Friday, January 31, 2014

Hồn Tết...

>> Lì xì bằng… “chuyện ấy”
>> Một chiều trong công viên 29/3 nghĩ về Đà Nẵng
>> Thưởng Tết: Tương ớt, 700 triệu & chuyện cào bằng
>> Ngựa ở phố cổ Hội An


Mai Linh

(Toquoc)- Không có sương mỏng và mưa phùn thì không biết nói gì với mùa xuân...

Hoá ra không thể đặt hàng với mùa Xuân như không thể đặt hàng với tình yêu.

Xưa rồi những Tết xưa khi cụ Vũ Đình Liên viết: Những người muôn năm cũ/ hồn ở đâu bây giờ.

Được may áo mới từ thuở lọt lòng cho đến thành niên vẫn còn là kỷ niệm trong ta từng chân tơ kẽ tóc. Được đi chợ cùng mẹ để sắm manh áo mới rồi xênh xang khoe khắp đầu làng cuối ngõ là thông điệp của mùa Xuân tí hon.

Cái con lợn tò he mua ở đầu chợ quê thông điệp sự lớn dần của đời người để bỏ đi trò chơi trẻ con hồn nhiên ấy...

Con người lớn lên từ những hoài niệm chẳng đâu vào với đâu. Chẳng một thông điệp nào quan trọng hơn những thông điệp ấu thơ truyền cho sự trưởng thành...

Một ai đó giới thiệu: tôi quê Hà Nội thì tức là người không có quê theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Liền hỏi: thế Tết này anh ăn Tết ở đâu? Không có câu trả lời mà chỉ thấy thẹn thùng.

Ngày xưa, cái ngày không đủ cơm ăn áo mặc sao vẫn có Tết quê. Tết- nội hàm của nó là những ngày tận hưởng sự sung túc của vật chất và tinh thần mà sao vẫn được duy trì với những làng quê chạy bữa. Đi ăn cỗ là ghê lắm, đi ăn cỗ Tết còn oai gấp vạn lần. Mặc áo mới, đi dép mới để đi ăn cỗ là phần của ông bà bố mẹ đâu đến phần những đứa trẻ ranh.

Ngày xưa nghèo nhưng vui trong tâm thế thời cuộc ai cũng giống ai. Thóc gạo chẳng ai hơn ai, tiền bạc chẳng ai hơn ai và cái nghèo là sở hữu toàn dân. Lúc ấy đùm bọc nhau như lá dong gói gạo nếp, đậu xanh và nhân thịt. San sẻ cho nhau như nước giếng làng. Bù trừ và bình đẳng với nhau như câu đối Tết…

Tết là quên hết những tranh cãi, đối chọi, đánh chửi nhau. Không còn hận thù, chỉ còn hoà hiếu.

Tết là bánh chưng xanh, là giò, là chả, là mứt Tết, kẹo lạc, kẹo vừng, là chơi chắt, chơi chuyền, tú lơ khơ, tam cúc...

Cả làng là một sân đình, một chiếu.

Nhớ ẩm thực làng quê và hương khói âm thầm trong chiều cuối năm...

Da diết nhớ...

Thị xã, đô thị thuở nghèo ấy được phân phối Tết trong niềm vui được bao cấp.

Thường thì mỗi nhà được một vài cân thịt tuỳ theo nhân khẩu. Có thêm mấy lạng đậu xanh, vài phong bánh, chút mứt kẹo và hai thanh pháo tép.

Hầu như Tết lại được khiêng ra từ các làng quê. Từ chú bác cô dì nghèo đến anh chị em nghèo. Tết đô thị xum hơn từ quê nghèo thường xuyên đứt bữa nhưng lại có lợn gà ngan vịt nuôi dành cho ngày Tết.

Thế là vừa nuôi giấu che chở bom đạn cho đô thị những năm chiến tranh oanh liệt, vừa nuôi đô thị những ngày Tết với đặc sản quê mùa theo tinh thần nhịn miệng đãi khách.

Bây giờ làng quê vẫn mang cái bụng tốt ấy sống cùng đô thị, thậm chí sống với thế giới. Cái gì xuất khẩu chẳng từ quê trong khi sự phát triển của quê lại là biến làng thành đô thị.

Đôi lúc thấy bùi ngùi...

*

Mỗi năm, theo đà tiến bộ, quê lại đổi thay...

Mỗi năm cắt bớt đi một vài nét truyền thống của ông bà, tổ tiên thay vào đó là Hip Hop và hủ tục. Hip Hop ở làng quê là một thứ hủ tục không khác gì sự sát phạt chiếu bạc. Nó đánh nhau với nét đẹp của quê.

Bây giờ đô thị lại tài trợ cho quê những thứ không bổ béo chút nào. Quê không nấu bánh chưng, không làm mứt Tết, không vẽ câu đối, không trải chiếu hoa... Không. Rất nhiều không.

Quê không còn lửa, không còn thức đêm, không còn xì xụp xào nấu, không còn dụi mắt, không còn nói thầm con con bố bố bên than hồng. Không.

Quê mất đi tự sự thiêng liêng mà chỉ quê mới có.

Truyền thống đã bị đóng gói theo nhu cầu tiện nghi...

Chúng ta lớn lên nhưng thực ra chúng ta đang bé lại...

Những cái Tết chỉ còn vẹn nguyên ở tuổi lên mười, trong niềm vui đen thủi của khoai vùi than trấu, vớt bánh chưng xanh trong một sáng Xuân nghi ngút sương mờ...

Những điêu khắc quá khứ không bao giờ lạc hậu...


Xem thêm:
- Nhận lỗi
- Hôi của và chiến lược "thiên thời"
- Đó cũng chỉ là chuyện hôi của cấp thấp

No comments:

Post a Comment