Thursday, January 10, 2013

Phát ngôn ngu ngơ đầu tiên của Tân trưởng ban Nội chính


Đào Tuấn - Rất buồn cười câu chuyện, và cũng là một lối tư duy: Ta mở sòng cho “khoai tây” đến chơi và “ngồi đó thu tiền”. Còn “khoai tây”, Campuchia chẳng hạn, thì mở sòng cho “khoai tây Việt”.

Vẫn với cách thức “thẳng thắn xứ Quảng” thường thấy, Tân Trưởng Ban Nội chính Trung ương vừa bàn đến hai vấn đề: Số lượng sân golf tại VN chưa nhiều và nên mở thêm bàn đánh bạc cho người nước ngoài tại Đà Nẵng.

“Tui mới đi Nhật Bản. Ở thành phố Osaka có 6,5 triệu dân mà họ có tới 100 sân golf. Còn chúng ta có gần 90 triệu dân mới có 20 sân golf mà đã la làng. Như ở Thái Nguyên, 4 năm ni chạy đi xin làm sân golf mà cũng không cho. Tui thấy toàn đồi núi không, chứ có đụng đến đất sản xuất lúa đâu. Làm gì thì làm, như làm sân golf không được đụng đến đất sản xuất lúa là được. Chứ ở mấy gò đồi cằn cỗi không sản xuất được mà cũng cấm làm sân golf là thấy không ổn”.

Còn sòng bài, đó là chuyện 7 bàn trong một sòng bài dành cho người nước ngoài ở Silver Shores Đà Nẵng. “Tôi nói thiệt, có khác gì đâu về bản chất giữa các con số 7 bàn, 30 bàn hay 50 bàn, mà đi xin tăng thêm hoài cũng không cho lên. Cứ cho họ mở rộng ra càng nhiều càng tốt, rồi khách nước ngoài mới kéo đến chơi thoải mái, đông đúc, còn ta cứ ngồi thu thuế chứ mất đi đâu mà lo”.
Sân Golf tội đồ một thời nay được cho là chưa nhiều. Và “Sòng bài”, chủ đề tương đối cấm kỵ đối với người Việt- dường như không mấy liên quan đến nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cả hai có điểm chung: Chúng đều là những ví dụ mà ông Nguyễn Bá Thanh dùng để minh họa cho nhận định “Cơ chế chính sách để kêu gọi đầu tư phát triển trong nước” đang có nhiều cái “rất lạ”.

Vấn đề chỉ là ở câu hỏi: Sân golf dành cho ai khi mà chỉ riêng bộ gậy của người chơi golf đã tốn hàng ngàn USD, một thẻ thành viên tốn hàng chục ngàn USD khác, và phí chơi golf là “hàng triệu đồng” cho mỗi buổi “vác gậy”. Bởi vậy, nói golf là môn thể thao dành cho người giàu là chưa đủ, bởi ở đó, còn có câu chuyện lối sống xa hoa cách biệt của một bộ phận không nhỏ người chơi là công chức nhà nước.

Hồi cuối năm 2011, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng ra lệnh cấm cán bộ chơi golf, lệnh cấm cực đoan này ngay sau đó bị Bộ Tư pháp “thổi còi” cho dù nó nhận được sự ủng hộ của đa số dư luận, cũng là những người không chơi golf.

Cái gì cực đoan cũng đều không tốt cả. Và dư luận vỗ tay không thể là lý do biện hộ cho việc một quyết định hành chính vi phạm đến tự do của công dân.

Nhưng nếu chỉ một lý do nào đó, vì thiếu đầu tư chẳng hạn, để mở lại câu chuyện những sân golf, trong tình huống kinh tế khó khăn khiến người dân đến ăn còn chẳng đủ, doanh nghiệp nợ thuế đầm đìa thì rõ ràng, điều đó khó là ví dụ cho câu chuyện bất cập của cơ chế, của chính sách nhiều khi chẳng mấy liên quan đến sân golf.

Nếu tân Trưởng ban Nội chính TƯ muốn có một cuộc cách mạng, hoặc giản dị là một sự thay đổi, thì đó cũng không phải là việc mở 30 hay 50 bàn thay vì con số 7 ở Silver Shores Đà Nẵng, để “người nước ngoài kéo đến…còn ta ngồi đó thu thuế”.

Bởi rất buồn cười câu chuyện, và cũng là một lối tư duy, ta mở sòng ở Phú Quốc, ở Đà Nẵng, ở Hải Phòng cho “khoai tây” đến chơi và ta thu tiền. Còn “khoai tây”, Campuchia chẳng hạn, thì mở sòng cho “khoai tây Việt”.

P/s: Trận chiến chưa bắt đầu đâu...

Xem thêm:
- Đại học tiêu chuẩn quốc tế?
- Mưa cũng đánh, tối cũng đánh
- Nhân định và thiên lý

No comments:

Post a Comment