> Đốt nhiều lều lán của người đào thạch anh trái phép
Từ bí ẩn đến lộ diện
Được biết, Xuân Lẹ là một trong những nơi hiếm hoi có phân bố loại khoáng vật (đá quý) có giá trị. Trong số đó, loại đá có dáng hình lục lăng, màu xanh là một trong những loại đá quý có giá trị cao.
Giới đào đá quý truyền tai nhau chuyện có những người đào được viên đá xanh, đem bán cả tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, những hình ảnh về các viên đá quý có nguồn gốc từ Xuân Lẹ xuất hiện nhiều trên thị trường, nhưng chủ nhân ban đầu của nó luôn ẩn thân.
Từ những tài liệu ít ỏi về phân bố khoáng vật trên lãnh thổ Việt Nam, thông tin vùng đá quý Xuân Lẹ cũng được giới chuyên đá quý biết từ hàng chục năm trước. Những người đào đá quý đầu tiên ở vùng đất này không phải là dân địa phương mà là giới chuyên tìm kiếm, đào đá quý.
Sau đó, thông tin về vùng đá quý cũng như giá trị của nó dần được người dân bản địa lan truyền nhau trong những lần đi rừng bắt gặp các đối tượng trên. Người dân bản địa bắt đầu tham gia đào đá, khi thì đào thuê, khi thì tự đào, tìm được đá thì đem bán cho người thu mua. Người thu mua đá cũng lộ diện, thậm chí xuất hiện ngay những cơ sở chế tác đá quý này để làm trang sức tại vùng lân cận huyện Thường Xuân.
Chị L.T.H ở xã Xuân Lẹ kể: “Bao đời người dân Xuân Lẹ sống với rừng chẳng biết đến đá quý có giá trị ở dưới từng lớp đất. Chúng tôi chỉ biết vào rừng kiếm củi, hái rau, lấy cây thuốc quý,... Đến khi những cánh rừng ấy xuất hiện người đào đá, với những viên đá trắng, xanh hình hài đẹp mắt có giá trị, từ đó, nhiều người địa phương cũng đi đào đá quý”.
Từ khi xuất hiện việc khai thác đá quý tại Xuân Lẹ, đến nay chưa có một giấy phép, quyết định nào của ngành chức năng cho phép cá nhân, tổ chức nào được phép khai thác. Những viên đá quý được buôn bán trên thị trường, có nguồn gốc Xuân Lẹ là đá quý khai thác trái phép. Tình trạng đào bới tìm đá quý tự phát này đã để lại hậu quả khu rừng rộng lớn ở đồi Tỷ còn trơ sỏi đá. Cứ hễ mưa xuống là gây sạt lở đồi rừng nghiêm trọng.
Tài nguyên mất chính quyền bất lực
Anh C.B.T- một người dân từng tham gia đi đào đá quý thuê ở xã Xuân Lẹ kể lại: “Có thời điểm, rất nhiều người trong xã đi đào đá. Họ tự tìm điểm đào, nếu gặp may, đào được đá quý thu được món tiền lớn. Nhưng phần đông là họ đào thuê lấy tiền công hằng ngày. Những người có tiền thuê họ đào ở điểm nào thì đào ở điểm đó, thấy được đá quý thì đưa cho chủ vựa. Là xã vùng sâu, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhà nước đóng cửa rừng, an ninh rừng thắt chặt, đúng vào những thời điểm này lại rộ lên việc đào đá quý. Vì vậy, đây như là một cơ hội mưu sinh của người lao động nghèo”.
Một hố đào mới. |
Đường lên đồi Tỷ bây giờ là lối mòn của người đi rừng. Để đến được vị trí có nhiều hố đã được các đối tượng đào tìm đá, tính từ nơi có dân cư sinh sống gần núi nhất thì cũng phải đi bộ mất 3 giờ đồng hồ vượt rừng hiểm trở. Sau nhiều năm dân đào đá quý xuất hiện trên cánh rừng xã Xuân Lẹ, đã xuất hiện hàng nghìn hố lớn nhỏ ở cánh rừng này. Trên đỉnh đồi, những hốc lớn nhỏ ngổn ngang trơ nền đất vàng, đỏ. Cây rừng bật gốc. Từng thớ đất đồi qua những trận mưa lũ tạo nên những hình hài nham nhở.
Giáp với rừng huyện Thường Xuân là cánh rừng của huyện Quế Phong (Nghệ An). Theo những người dân đào đá, chính quyền địa phương thì đối tượng đào đá, mua đá, thuê lao động đào đá chủ yếu là người dân các tỉnh ngoài.
Ở khu vực này hình thành nhóm đào, tùy theo kinh nghiệm, kỹ thuật “tăm” khu vực có đá mà những người này dựng lán, khoanh vùng, làm chủ khu vực đào của mình. Phần lớn các lều lán của người đào đá được trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ sinh hoạt cá nhân. Cứ một tuần, vài người trong nhóm lại xuống núi để mua lương thực, tiếp tế các vật dụng, hoặc rao bán, chuyển đá quý đã đào được.
