Sunday, December 1, 2013

Bắt chẹt công khai

>> Giá gas tăng 80.000 đồng một bình 12kg
>> Giá gas tăng chóng mặt, người dân 'choáng váng'
>> Giá gas tăng thêm 80.000 đồng/bình 12 kg từ hôm nay


Nguyên Khanh

Tất cả đều cảm thấy "sốc" khi các công ty kinh doanh gas tăng giá tới gần 80.000 đồng/bình 12 kg. Một lần nữa, lý do được đưa ra là giá gas thế giới tăng, nhưng sự thật lại ẩn sau bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành gas.

Các công ty sản xuất, kinh doanh gas đã và đang lãi cực lớn.

Cụ thể, Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas), "đại gia" lớn nhất trong ngành với 70% thị phần đang dẫn đầu về lợi nhuận trong số gần 700 doanh nghiệp (DN) niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý 3 với gần 10.200 tỉ đồng, tăng tới 42,5% so với năm ngoái. Thành tích này không phải là đột biến. Bất chấp khủng hoảng kinh tế, từ năm 2008 đến nay, mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân của "ông lớn" này luôn đạt trung bình trên 30%;  Công ty cổ phần đầu tư phát triển Gas Đô thị tiếp tục gia tăng được doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ so với cùng kỳ, lần lượt là 226 tỉ đồng và 614 tỉ đồng trong giai đoạn quý 3 và 9 tháng năm nay. Tính chung, PCG đạt lợi nhuận ròng quý 3 là 3,87 tỉ đồng và 9 tháng là 9,92 tỉ đồng. So với 9 tháng năm ngoái, con số này gần gấp 3 lần; Công ty cổ phần CNG Việt Nam đạt doanh thu hơn 708,9 tỉ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ thuế, CNG đạt lợi nhuận ròng hơn 94,6 tỉ đồng; Tổng công ty Gas Petrolimex cũng lãi 64,42 tỉ đồng...

Sở dĩ các DN ngành gas lãi lớn là do họ đã nhập một lượng hàng lớn với giá rẻ trong những tháng qua. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 10, các DN đã nhập khẩu tổng cộng 60.343 tấn khí hóa lỏng với giá bình quân là 894,7 USD/tấn. So với cùng kỳ, khối lượng nhập khẩu tăng tới gần 5 lần nhưng giá lại thấp hơn (giá bình quân cùng kỳ tới 1.074,6 USD/tấn). Lũy kế 9 tháng, khối lượng khí hóa lỏng nhập khẩu là 553.351 tấn với giá bình quân 882,5 USD/tấn, rẻ hơn 36 USD/tấn so với giá bình quân cùng kỳ.

Nhập nhiều với giá rẻ nhưng khi giá thế giới tăng, không DN nào nói tới lượng hàng dự trữ với giá mềm trong kho của mình. Việc mà chúng ta thấy là ngay lập tức giá gas bán lẻ tăng lên mức kỷ lục. Cũng như xăng, người tiêu dùng buộc phải chấp nhận mua gas với giá cao "theo thế giới" một cách phi lý.

Bức xúc hơn là sự "phụ thuộc giá nhập khẩu" cố tình và thiếu sòng phẳng của các DN kinh doanh gas. Tính đến hiện nay, sản xuất gas trong nước đã chiếm thị phần áp đảo so với lượng gas nhập. Điều đó cho thấy, thị trường gas ngày càng tự chủ, giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu. Với sự tự chủ này, khi giá thế giới tăng mạnh, các DN trong nước hoàn toàn có thể giữ nguyên hoặc chỉ tăng nhẹ giá bán lẻ trong một thời gian nhất định để giữ ổn định thị trường nội địa, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Thế nhưng như nói trên, giá nhập khẩu vừa mới tăng, các công ty đã vội vàng đẩy giá tăng vọt. Vậy sự tự chủ có ý nghĩa gì? Người dân được lợi gì từ sự tự chủ này? Tại sao cơ quan có thẩm quyền lại để xảy ra nghịch lý, tự chủ sản xuất nhưng phụ thuộc giá nhập?

Rất khó hiểu khi cơ quan quản lý lại để các công ty gas bắt chẹt người dân một cách công khai thế này.

Theo TNO


Xem thêm:
- Nghe lại tiếng chửi
- Chợ đời nhốn nháo nói leo
- Sự thịnh vượng hoang đường

No comments:

Post a Comment