Saturday, August 10, 2013

Nghĩ về những người lãnh đạo được dân Quảng Nam-Đà Nẵng mến!

>> Tư duy bảo tồn theo dự án
>> Ứng xử với di tích
>> Nghịch lý bảo tàng
>> Rỗng... chiến lược.
>> Hai bức hình từ Trung Quốc

Nhà văn Trần Kỳ Trung

Tôi ngồi với Huỳnh Trương Phát, phó chủ tịch hội nhà báo tỉnh Quảng Nam. Hai anh em ôn lại những kỷ niệm để đời về trận lụt năm 1999. Trận lụt này có lẽ chỉ thua trận lụt năm Thìn ( 1964) về mức nước dâng, về tổn thất… Huỳnh Trương Phát kể với tôi: “ Lúc đỉnh cao của lũ, nước đã mấp mé đê bao hồ Phú Ninh, đê có thể vỡ bất cứ lúc nào, có khả năng phải phá đê bao hồ Phú Ninh để cứu dân và lúa ở các vùng khác. Vỡ hoặc phá đê cả thị xã Tam Kỳ sẽ chìm trong biển nước . Tin ấy dội đến làm cho cả thị xã Tam Kỳ táo tác.  Nhà thì gói đồ, nhà thì tìm phao, nhà thì chạy đôn, chạy đáo tìm chỗ trú…bấn loạn, bi quan … đó là tâm trạng chung của tất cả người dân thị xã Tam Kỳ lúc đó”.  Thậm chí cả ông Lê Huy Ngọ, nguyên trưởng ban phòng chống lũ lụt trung ương có mặt trực tiếp ở vùng rốn lũ cũng không thể dấu được sự bồn chồn lo lắng cố tìm phương sách khác làm sao cứu được cả một vùng rộng lớn của tỉnh Quảng Nam thoát lụt, ngoài việc phải phá đê bao hồ Phú Ninh.

Nhưng cũng chính lúc đó, một con người thể hiện bản lĩnh của mình, trên hết là lòng thương dân, dám chịu trách nhiệm, hiểu rõ vị trí của một người lãnh đạo tỉnh cần làm gì?

Giữa lúc trời đang sầm sập mưa như thác đổ, gió thổi rát mặt, nước lụt mấp mé đỉnh đê bao, Ông Lê Trí Tập, lúc đó là Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã lên trên mặt đê chỉ đạo chống lũ. Bằng kiến thức tích tụ được trong những năm làm thủy lợi trải dài khắp đất nước của một kỹ sư, sau khi quan sát chân đê và mặt đê cộng với sự thao khảo thêm tài liệu sẵn có, ông Lê Trí Tập khẳng định đê bao quanh hồ Phú Ninh không thể vỡ, cho dùng nước lụt đã dâng cao sắp tràn qua mặt đê. Đã có nhiều ý kiến phản đối, rằng trước hay sau đê bao quanh hồ Phú Ninh sẽ vỡ, ý kiến trung ương cho phép phá đê, chịu lụt cục bộ. Ông Lê Trí Tập vẫn cương quyết bảo lưu ý kiến của mình và ông nói một câu nổi tiếng ngay trên mặt đê khi lũ lụt đang chực trào : “ Tôi chịu trách nhiệm về quyết định này để cứu dân. Còn nếu không may mà đê vỡ thì tôi cũng không ân hận mà tự hào vì được chết cùng dân…”. Cuối cùng, đúng với nhận định của ông Lê Trí Tập, đê bao hồ Phú Ninh không vỡ, cả thị xã Tam Kỳ tránh được trận lụt lịch sử trong gang tấc.

Nếu như ông Lê Trí Tập đồng ý với ý kiến của trung ương lúc đó, cũng như ông coi trách nhiệm “tròn như  hòn bi” thông qua ý kiến của thường vụ , chỉ đạo cho cấp dưới làm rồi nếu có thiệt hại cho dân, ông vẫn “an vị” trên vị trí Chủ tịch tỉnh.

Nếu như vậy, dân sẽ không nhớ đến ông.

Hình ảnh ông Lê Trí Tập đứng trên mặt đê, bao quanh là sóng nước, gió, mưa táp vào mặt chỉ đạo trực tiếp bảo vệ con đê, lấy mạng sống của mình khẳng định con đê đứng vững để an dân, để lãnh đạo trung ương bình tĩnh tìm đối sách phù hợp, đó là hình ảnh đẹp của một người lãnh đạo không phải dễ tìm, nếu như ta so sánh với hình ảnh lãnh đạo thời nay. Sau lụt mới thấy mấy ông lãnh đạo mặc áo phao, áo bỏ trong quần, đầu đội mũ cối đi thăm dân, trao mấy thùng mỳ, dặn dò dăm câu. Lại có một chuyện ở một huyện của một tỉnh miền trung, giữa lúc dân đang bị lụt khốn đốn thì cán bộ huyện lại đi nhậu!!!

Làm cán bộ lãnh đạo như thế, làm sao để dân tin, dân nhớ hay là ngược lại!

Đến nay khi tôi về Tam Kỳ, nhiều người dân vẫn nhắc đến ông Lê Trí Tập với những lời trìu mến.