Một dạng đá quý hình lục lăng tại Xuân Lẹ. |
Là người nhiều năm tham gia đội kiểm tra, giải tỏa tụ điểm đào đá quý trái phép, ông Hoàng Trọng Lưu- Phó chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ cho biết:
“Tháng 10/2008- thời điểm đối tượng khai thác đá tập trung nhiều, lên tới hàng trăm người. Ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương đã đưa dân quân, công an, cán bộ xã, kiểm lâm canh gác cả một tháng, nhằm giải tỏa các điểm khai thác đá trái phép. Lúc này, việc khai thác đá trái phép tập trung được coi là điểm nóng.
Chúng tôi dựng lán ở hẳn trong rừng. Cứ một tuần, chúng tôi cắt cử người vượt rừng, xuống núi để tiếp tế lương thực. Quyết tâm giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, nên chúng tôi không quản khó khăn, dù không có hỗ trợ chi phí. Ngày đó, có nhiều người trực, canh giữ rừng suýt gặp nạn vì bị bò cạp, côn trùng đốt...”.
Sau đợt ra quân quyết liệt của chính quyền địa phương, tình trạng khai thác đá quý trái phép ở khu vực này có lúc lắng xuống. Tuy nhiên, không lâu sau đó, sự việc lại tái diễn.
Các cuộc kiểm tra, tuần rừng định kỳ tiếp tục diễn ra, nhưng không thể chấm dứt hoàn toàn việc khai thác đá quý ở đây. Việc truy quét đối tượng khai thác đá quý trái phép như kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Hàng trăm hố đào nông, sâu, lớn, nhỏ tiếp tục mọc lên trên đồi Tỷ và khu vực lân cận. Những thông tin về đào được đá quý tiền triệu, tiền tỷ truyền tai nhau, tạo nên sức hút với những người liều mạng tìm vận may.
Khó khăn trong công tác kiểm soát, giải tỏa điểm khai thác đá này nhân lên gấp bội khi các cuộc tuần rừng định kỳ hay bất ngờ của chính quyền địa phương cùng lực lượng kiểm lâm đều bị vô hiệu, bởi đồi Tỷ là nơi luôn có sóng điện thoại di động, nên thông tin lan truyền báo hiệu rất nhanh.
“Do địa hình khó có thể di chuyển nhanh, lại là khu vực có sóng điện thoại tốt, nên mỗi lần chúng tôi thành lập đoàn đi kiểm tra, giải tỏa lên đến nơi thì chẳng thấy một bóng người. Các đối tượng đều nhận được thông tin có đoàn kiểm tra, nên họ giấu các thiết bị đào đá, lương thực thực phẩm, rồi biến mất khỏi hiện trường.
Khi chúng tôi lên chỉ làm công việc đốt lều lán, các thiết bị nếu tìm thấy. Sau khi đoàn về, việc đào đá quý lại tái diễn”- Anh Lương Văn Trường- Phó Công an xã Xuân Lẹ cho hay.
Theo chân đội truy quét các tụ điểm khai thác đá trái phép ở Xuân Lẹ tháng 11 vừa qua, P.V Tiền Phong thấy trong các lều lán của đối tượng đào đá trái phép có đầy đủ các vật dụng sinh hoạt. Những bì gạo, muối, mì chính, nước mắm, cá khô, thịt lợn tươi được cất giấu trong các hố đất. Đường ống nước từ suối được dẫn về tận lều.
Có những lều dựng cột, sàn bằng những tấm gỗ to, phẳng đã cháy đen do bị đốt từ các lần trước. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị tưởng như không thể di chuyển được vào khu vực này cũng được các đối tượng vận chuyển đến như máy nổ, can xăng...
Sự quyết tâm của chính quyền địa phương bằng hình thức nêu trên khó để chấm dứt hẳn tình trạng khai thác trái phép này, bởi nguồn lợi của các chủ nậu là không nhỏ, cùng đó là kế sinh nhai của người nghèo không việc làm.
Trong khi chờ ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác đá quý trái phép, thì hàng trăm chiếc hố lớn, nhỏ do các đối tượng đào đá để lại tiếp tục mọc mới trên đồi Tỷ…
Ông Vi Văn Tuyến- Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ cho biết: “Việc khai thác đá quý vẫn còn đó. Lực lượng địa phương thì mỏng, ngân sách lại hạn chế, phương tiện thiếu. Chính quyền địa phương chỉ thực hiện được công việc huy động các tổ nhóm đi kiểm tra, đốt lều lán. Biết có đoàn kiểm tra vào, các đối tượng đào đá bỏ trốn. Đoàn ra về thì lán bị đốt đi lại được dựng lại, hoạt động lại diễn ra. Chưa nói đến những khó khăn về địa hình khó, xa, rộng lại tiếp giáp với nhiều địa phương. Để kéo dài tình trạng này không những không chấm dứt được tình trạng khai thác đá quý, mà còn ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn khác của cán bộ xã. Chính quyền xã đề nghị các cấp, ngành cần có kế hoạch cụ thể hỗ trợ người, tài chính, phương tiện để từng bước giải tỏa dứt điểm tình trạng khai thác đá quý trái phép trên địa bàn”. |
No comments:
Post a Comment