Cận cảnh làng nghề sản xuất bánh đa nổi tiếng ở Hải Dương
> Có sai phạm + có chế tài = không ai xử lý!
Có dịp về thành phố Hải Dương, ghé thăm làng nghề Lộ Cương, dù bất cứ mùa nào trong năm, chỉ trừ những ngày mưa, còn lại nếu vào các buổi sáng chúng ta sẽ bắt gặp khung cảnh vô cùng đặc biệt của những phên bánh đa vừa ra lò còn nóng hổi.
Cả một vùng rộng lớn ở đây được bao phủ bởi những mảng màu trắng, cùng nhiều màu sắc khác đan xen, tạo nên một bức tranh bình yên, no ấm và giàu truyền thống văn hoá. Khi những tia nắng của một ngày mới còn le lói phía chân trời xa thì những phên bánh đa vừa được tráng xong, đưa ra khỏi lò vẫn còn nghi ngút khói, được mọi người vác, bưng, bê và chở bằng xe ra phơi trắng cả những con đường, ngõ xóm.
Nghề làm bánh đa xuất hiện ở làng Lộ Cương, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) từ những năm 60. Nhưng đến năm 1990 mới thực sự phát triển mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia sản xuất.
Tháng 3-2006, Lộ Cương chính thức được công nhận là làng nghề. Hiện nay, làng có khoảng 400 hộ làm nghề chiếm 90% số hộ trong làng, mỗi ngày sản xuất khoảng 35 tấn bánh đa các loại.
Anh Nguyễn Văn Du, một trong những hộ làm bánh đa cho biết: “Làm nghề này vô cùng vất vả, phải thức khuya dậy sớm. Để có thể cho ra lò những phên bánh đa vào buổi sáng sớm, người làm bánh đa phải thức dậy từ 3h sáng để xay bột, tráng bánh, chưa kể việc ngâm gạo phải thực hiện tối hôm trước.”
Trước kia, người dân chủ yếu làm bánh đa bằng tay, bột được xay bằng cối thủ công, tráng thủ công trên nồi đồng đun củi nhưng những năm gần đây đã được thay thế bằng máy tráng, máy cắt… nên cũng phần nào giúp cho người làm bánh đa đỡ vất vả hơn trước và năng suất lao động cũng được tăng theo.
Sáng sớm những phên bánh đa được mang ra phơi trên mọi nẻo đường, ngõ xóm trong làng. Công đoạn phơi bánh là khó khăn và vất vả nhất vì phải phụ thuộc thời tiết như nhiệt độ, nắng, độ ẩm không khí, nếu không cẩn thận, bánh sẽ bị nứt, phải bỏ đi. Nếu trời nắng nhẹ, bánh được phơi khoảng từ 2-3 tiếng. Nếu trời nắng to thì chỉ phơi nắng chừng 2 tiếng là được. Vì thế, khi phơi bánh, cần có kinh nghiệm về nhiệt độ, độ ẩm và phải tập trung cao, nếu không mẻ bánh sẽ bỏ đi, không bán được.
Những ngày mùa đông khô hanh thì việc phơi bánh lại tính theo độ ráo của mặt bánh chứ không tính theo thời gian. Còn những hôm mưa, thường phải sấy bánh, dù việc sấy sẽ khiến bánh không có vị thơm của nắng, vị đậm đà của gạo được hong dưới mặt trời, nhưng cũng không thể phơi trong râm vì độ ẩm rất cao. Khi sấy bánh thì việc điều chỉnh nhiệt độ, thời gian là rất quan trọng và cũng thường làm ít. Chính vì thế, việc sấy bánh, phơi bánh thường phải là những người có nhiều năm kinh nghiệm làm bánh mới có thể thực hiện được.
Bánh đa phơi xong được đem đi cắt, và sau đó sẽ tiếp tục mang phơi từ 2-3 tiếng để bánh khô hẳn và cuối cùng là thành phẩm. Mỗi ngày, mỗi hộ làm bánh đa trong làng sản xuất được từ 1 -1,5 tạ bánh đa thành phẩm các loại.
Anh Phạm Văn Ba chia sẻ: “Muốn bánh ngon phải đảm bảo được các yếu tố cơ bản như: gạo phải chuẩn, bột mịn tơ (mịn hơn cả bột làm bánh trôi), nhiệt độ cao. Người làm bánh đòi hỏi phải có một thái độ làm việc cẩn thận, tỷ mỷ.”
Hiện nay, nghề bánh đa đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Mỗi hộ gia đình làm nghề có thu nhập trung bình từ 8-10 triệu đồng/tháng. Song để làng nghề bánh đa Lộ Cương có thể phát triển sản xuất bền vững thì bên cạnh đó cũng cần đảm bảo các yếu tố như: hệ thống xử lý nước thải, mỗi gia đình làm nghề phải giữ gìn vệ sinh chung, và nên xây dựng hệ thống bi-ô-ga riêng để chứa nước thải.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều cơ sở sản xuất trong quá trình làm bánh đa đã sử dụng chất tẩy trắng, để làm cho bánh trắng và bắt mắt hơn. Theo anh Nguyễn Văn Ba (một chủ sản xuất bánh đa làng Lộ Cương) chia sẻ: “Kinh nghiệm để chọn được bánh đa không có chất tẩy trắng là không nên chọn bánh có màu trắng tinh, mà nên chọn bánh đa có màu hơi đục. Vì những bánh quá trắng thường là sẽ có chất tẩy trắng.”
Theo Phạm Hương
Gia đình
No comments:
Post a Comment