Tôi lại được ngồi với một nhà văn có tiếng, nhà văn này từng hoạt động chiến trường khu V, kể cho tôi nghe một câu chuyện. Giữa thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, trong một cuộc họp, ông Võ Chí Công, lúc đó là lãnh đạo cao nhất của khu V đã nói với ông Chu Huy Mân: “Bằng mọi giá phải bảo vệ bằng được nhà văn Nguyên Ngọc và Nguyễn Chơn. Tôi với anh có làm sao, cũng không sợ lắm vì mình già rồi. Còn hai người này rất cần cho đất nước sau này…”. Với ông Võ Chí Công, ông không hề nghi ngờ tấm lòng thực của những người làm công tác văn nghệ, ngược lại văn nghệ sỹ được ông cực kỳ quý mến, tạo mọi điều kiện để các văn nghệ sỹ phát huy hết tài năng của mình. Sau năm 1975, chính ông đã ký quyết định thành lập trại sáng tác khu V để anh chị em làm công tác văn nghệ có chỗ sinh hoạt. Điều đó giải thích, lúc đó chiến trường khu V cực kỳ ác liệt, nhưng đội ngũ văn nghệ sỹ của khu V lúc đó, thực sự là một “đội quân chiến đấu” hùng hậu tấn công kẻ thù, động viên quần chúng, cỗ vũ tinh thần bộ đội  bằng những tác phẩm văn học, bản nhạc, bài thơ… nổi tiếng. Và sự tiên đoán đúng của ông Võ Chí Công, nhiều nhà văn, nhà thơ từng sống, chiến đấu, sáng tác ở khu V hồi đó, bây giờ vẫn là những tấm gương cho các thế hệ sau noi theo…

Một người lãnh đạo nữa của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng mà dân rất nhớ, rất thương là ông Hồ Nghinh.

Tôi chưa từng tiếp xúc hầu chuyện với ông, nhưng với người dân Hội An quê tôi, hình ảnh của ông vẫn hiển hiện của một “Vị thánh” nhân từ.

Đã có một thời điểm, gọi là “bài trừ mê tín dị đoan” tất cả đình chùa miếu mạo đều bị đập, nhất là đình chùa nào mà ảnh hưởng đến văn hóa Trung Quốc, dân sẵn sàng đập, nếu có lệnh của trên, không thương tiếc. Mà ở Hội An quê tôi thì đình chùa nhiều vô kể, nhiều ngôi chùa, ngôi đền mang dấu ấn đặc thù Trung Hoa. Chủ trương của trên có rồi, người dân cũng sẵn sàng rồi nhưng chính lúc đó ông Hồ Nghinh yêu cầu dừng ngay chủ trương đó lại. Ông nói: “Nếu chúng ta làm điều đó, có khác gì cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Hơn nữa, tất cả các công trình đền chùa miếu mạo ở Hội An, kể cả những ngôi chùa mang dấu ấn Trung Hoa là do bàn tay người dân Việt Nam lập lên, tài năng của người Việt Nam lập nên,đó là hồn cốt văn hóa dân tộc, nên thế phải giữ. Giữ được, sau này con cháu mới nhớ và biết ơn tổ tiên, ông bà.”. Ông Hồ Nghinh còn một chủ trương sáng suốt nữa, không cho làm thủy điện cạnh khu di tích Mỹ Sơn, vì làm thủy điện như vậy sẽ dìm cả khu di tích văn hóa này trong biển nước. Không phải lúc đó là không có ý kiến  “Trông giống mấy lò gạch, giữ làm gì”!!!

Giữ được Hội An và Mỹ Sơn như hiện nay, hai địa danh trở thành “di sản văn hóa thế giới” công lao của ông Hồ Nghinh không hề nhỏ, người dân Quảng Nam, nhất là người dân Hội An quê tôi, vô cùng biết ơn.

Bây giờ về Quảng Nam, ngoài hai địa danh văn hóa nổi tiếng thế giới là Hội An và Mỹ Sơn , còn phải kể đến một danh thắng nhân tạo là hồ Phú Ninh. Hồ Phú Ninh không những là một công trình chống hạn nổi tiếng, đồng thời là một thắng cảnh đẹp người dân xứ Quảng tự hào. Nhưng phải nói rõ một điều, sau năm 1975, chính thời điểm này khi đang ngây ngây chiến thắng, nhiều vị lãnh đạo trung ương còn mơ đến một “đại đồng” Đông Dương, xây dựng một chế độ “dân chủ gấp triệu lần chủ nghĩa tư bản” thì ông Hồ Nghinh cùng những đồng sự của ông lại nghĩ nhiều đến đời sống của người dân đã một lòng dâng hiến cho đất nước, cách mạng, bây giờ đất nước yên hàn làm sao thoát nghèo, thoát khổ… Xuất phát từ lòng thương dân, kính yêu dân vô hạn, ý tưởng xây hồ Phú Ninh ra đời. Xây dựng hồ Phú Ninh trong những ngày đầu đất nước vừa ngưng tiếng súng, tiếng bom phải nói đó là quyết định hết sức táo bạo, sự nhìn xa trông rộng của những vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (cũ) mà tiêu biểu  là ông Hồ Nghinh.

Người dân nhìn vào người lãnh đạo không phải với những bộ áo quần chỉnh chu, những bài phát biểu vung tay, tròn mồm, những cuộc thăm viếng, hiếu hỷ… mà phải bằng hành động thực tế có thực sự “TRỌNG” dân hay không?

Rất tiếc, bây giờ tìm ra được người lãnh đạo vừa có kiến thức vừa có văn hóa như ông Hồ Nghinh “TRỌNG” dân, để dân thương, dân nhớ sao khó thế!!!

Xem thêm:
- Ưu ái cho độc quyền
- Chẳng có nhân tài nào ở đây cả
- Đất ế ẩm, mất giá: Đà Nẵng bí tiền



No comments:

Post a Comment