cỏi chết. Đơn giản, vì họ là những người rất bình thường, vô danh trên trái đất này.
...

Khi mới nghe tin một nam tài tử mất, đã thấy Quê choa bùi ngùi rơi lệ trên trang báo mạng của mình với những dòng chữ tái tê xúc động. Văn nghệ sĩ thường như vậy, họ vốn đa sầu đa cảm, họ càng nổi tiếng lại càng thương yêu nhau, gặp nhau khoảng khắc cũng đã yêu nhau rồi. Họ có thể vừa xót thương, vừa khóc, vừa viết bài, vừa đăng báo… mà vẫn làm cho mọi người rung cảm. Cái tài tình của họ là vậy.

Văn nghệ sĩ thường là đề tài hấp dẫn của truyền thông, ngay cả cái chết của họ. Đám tang của văn nghệ sĩ thu hút rất đông người hiếu kì, cũng rất đông văn nghệ sĩ. Dưới nhãn quan của báo chí, họ thường đến viếng trong những trang phục ấn tượng và cũng khóc thật nhiều.

Trước đây, ở Quảng Nam có xuất hiện một Ông  tiên, nhưng nếu người trần mắt thịt nhìn thấy ông ta ngoài đời liền bảo ngay rằng đó là "thằng điên". Và trước khi về cõi tiên, "thằng điên" đó cũng đã kịp nhắn nhủ trần thế:

Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một Giêng
Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng
Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.

Đám tang "thằng điên" đó, Trịnh đến và lưu lại đôi dòng:

Bùi Giang Bàng Dúi Bùi Giáng
Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không
Lỗ không trời đất ngỡ ngàng
Hóa ra thi thể là ngàn hư vô
Nhớ thương vô cùng là từ
Là từ vô tận ứ ừ viễn vông

Rồi Trịnh mất, đám tang Trịnh rất đông người hiếu kì, cũng rất đông văn nghệ sĩ, họ ăn mặc thật ấn tượng và họ cũng khóc thật nhiều.
Có một cô gái trẻ âm thầm đứng từ xa, cô ấy không khóc, lặng lẻ đưa tiễn linh cữu người nhạc sĩ tài hoa này... đến khi không còn một bóng người nào.
Và cũng những văn nghệ sĩ ấy thì thầm vào tai nhau… cô gái trẻ ấy đã yêu Trịnh trọn vẹn tấm lòng.

Thấy con gái khóc, người cha hỏi:
Con ốm à?- cô bé vừa khóc vừa lắc đầu.
- Con bị điểm kém à?- lại khóc lại lắc đầu.
Hay con bị giáo viên mắng?- vẫn khóc vẫn lắc đầu.

Tức mình, người cha quát tháo… cô gái đành méo máo khai thật… là vì anh ca sĩ  Hàn quốc đẹp trai nào đó bị sốt, không lên sân khấu hát được, nó thấy tội nghiệp ảnh quá!

Mụ Béo bệ vệ thả lỏng người trên phản gỗ, miệng nhai trái cây mắt khóc như mưa. Mụ ta đang xem cải lương, thấy cảnh cảm động, nước mắt nó cứ tuôn trào không cầm lại đựợc.

Một bác xe thồ rụt rè khổ sở bước vào, chị Béo vội vã lau sơ khuôn mặt, tắt ti vi, lấy lại cái giọng chanh chua đanh đá vốn có:
Cái gì thế?
Dạ.., da.., vợ em ốm nặng, cần phải mỗ gấp, chị…chị... cho em vay 5 triệu.
Mụ Béo lơ đãng kéo giọng:
Thời buổi khó khăn chú biết rồi đấy, vay thì cũng được, nhưng lãi suất hơi cao, 15% một tháng, lấy hay không lấy tùy chú…

Bác xe thồ méo mặt, nhưng cũng không còn chọn lựa nào khác.
Ngay lập tức, bà Béo rút bóp đưa cho bác xe thồ bốn triệu hai trăm năm mươi ngàn đồng, mĩm cười dặn dò, nhớ trả sớm cho chị nhé.

Bác xe thồ kí vào giấy nợ 5 triệu, bước thần thờ ra khỏi cửa.

Ti vi bật sáng, giọng cải lương mùi mẫn tiếp tục ngân vang, không biết mụ Béo có còn khóc nữa không?

MP
31/12/2011


P/s:
 Cả thế giới mới thấy được cảnh tượng màn khóc tập thể độc đáo ở Bắc Triều Tiên, họ khóc vì tình yêu thương hay khóc cho nỗi khiếp sợ của chính bản thân mình...

Xem thêm
- Tản mạn sau cái chết của nhà độc tài
- Họp phụ huynh

No comments:

Post a Comment