Saturday, May 25, 2013

Chuyện hộ khẩu

>> Vừa ăn cướp vừa la làng
>> Ai đầu cơ, ai từ thiện?
>> Cuộc Thập tự chinh vô vọng


Người Lao Động - Diễn đàn Quốc hội (QH) tuần qua nóng lên khi thảo luận dự thảo Luật Cư trú sửa đổi vì nó liên quan đến quyền tự do cư trú của công dân đã được Hiến định.

Nhiều đại biểu (ĐB) QH bức xúc nêu lên hiện tượng hộ khẩu đã biến tướng thành một “giấy phép” vô hình làm khổ công dân, từ việc xin đi học cho con đến xin định mức điện, nước, vay vốn, kinh doanh… ĐB Trần Du Lịch cho rằng thực chất hộ khẩu chỉ là một cách để quản lý công dân. Vì sao nhiều năm qua, người dân phải khổ vì các thủ tục quan liêu liên quan đến cái hộ khẩu?

Tìm hiểu lịch sử hộ khẩu, một nhà nghiên cứu của Trung Quốc chỉ ra rằng hộ khẩu có từ thời Xuân thu Chiến quốc. Lúc đó đã có chế độ “tam gia liên bảo”, là cách để nhà nước phong kiến buộc các gia đình ở nông thôn kiểm soát lẫn nhau. Các triều đại phong kiến Trung Quốc tiếp theo cũng áp dụng hình thức tương tự. Hình thức đó đến đời nhà Thanh mới gọi là “hộ khẩu”. Nhà nước Trung Quốc hiện đại áp dụng chế độ hộ khẩu từ năm 1958 cho đến nay.

Tiến trình công nghiệp hóa ở Trung Quốc đã đưa gần 250 triệu người từ nông thôn đến thành thị kiếm việc làm và họ đã có những đóng góp rất quan trọng để nước này phát triển vượt bậc nhưng họ lại là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi không được hưởng đầy đủ các chế độ, phúc lợi xã hội. Tháng 3-2013, đồng loạt 13 nhật báo lớn ở Trung Quốc đăng xã luận kêu gọi bỏ chế độ hộ khẩu để đem lại công bằng cho mọi công dân. Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là ông Ôn Gia Bảo cũng đã hứa sẽ thay đổi cách quản lý hộ tịch. Thực tế cho đến nay, hơn 10 TP lớn ở Trung Quốc đã  thay chế độ hộ khẩu bằng chế độ thường trú.
Nước ta vẫn thực hiện chế độ quản lý công dân bằng hộ khẩu nhưng hơn 20 năm qua cũng đã nới lỏng bằng chế độ tạm trú. Tuy vậy, không ít công dân vẫn bị thiệt thòi vì chính sách này. Hộ khẩu đã làm khổ dân đến  nỗi có một thời dân nhập cư ta thán là “thời hậu khổ”! Chắc chắn các ĐBQH biết dân nhập cư vào các TP lớn vất vả như thế nào, không chỉ quyền lợi thiệt thòi mà còn phải tốn kém cho việc đăng ký tạm trú, “chạy” hộ khẩu…

Nếu lấy cớ về sự mất cân bằng dân cư, sự quá tải ở các TP lớn để hạn chế dân nhập cư thì trách nhiệm đó không thuộc về công dân mà thuộc về các nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Quyền tự do cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, công dân đã bắt đầu làm CMND điện tử, đa số các quốc gia khác không quản lý công dân bằng hộ khẩu, vậy tại sao chúng ta vẫn sử dụng cách quản lý đã quá lỗi thời này?.

LƯU NHI DŨ

P/s: Nhưng ở xứ này, đám quan lại tệ hại luôn đổ hết những hậu quả của sự ngu dốt, lười biếng, tham lam của mình lên đầu dân, để rồi lại kiếm chác thêm được trên nỗi khổ của dân.(ABS)

Xem thêm:
- Nghĩ về dân chủ
- Tha cho đảng viên... anh Quốc ơi?!
- Tản mạn về điều 88, tham nhũng, dân chủ và văn minh



No comments:

Post a Comment