Sau Google Glass, gã khổng lồ tiếp tục lên kế hoạch cho việc chế tạo những chiếc “kính áp tròng thông minh” – tạm gọi là như vậy. Loại kính áp tròng mới được sử dụng cho mục đích y tế, với việc gắn thêm các cảm biến nhằm giúp đỡ người bị bệnh tiểu đường.
Ngày hôm nay, trên blog chính thức của mình, Google đã thông báo về dự án mới của công ty liên quan tới các thiết bị “wearables” phục vụ cho y học. Công nghệ đơn giản chỉ là một con chip không dây nhỏ và cảm biến glucose thu nhỏ được nhúng vào giữa hai lớp vật liệu mềm của kính áp tròng.
Nguyên mẫu mà Google đang thử nghiệm có khả năng đo các thông số về lượng đường của người sử dụng thông qua nước mắt với tần suất mỗi giây một lần. Nhằm giúp người bệnh kiểm soát lượng đường trong cơ thể một cách liên tục. Trong tiến trình nghiên cứu của mình, Google đang cố gắng tìm cách để tích hợp những chiếc đèn LED nhỏ xíu lên thiết bị để cảnh báo cho người đeo nếu lượng đường đo được quá thấp hoặc quá cao.
Trên Blog chính thức, Google cho biết rằng công nghệ vẫn đang ở trong những ngày đầu nghiên cứu, nhưng họ đã hoàn thành nhiều nghiên cứu lâm sàng và hy vọng một ngày không xa sẽ có thể giúp đỡ những bệnh nhân mắc căn bệnh này.
Hiện nay bệnh tiểu đường không còn là căn bệnh nan y, nhưng nó vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của những người bị bệnh. Người mắc bệnh phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ biến chứng có thể xảy ra do mất kiểm soát lượng đường trong máu, các biến chứng đặc biệt nguy hiểm đối với thận và tim. Brian Otis – Phó giáo sư tại Đại học Washington, người chuyên nguyên cứu về công nghệ mạch tích hợp, các cảm biến và chip siêu nhỏ, cùng với Babak Parviz – Giáo sư tại Đại học Washington, tác giả của Google Glass là những người đồng sáng lập cho dự án này.
No comments:
Post a Comment