>> Nhật Bản thâm hụt thương mại kỷ lục
>> Một chiều trong công viên 29/3 nghĩ về Đà Nẵng
>> Trò chơi dân gian thú vị ngày Tết
>> ATM - đừng để “anh thấm mệt”
Nga Lê
TVNN - Sau khi sự thật được phơi bày, công luận tin rằng nếu ông Nguyễn Thanh Chấn vô tội thì một số người khác không thể vô can. Rõ ràng, niềm tin ấy cũng là có cơ sở.
Ngày 25/01/2014, Bộ Công an đã tổ chức công bố quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Lẽ ra, một công dân bị khởi tố bị can rồi được đình chỉ điều tra là việc làm rất bình thường trong nhiều công đoạn vẫn diễn ra hàng ngày của những cơ quan tiến hành tố tụng. Nhưng sự việc của ông Nguyễn Thanh Chấn lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận, bởi để cầm trong tay cái quyết định thay đổi cuộc đời này, hay nói chính xác hơn là lấy lại cuộc đời tưởng như đã mất này, ông, gia đình và những ân nhân đã trải qua hành trình 10 năm.
Đã có hàng trăm bài viết, hàng ngàn bình luận về tai bay vạ gió của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Người ta nói nhiều về quãng thời gian ròng rã đội đơn kêu oan, về những khó khăn chồng chất của người vợ và những đứa con thơ, về sự đồng hành không vụ lợi của những người không máu mủ…, nhưng đọng lại, vượt lên trên tất cả, có lẽ là câu chuyện của niềm tin.
Chính niềm tin chồng, cha mình vô tội đã giúp người vợ và những đứa con thơ tiếp tục tồn tại và trưởng thành trước sự ghẻ lạnh của xóm giềng.
Chính niềm tin người nông dân chân chất vô tội đã giúp những người không máu mủ dũng cảm đi ngược lại sự kỳ thị của cộng đồng.
Cũng chính niềm tin của bản thân đã nâng đỡ, tiếp sức cho Nguyễn Thanh Chấn và giúp ông vượt sóng gió đến ngày hôm nay.
“Mất tiền bạc là mất một phần, mất danh dự là mất một nửa, mất niềm tin là mất tất cả”. Dường như niềm tin của những con người ấy như một ngọn lửa, lúc âm ỉ, lúc bùng lên, nhưng chưa bao giờ tắt hẳn.
Chắc chắn rằng ngay cả khi tuyệt vọng nhất, những con người ấy vẫn luôn tin rằng sự thật sẽ có ngày được sáng tỏ, công lý sẽ có ngày được thực thi, thế nên họ đã chọn cách phản ứng tích cực nhất, thay vì buông xuôi.
Ngược lại với niềm tin bền bỉ ấy, dường như lâu nay, chúng ta thường có suy nghĩ, đặc biệt là đối với những vụ án phạm tội có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn, rằng tên tội phạm nào mà chẳng kêu oan! Nhưng như vậy thì quá trình điều tra, truy tố, xét xử để “xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội” (Bộ luật Tố tụng hình sự) còn có ý nghĩa gì khi mà một nghi can gần như đã được mặc định là có tội?
Một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự là “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”.
Quy định này đã thể hiện một phần nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội đã được áp dụng phổ biến trên thế giới. Suy rộng ra một chút, điều đó có nghĩa là chúng ta nên tin vào “tính thiện” của con người. Một người đương nhiên được xem là tốt, là vô tội, dưới góc độ pháp lý, nếu không có chứng cứ chứng minh điều ngược lại. Chẳng lẽ những người tiến hành điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn lại “thiếu niềm tin” vào con người đến thế, trong khi người bị hàm oan cùng gia đình và những ân nhân vẫn miệt mài gửi đơn với một niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ được minh oan, mà lại bởi chính những người, những cơ quan tiến hành tố tụng.
Sau khi sự thật được phơi bày, công luận tin rằng nếu ông Nguyễn Thanh Chấn vô tội thì một số người khác không thể vô can. Rõ ràng, niềm tin ấy cũng là có cơ sở.
Cổ nhân nói: nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Ông Nguyễn Thanh Chấn đã ở tù không dưới 3.600 ngày, nghĩa là bên ngoài bốn bức tường, biết bao nhiêu năm tháng đã trôi qua.
Cổ nhân cũng nói: con dại, cái mang. Quyết định đình chỉ điều tra đối với ông có lẽ là món quà Tết không thể nào ý nghĩa hơn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc dũng cảm thừa nhận và kịp thời sửa sai này là sự đền đáp xứng đáng niềm tin của ông, gia đình và những ân nhân. Đó cũng là một lời cảnh tỉnh đối với những người, những cơ quan tiến hành tố tụng nào đang “thiếu niềm tin”.
Và như thế, chúng ta lại có thêm cơ sở để tin tưởng và hy vọng, rằng rồi đây, không còn ai phải chịu cảnh oan uổng: nhất nhật tại tù…
- Lý sự của những con đĩ
- Đó là đa nguyên đấy các cụ ạ!
- Chợ đời nhốn nháo nói leo
No comments:
Post a Comment